Ngày 30/3, Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La làm việc với Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản về kết quả công tác 3 tháng đầu năm, kế hoạch công tác 9 tháng cuối năm 2025, những khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La đề cập nhiều khó khăn trong công tác xác định vùng ranh giới chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Nga.
Di dời cơ sở chăn nuôi khỏi nội thành gặp khó
Công tác quản lý chăn nuôi tại Sơn La hiện gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do vấn đề quy hoạch vùng chăn nuôi. Điều 183 Luật Đất đai hiện nay, chưa quy định có loại đất chăn nuôi để triển khai xây dựng trang trại, cơ sở chăn nuôi thực hiện di chuyển vật nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La, cho biết: "Theo Nghị quyết số 57/2023, Nghị quyết số 84/2024 của HĐND tỉnh, đã xác định các khu vực nội thành của 12 huyện, thành phố không được phép chăn nuôi. Đồng thời, tỉnh đã đưa ra chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở ra khỏi khu vực cấm".
Tại thành phố Sơn La có 55 khu vực cấm chăn nuôi, các huyện như Sốp Cộp, Sông Mã, Mai Sơn, Mộc Châu… cũng có những khu vực bị cấm. Theo Nghị quyết, các cơ sở chăn nuôi nằm trong vùng cấm sẽ được hỗ trợ di dời từ ngày 28/4/2023 đến 31/12/2024, với mức hỗ trợ từ 10 triệu đến 500 triệu đồng/cơ sở, tùy theo quy mô. Nguồn kinh phí này được trích từ ngân sách tỉnh. Nếu có nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau, các hộ chăn nuôi có thể lựa chọn chính sách phù hợp nhất.
Ông Toàn cho biết, đến nay, công tác di dời vẫn chưa đạt kỳ vọng, mới chỉ triển khai được với một số hộ trên địa bàn thành phố và huyện Mai Sơn, phần lớn do không bố trí được quỹ đất di dời, kinh phí hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân.
Kết luận nội dung này, ông Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La cho rằng: Chi cục cần phải phối hợp với các phòng quản lý tài nguyên đất, quản lý môi trường xây dựng lại khu vực quy hoạch chăn nuôi, thiết lập các hàng rào pháp lý để loại trừ các cơ sở chăn nuôi không đáp ứng tiêu chuẩn.
Hiện nay, Sơn La có hơn 560 trang trại, trong đó, mới có 15 trang trại quy mô lớn, còn lại là quy mô vừa, nhỏ, không tính các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do đó, cần có định hướng để thu hút các trang trại chăn nuôi quy mô tập trung, đảm bảo công nghệ chuồng trại và quy trình xử lý môi trường.
Đặc biệt, trong xu thế phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như hiện nay, cần có cơ chế kết hợp giữa phát triển chăn nuôi gắn với mô hình trồng trọt để nâng cao hiệu quả kinh tế chung.

Cần phải xây dựng chính sách chăn nuôi phù hợp để hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Đức Bình.
Thiết lập khu vực giết mổ tập trung
Quy hoạch cơ sở giết mổ là vấn đề thứ 2 cấp thiết sau vùng chăn nuôi. Dù tỉnh đã ban hành quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tại các huyện, thành phố, nhưng do hiệu quả kinh tế thấp, việc triển khai vẫn chưa thực hiện được.
Một số doanh nghiệp đề xuất xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tại các xã nhưng gặp khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất. Trong khi đó, các cơ sở giết mổ tự phát lại mọc lên tràn lan, thiếu kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Cùng với đó, kinh phí xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung rất lớn, nhất là đối với hạng mục xử lý chất thải, nước thải.
Theo vị lãnh đạo Sở Nông Nghiệp và Môi trường, Chi cục cần phối hợp với các phòng ban chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm soát chặt các cơ sở giết mổ tự phát, xử lý nghiêm khi không đảm bảo về môi trường; tham mưu cơ chế, chính sách về đất đai, tạo thuận lợi thu hút đầu tư các cơ sở giết mổ tập trung.