
Quy trình nuôi lợn theo chuẩn 5 không. Ảnh: Hoàng Anh.
Báo cáo mới đây của Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam cho biết: Năm 2024 đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm và các tổ chức, địa phương xây dựng hệ thống các hộ liên kết kinh tế nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn theo chuỗi giá trị ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Đặc biệt, chuỗi liên kết chăn nuôi an toàn sinh học mà Hội Nông nghiệp tuần hoàn liên kết với Tập đoàn Quế Lâm xây dựng đã trở thành giải pháp của chăn nuôi nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ.
Cụ thể, năm 2024 đã xây dựng được 23 hợp tác xã với 1.338 hộ; 8 tổ, nhóm hộ với 129 hộ; 6 doanh nghiệp và 100 hộ dân liên kết trực tiếp với Tập đoàn Quế Lâm, đưa tổng số hộ liên kết kinh tế nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn chuỗi giá trị Quế Lâm trong cả nước lên 1.570 hộ.
Từ những mô hình nhỏ và chứng minh hiệu quả, phong trào chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn 5 không đã không ngừng lan toả mạnh mẽ ở các địa phương từ Bắc tới Nam. Điển hình ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Lai Châu, Hà Tĩnh, Quảng Bình, thành phố Huế, Đồng Nai, Sóc Trăng… Tổng đàn gia súc, gia cầm chăn nuôi hữu cơ, kinh tế tuần hoàn lên 484 lợn nái, 7.385 con lợn thịt. Cùng với đó là mô hình chăn nuôi hữu cơ ở các đối tượng vật nuôi khác như bò, vịt, gà… liên tục được mở rộng.
Anh Hoàng Minh Tâm là người đầu tiên chuyển hướng từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Anh Tâm cho biết: Cuối năm 2021 tôi may mắn được đi tham quan các mô hình chăn nuôi, trồng trọt của Tập đoàn Quế Lâm và thực sự vui mừng vì tìm thấy phương pháp chăn nuôi mình mong muốn. Đó là chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường như cách nuôi truyền thống, tạo ra sản phẩm sạch, mang lại giá trị cho cộng đồng.
Với diện tích chuồng trại khoảng 300m2, năm 2024 gia đình anh Tâm nuôi 105 con lợn thịt theo tiêu chuẩn 5 không: không chất tạo nạc, không sử dụng nước tưới, không sử dụng thức ăn công nghiệp, không chất kích thích tăng trưởng, không gây ô nhiễm môi trường…
Trừ đi chi phí đầu tư, mỗi con lợn giúp gia đình anh Tâm lãi từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Ngoài ra, nhờ sử dụng công nghệ vi sinh vào chăn nuôi, anh Tâm còn thu được 24 tấn đệm lót, bán về cho công ty 14 tấn, số còn lại dùng để bón cho cây trồng trong vườn.
“Cái chính là mô hình chăn nuôi an toàn sinh học hoàn toàn không gây ô nhiễm, vừa bảo vệ sức khoẻ vật nuôi vừa giúp gìn giữ môi trường xung quanh. Đây là mô hình phù hợp nhất với chăn nuôi nông hộ”, anh Tâm phấn khởi.

5 lợi ích rõ rệt của chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn 5 không. Ảnh: Hoàng Anh.
Tương tự, anh Võ Văn Thắng cũng là người tiên phong ở xã Cẩm Minh (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi liên kết theo hướng hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm.
Triển khai được 3 năm, từ mô hình ban đầu chỉ 5 con lợn nái và 100 con lợn thịt, sau khi được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi thành thạo và có hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường rõ nét, anh Thắng đã mạnh dạn nâng quy mô đàn thành 10 nái và 200 lợn thịt/năm.
“Quá trình chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị hữu cơ tôi nhận thấy có 5 lợi ích rất thiết thực”, anh Thắng khẳng định.
Thứ nhất, đây là quy trình chăn nuôi tiến bộ, đã được chứng minh hiệu quả, rất dễ thực hiện đối với quy mô nông hộ.
Thứ hai, chăn nuôi an toàn sinh học giúp gia đình tiết kiệm được thời gian và chi phí trong chăm sóc và làm vệ sinh chuồng trại do không thực hiện việc vệ sinh bằng cách dùng nước dội chuồng, mỗi ngày chỉ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ để chăm sóc cho ăn, đảo lớp đệm lót trong chuồng.
Thứ ba là đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh bởi vì sử dụng thức ăn cho lợn có men vi sinh. Phân lợn cũng được xử lý qua men vi sinh, khử được mùi hôi, không phải tắm lợn, dội chuồng, thải nước ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, dể phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con hàng xóm.
Thứ tư là tận dụng được nguồn phân bón hữu cơ phục vụ chăm bón, trồng rau và cây ăn quả rất tốt và an toàn. Gia đình tôi có 3 sào lạc, ngô và gần 50 cây vú sữa tím, bây giờ hoàn toàn sử dụng phân bón vi sinh tự làm.
Thứ năm là mô hình chăn nuôi này giúp lợn phát triển tốt, hoàn toàn không bị dịch bệnh. Thời gian qua trên địa bàn xã Cẩm Minh xảy ra dịch tả lợn Châu Phi và các loại bệnh khác khiến lợn ốm chết chiếm trên 90%, nhưng nhờ chăn nuôi theo quy trình hữu cơ, đàn lợn của gia đình vẫn an toàn.
Ngoài ra, phương thức liên kết theo kiểu doanh nghiệp đầu tư con giống, thức ăn ổn định ở đầu vào, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, thu mua đầu ra theo giá ổn định, nên bất chấp biến động thị trường gia đình vẫn có lãi từ 1,5 đến 2 triệu đồng mỗi con.

Chăn nuôi an toàn sinh học, giải pháp của chăn nuôi nông hộ. Ảnh: Hoàng Anh.
Chị Đặng Thị Hiếu (phường Thuỷ Bằng, Thành phố Huế) là người nuôi lợn theo chuẩn 5 không đầu tiên ở đất cố đô.
Tham gia chuỗi liên kết chăn nuôi lợn hữu cơ Quế Lâm từ năm 2018, đến nay đàn lợn gia đình chị Hiếu đã phát triển ổn định với quy mô 10 lợn nái, 200 lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng trên 18 tấn thịt lợn hơi, được tập đoàn thu mua với giá ổn định, lãi trên 200 triệu đồng.
Sau 8 năm liên kết chăn nuôi lợn theo quy trình hữu cơ Quế Lâm, đặc biệt trải qua “đại dịch” tả lợn Châu Phi năm 2019 nhưng vẫn an toàn, chị Hiếu chia sẻ: Ngoài 5 hiệu quả rõ rệt mà những mô hình khác đã thể hiện, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của gia đình còn là hình mẫu, hàng năm đào tạo được hàng trăm hộ nông dân về chăn nuôi lợn hữu cơ đến từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thành phố Huế, Đồng Nai…
Trao đổi với Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, “cha đẻ” của mô hình nuôi lợn chuẩn 5 không cho biết: Với thực tiễn hơn 30 năm đồng hành với bà con nông dân, tôi hiểu rằng muốn dạy người nông dân làm nông nghiệp chúng ta phải có mô hình, có bộ giải pháp. Phải để nông dân thấy được lợi ích thiết thực, hiệu quả thiết thực thì lúc đó bà con mới thay đổi, làm theo.
Bằng việc xây dựng các mô hình đã được đúc kết bằng khoa học thực tiễn, chúng tôi mong muốn xây dựng thành bộ giải pháp chăn nuôi hướng đến nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ. Bởi tạo sinh kế cho những đối tượng này chính là hiện thực chủ trương “không bỏ lại ai phía sau” của Đảng và Nhà nước ta.