| Hotline: 0983.970.780

Cá tra có sớm thoát “cục nước đá”?

Thứ Tư 19/11/2014 , 08:35 (GMT+7)

Nhiều cuộc bàn thảo lại đang nổi lên ở ĐBSCL với kiến nghị kéo dài thêm thời gian cho XK sản phẩm cá tra phile đông lạnh như “cục nước đá”. 

Mà loại sản phẩm ấy chính là một nguyên nhân đẩy ngành cá tra rơi vào khủng hoảng, Bộ NN-PTNT đã quy định phải được chấm dứt từ ngày 1/1/2015.

Nghị định 36 có hiệu lực từ ngày 20/6/2014, quy định cá tra phile xuất khẩu chỉ được phép tỷ lệ tối đa mạ băng 10%, hàm ẩm 83% (tỷ lệ nước trong miếng phile sau khi rã băng).

Thông tư của Bộ NN-PTNT hướng dẫn, từ ngày 1/1/2015, thực hiện quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cá tra theo Nghị định 36. Hơn 6 tháng cuối năm 2014 là “lộ trình” cho các DN bán hết hàng tồn kho, sau đó sản phẩm cá tra chế biến muốn xuất khẩu phải thoát khỏi “cục nước đá”. Nếu kiểm tra phát hiện “cục nước đá” sẽ bị buộc chế biến lại hoặc tiêu hủy, cơ sở chế biến có thể bị đình chỉ sản xuất. Tất cả nhằm lấy lại uy tín chất lượng cho cá tra, từng bước xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.

Thời gian quá độ hiện nay, ngành cá tra ở ĐBSCL chưa ngăn được đà sụt giảm. Con số thống kê của các chi cục thủy sản ĐBSCL, đến giữa tháng 11/2014, so với năm 2013, diện tích cá tra đã thu hoạch giảm gần 19%, sản lượng giảm gần 18%, năng suất bình quân cũng giảm. Diện tích nuôi cá tra hiện tập trung ở các DN đang duy trì chế biến XK, còn “các hộ nuôi nhỏ lẻ đa phần treo ao, một số chuyển sang nuôi gia công cho nhà máy chế biến”.

Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, các thị trường chính nhập khẩu cá tra đều giảm so với cùng kỳ năm 2013. Thị trường EU giảm 9,6% do “số lượng nhà nhập khẩu giảm, kéo theo hợp đồng xuất khẩu cũng giảm theo”, thị trường Mỹ giảm 17%. Thị trường Nga và một số thị trường khác tăng nhưng vì tỷ trọng nhỏ nên “chưa đủ bù đắp cho phần sụt giảm trên hai thị trường EU và Mỹ”. Dự kiến, năm 2014, kim ngạch XK cá tra giảm so với năm 2013 (năm 2013 đã giảm so với 2012).

Giá cá tra nguyên liệu trong nước, đạt mức cao vào tháng 4 (25.000 đ/kg), sau đó xuống đáy những tháng 6, 7, 8 (20.000 đ/kg), nay nhích lên nhưng cũng chỉ tương đương năm 2013. Số liệu đăng ký hợp đồng XK từ ngày 12/9 đến nay, cả nước có 173 DN xuất khẩu 7.687 lô hàng cá tra. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ một DN xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch trên 100 triệu USD.

Với quy định nâng cao chất lượng sản phẩm để cứu ngành cá tra ĐBSCL khỏi khủng hoảng, mọi người đều đồng ý. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện lại đang có hai luồng ý kiến khác nhau.

Những ý kiến tán thành thời điểm 1/1/2015, cho rằng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cá tra đáp ứng nhu cầu của thị trường Mỹ, EU và một số thị trường cao cấp khác. Các nhà nhập khẩu ở những thị trường này “đánh giá cao tinh thần Nghị định 36”, đề nghị việc nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra “cần được thực hiện sớm”.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN Hồ Văn Vàng phân tích, khoảng 3 năm nay, nhiều DN cạnh tranh bằng cách hạ giá XK, sau đó gian lận với thủ đoạn đưa nước vào sản phẩm cá chế biến. Một là mạ băng với tỷ lệ 20-30% thậm chí cao hơn, hai là dùng thiết bị quay tăng trọng cho nước ngấm vào miếng thịt phile. “Nước nhiều làm miếng thịt cá tra bủng, ăn không còn ngon khiến nhiều người tiêu dùng tẩy chay, một số DN nhập khẩu của nước ngoài phàn nàn vì mua phải “cục nước đá”, nên việc nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra không nên chậm trễ”, ông Vàng nói.

Giám đốc HTX Thới An ở Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hải, cũng mong thực hiện đúng lộ trình Bộ NN-PTNT đã quy định. Ông nói: “Không nên trì hoãn việc thực hiện Nghị định 36, vì chẳng thà xuất khẩu ít với sản phẩm chất lượng cao mà có lời, còn hơn xuất khẩu nhiều sản phẩm chất lượng thấp để ngày càng nghèo”.

Còn những ý kiến muốn kéo dài thêm “lộ trình” thực hiện quy định tiêu chuẩn chất lượng cá tra là để khách hàng nước ngoài có thời gian chuẩn bị. Lo ngại của họ, “khách hàng không có yêu cầu về sản phẩm với 83% độ ẩm và 10% tỷ lệ mạ băng” có thể sẽ bỏ cá tra để mua cá khác.

Tuy nhiên, nếu kéo dài “lộ trình” thì đến bao giờ? Hiệp hội Cá tra VN cho biết, trước những bàn cãi hiện nay ở Việt Nam, một số nhà nhập khẩu đặt câu hỏi, còn có những thay đổi nào về hàm lượng nước sẽ được xem xét hay không? Theo Hiệp hội, nhiều nhà nhập khẩu sản phẩm cá tra cần câu trả lời rõ ràng: “Khi nào thì Nghị định 36 sẽ được áp dụng hoàn toàn hay có khả năng bị trì hoãn lại hay không? Trong trường hợp bị trì hoãn thì khi nào là hạn chót để thực hiện?”.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất