| Hotline: 0983.970.780

Chăm sóc lúa hè thu

Thứ Sáu 28/06/2013 , 10:32 (GMT+7)

Trên tổng thể, nhu cầu phân bón, nhất là phân đạm cho lúa vụ HT thấp hơn vụ ĐX.

Nhiều nơi ở ĐBSCL đang thu hoạch lúa vụ HT, nhưng cũng còn khoảng 300.000 ha đang trong thời kỳ phân hóa đòng. Những ngày này thời tiết nhiều mưa khiến việc thu hoạch rất vất vả, làm chi phí gặt tăng hơn so với bình thường đến 300.000 đ/ha, rơi vãi cũng nhiều hơn.

Đặc biệt là thất thoát sau thu hoạch tăng cao bởi sản lượng cần phải sấy “dồn toa” tăng đột biến, trong lúc năng lực của các loại máy sấy mới đáp ứng được khoảng 40%.

NHỮNG KHÁC BIỆT GIỮA LÚA VỤ ĐX VÀ HT

Tuy nhiên ảnh hưởng lớn nhất đến hiệu quả SX và tinh thần của bà con trồng lúa ĐBSCL vẫn là giá cả, năm nay giá lúa xuống quá thấp, giá tại ruộng hiện chỉ còn 3.800 đ/kg. Giá lúa thấp, trong lúc giá vật tư như phân bón, thuốc BVTV lại không những không giảm mà lại tăng.

Theo TCty Phân bón & hóa chất dầu khí, giá cung ứng đạm Phú Mỹ trong vụ HT này bình quân lên tới 10.200 đ/kg, cao hơn 500 đ/kg so với trước (giá mua bằng tiền mặt). Diễn biến ngược chiều giữa giá lúa và giá vật tư khiến cho người trồng lúa không có lời gây nên tâm trạng chán nản.

ĐBSCL có 3 vụ lúa là ĐX, HT và TĐ, trong đó vụ HT được xếp vào loại có năng suất thấp nhưng giá thành lại cao nhất bởi những đặc trưng sau:

- Phải xuống giống trong điều kiện nắng nóng xen kẽ với những cơn mưa đầu mùa nên rất dễ bị xì phèn.

- Không có đủ thời gian để phơi đất, cày ải nên rất dễ bị nhiễm độc hữu cơ.

- Cây lúa sinh trưởng trong điều kiện mùa mưa, trời nhiều mây, lượng bức xạ kém, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm không cao nên năng suất lúa không cao.

- Nắng nóng và mưa nhiều nên dễ thất thoát phân bón.

Trong tình hình hiện nay, các biện pháp canh tác nhằm tăng năng suất, giảm hao hụt, chống đổ ngã có ý nghĩa quyết định.

NHỮNG LƯU Ý KHI BÓN PHÂN CHO LÚA HT

Trên tổng thể, nhu cầu phân bón, nhất là phân đạm cho lúa vụ HT thấp hơn vụ ĐX. Thông thường để đạt năng suất từ 6,5 tấn/ha trở lên, lúa vụ ĐX ở ĐBSCL cần bón 90 - 100 kg N (tương đương khoảng 195 - 215 kg urê) thì lúa vụ HT chỉ cần bón 75 - 85 kg N (tương đương khoảng 165 - 185 kg urê).

Cần phải cảnh giác với việc bón dư phân đạm vì việc dư phân đạm sẽ làm cho cây mềm yếu, dễ bị đổ ngã.

- Cần bón nhiều phân lân hơn: Với lúa vụ ĐX chỉ cần bón 35 - 40 kg P2O5 (tương đương khoảng 215 - 250 kg lân supe) nhưng với lúa vụ HT phải bón nhiều lân hơn bởi đất dễ bị xì phèn khiến cho một lượng lân không nhỏ khi gặp các cation Al và Fe sẽ bị biến thành dạng khó tiêu.

 Lượng khuyến cáo là 40 - 50 kg P2O5 (tương đương khoảng 250 - 315 kg lân supe), thậm chí trên đất phèn nặng phải bón tới 60 kg P2O5 (tương đương khoảng 375 kg lân supe).

- Lượng phân kali có thể giữ nguyên như lượng bón cho lúa vụ ĐX (40 - 45 kg K2O, tương đương 65 - 75 kg KCl).

- Trên chân đất phèn nặng như Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên có thể phải bón thêm vôi với liều lượng khoảng 200 - 300 kg/ha.

BÓN PHÂN ĐỢT 3 CHO LÚA HT

Với lúa ngắn ngày nói chung thì kỹ thuật bón phân đợt 3 này rất quan trọng và càng quan trọng hơn ở vụ HT. Trên lý thuyết thì bón phân đợt 3 vào thời điểm 40 - 45 ngày sau sạ, nhưng để đạt hiệu quả cao như các yêu cầu đã nói ở trên thì thời điểm bón phân đợt 3 này đòi hỏi phải hội tụ được 3 yếu tố, ngoài yếu tố về số ngày sau sạ (40 - 45 ngày) thì còn kết hợp với 2 yếu tố khác nữa là:

-Chỉ bón khi lúa đã có “tim đèn” (bóc cây lúa ra khi thấy đòng lúa nhú khoảng 1 - 3 mm).

-Chỉ bón khi lúa đã ngả màu vàng tranh.

Nếu lúa đã hội đủ 2 điều kiện trên nhưng vẫn chưa ngả màu vàng tranh thì có thể hoãn thời điểm bón từ 3 - 5 ngày.

Để lúa ngả màu vàng tranh (bậc 3 trong bảng so màu lá lúa) vào thời điểm bón đón đòng thì khi được 32 ngày sau sạ nên tiến hành cắt nước để tạo điều kiện cho cây lúa không đẻ nhánh nữa (vì toàn bộ lúc này các chồi mọc thêm đều vô hiệu).

Đồng thời việc cắt nước cũng giúp cho rễ lúa ăn sâu hơn, chống đổ ngã tốt hơn, lá lúa từ trạng thái nằm ngang sang trạng thái đứng để giúp cây đón được nhiều ánh sáng, quang hợp tốt hơn, ít sâu bệnh hơn.

Nếu sử dụng phân đơn bón đúng thời điểm với 3 điều kiện như ở trên thì dùng 5 kg urê + 5 kg KCl/1.000 m2; Nếu màu lá có màu xanh lợt thì chỉ nên sử dụng 3 kg urê + 5 kg KCl/1.000 m2; Nếu màu lá vẫn xanh tốt (hoặc ở trong rợp) thì chỉ cần bón 5 kg KCl/1.000 m2.

Tuy nhiên khi giảm, hoặc không sử dụng phân đạm thì cần xem mã lúa để có thể bón 2 kg urê/1.000 m2 khi lúa bắt đầu cong trái me.

Cty CP Phân bón miền Nam (nhãn hàng Con Ó) là đơn vị có lịch sử và truyền thống SX phân bón NPK cao cấp nhất trong cả nước đã SX nên loại phân bón chuyên dùng cho lúa ở giai đoạn này. Công thức sản phẩm của phân bón Con Ó là NPK 16.8.20. Lượng bón theo khuyến cáo là 250 kg/ha.

Điều đặc biệt trong công thức này ngoài hàm lượng kali cao để thúc đẩy vào chắc nhanh, chín tập trung còn có hàm lượng lân dễ tiêu. Với lúa ĐX, giai đoạn này thì hàm lượng lân chỉ cần trong khoảng 4P nhưng với lúa HT thì cần cao hơn, bởi ruộng dễ xì phèn và ngộ độc hữu cơ.

Ngoài việc bón phân, nếu có điều kiện nên tháo nước ra trước thu hoạch khoảng 8 - 10 ngày và thu hoạch đúng độ chín (thu hoạch khi 85% số hạt đã chín).

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Kinh nghiệm phòng bệnh ở xã có diện tích thủy sản lớn nhất Hà Nội

Xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội có tới 475ha thủy sản, trong đó riêng HTX Thủy sản Trầm Lộng đã có trên 170ha với hơn 70 thành viên.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.