| Hotline: 0983.970.780

Nữ kỹ sư giúp người dân thoát nghèo nhờ cây tía tô bản địa

Thứ Hai 25/11/2024 , 06:30 (GMT+7)

Lào Cai Với hơn 30ha tía tô cùng 20 sản phẩm đa dạng, chị Trần Anh Xuân đã tiên phong đưa cây tía tô bản địa thành cây giúp bà con thoát nghèo.

Năm 2014, chị Trần Anh Xuân (quê Thái Bình) tốt nghiệp Khoa Nông học - Học viện Nông nghiệp Việt Nam và được nhà trường cử lên vùng đất Sa Pa để nghiên cứu cây trồng và quyết định gắn bó với vùng đất này. Năm 2018, chị liên kết với chị em phụ nữ xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) thành lập HTX Sapa Secrets.

Hợp tác xã HTX Sapa Secrets tạo được nhiều việc làm cho các chị em tại xã Tả Phìn. Ảnh: Hùng Khang.

Hợp tác xã HTX Sapa Secrets tạo được nhiều việc làm cho các chị em tại xã Tả Phìn. Ảnh: Hùng Khang.

Sau khi HTX được thành lập, chị Xuân nghiên cứu các công dụng của cây tía tô bản địa kết hợp với hoạt động du lịch. Thời gian này, chị chủ yếu tổ chức các tour cho du khách trải nhiệm tắm lá thuốc và trải nghiệm văn hóa bản địa. Khi công việc đang đần phát triển thì bất ngờ dịch Covid-19 ập đến, khách du lịch ít dần đi. Hàng tỉ đồng vốn vay ngân hàng cùng công sức xây dựng của chị bỗng chốc đổng sông, đổ bể.

Không lùi bước, tận dụng khoảng thời gian cách li do đại dịch, chị tiếp tục mở rộng nghiên cứu và phát triển trồng cây tía tô để chế biến các sản phẩm từ lá, thân tía tô.

Theo chị Xuân, tía tô là cây dược liệu có thể phát triển thành nhiều sản phẩm thương mại. Hiện HTX Sapa Secrets đang tập trung sản xuất 20 dòng sản phẩm như trà tía tô, cao tía tô, xà phòng, sữa tắm… từ tía tô với mức giá trung bình từ 100.000 – 300.000đ/sản phẩm.

“Tía tô được trồng tại HTX hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ. Tía tô sau khi thu hoạch về sẽ được chiết xuất lấy tinh dầu, sản xuất cao, trà, bột và các sản phẩm khác. Tía tô cũng có rất nhiều loại, để làm trà chúng tôi sẽ chọn loại lá 2 mặt đều có màu đỏ tím, còn chiết xuất tinh dầu sẽ chọn loại mặt trên màu xanh, phía dưới màu đỏ, mùi dịu và không bị hắc”, chị Trần Anh Xuân chia sẻ.

Chị Trần Anh Xuân thu hoạch tía tô. Ảnh: Hùng Khang.

Chị Trần Anh Xuân thu hoạch tía tô. Ảnh: Hùng Khang.

Sau 5 năm mở rộng vùng nguyên liệu, đến nay, HTX Sapa Secrets đã sở hữu hơn 30ha tía tô đỏ, được canh tác theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Trong đó 10ha do người dân trồng được chị Xuân thu mua với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/kg lá ngọn. Sản lượng thu hái mỗi năm ước đạt khoảng 10 tấn/ha.

Khi đã có vùng nguyên liệu tại chỗ ổn định, chị Xuân tiếp tục đầu tư gần 2 tỷ đồng để mua máy móc thiết bị chiết xuất tinh dầu, đóng gói sản phẩm để mở rộng sản xuất.

Không chỉ nâng tầm giá trị của cây tía tô bản địa, HTX Sapa Secrets còn tạo việc làm cho 10 lao động toàn thời gian với mức thu nhập ổn định 10 triệu đồng/tháng và khoảng 50 đến 100 lao động thời vụ. Vì vậy, cái tên "Xuân tía tô" đã dần trở thành thương hiệu quen thuộc với mỗi người dân ở thôn Sả Séng và thôn Lủ Khấu (xã Tả Phìn).

Chị Tẩn Lở Mẩy, thành viên HTX Sapa Secrets cho biết, từ khi có chị Xuân và được tham gia vào HTX, đời sống của gia đình chị và bà con trong bản ngày càng được nâng lên. Thu nhập cao hơn so với trước đây chỉ trồng lúa và các cây rau màu khác.

Sản phẩm trà tía tô của HTX Sapa Secrets. Ảnh: Hùng Khang.

Sản phẩm trà tía tô của HTX Sapa Secrets. Ảnh: Hùng Khang.

“Từ khi vào HTX mình được học hỏi rất nhiều kiến thức mới về công nghệ và kinh doanh trên mạng xã hội. Ngày xưa khi chưa có HTX đời sống bà con ở đây rất khó khăn, giờ công việc, thu nhập ổn định, cuộc sống khá lên nên mình cùng các thành viên khác đều cảm thấy rất vui”, chị Tẩn Lở Mẩy chia sẻ.

Hiện nay, các sản phẩm từ tía tô mang thương hiệu của HTX Sapa Secrets đang được quảng bá rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Zalo… và nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng trong và ngoài nước.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, chị Xuân tiếp tục mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, phát triển thêm hơn 5ha trồng tía tô ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Bên cạnh đó, chị cũng chủ động tự nghiên cứu công thức và thử nhiệm thêm nhiều sản phẩm mới để đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm cho bà con địa phương.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Một xã vùng cao có 26 con trâu bò chết nghi do ung khí thán

NGHỆ AN Nhiều hộ dân tại bản Huồi Mũ của xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) đang hoang mang khi trâu, bò bỗng dưng chết hàng loạt.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.