| Hotline: 0983.970.780

Kinh nghiệm phòng bệnh ở xã có diện tích thủy sản lớn nhất Hà Nội

Thứ Hai 25/11/2024 , 07:30 (GMT+7)

Xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội có tới 475ha thủy sản, trong đó riêng HTX Thủy sản Trầm Lộng đã có trên 170ha với hơn 70 thành viên.

Chuyển đổi từ ruộng lúa sang ao nổi

Điều mà khách lạ đến đây không mấy ai ngờ tới là chỉ 15 năm về trước, những dãy ao nổi nối tiếp nhau ngày đêm trắng xóa những guồng quạt ôxy đó là các cánh đồng lúa “chiêm khê, mùa thối”. Một số hộ dân đã tiên phong đắp bờ cao lên, biến ruộng của mình thành những cái ao nổi. Thế rồi khi làm ăn ngày một khấm khá người nọ liền học theo người kia.

Thấy được hướng đi mới có nhiều triển vọng, chính quyền xã, huyện đã “bật đèn xanh" cho việc chuyển đổi chui ban đầu ấy bằng việc quy hoạch Trầm Lộng thành vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của Ứng Hòa. Từ đó, cả dân và cán bộ xã đều đắm đuối với nghề cá.

50ha nuôi cá theo chuẩn VietGAP của HTX Thủy sản Trầm Lộng được cấp giấy chứng nhận năm 2021, đến năm 2023 thì hết hạn nhưng ông Lê Xuân Hữu - Giám đốc thẳng thắn với tôi rằng: “VietGAP không giúp cho hiệu quả kinh tế tăng mà làm vất vả hơn, chi phí tốn hơn nhưng cá vẫn bán bằng giá như không VietGAP, vậy là chúng tôi thôi”. Tuy nhiên, cái tinh thần của VietGAP vẫn được người dân duy trì trong sản xuất bởi tiêu chuẩn này yêu cầu rất chặt chẽ về phòng chống dịch bệnh.

Nhờ vậy, dù giá cá năm nay hạ hơn năm ngoái nhưng những hộ tuân thủ tốt kỹ thuật vẫn có thể lãi 7.000-8.000đ/kg. Với năng suất trung bình mỗi ha 25-27 tấn cá/năm thì số lãi ấy tương đương khoảng trên dưới 200 triệu đồng.

Những hộ có diện tích ao nuôi rộng như nhà ông Lê Xuân Hữu (hơn 4ha), Vũ Bá Học (3ha), Nguyễn Mạnh Tưởng (2ha), Đinh Quang Lĩnh (2ha)… thực sự đã kiếm được một khoản lãi lớn mỗi năm. Vậy đâu là bí quyết?

Hệ thống ao nổi ở Trầm Lộng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hệ thống ao nổi ở Trầm Lộng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Hữu thủng thẳng kể: “Nguy hiểm nhất hiện nay là bệnh virus trên con cá chép. Triệu chứng của bệnh là cá bỏ ăn, bơi lờ đờ rồi dạt vào bờ chết hàng loạt và chết rất nhanh, có khi vài ngày đã mất cả chục tấn. 2 năm về trước bệnh này thường chỉ xảy ra ở mùa xuân nhưng hiện nay xảy ra bất kỳ lúc nào, không có mùa rõ ràng nữa dù vẫn hay bị vào mùa xuân hơn.

Một khi đã mắc bệnh, từ cá chép giống đến cá chép thương phẩm, nặng 2-3 kg, sắp bán được rồi vẫn chết như thường. Bệnh này nếu biết cách phòng vẫn tránh được, mà chủ lực là sát khuẩn tối thiểu 1 tháng 1 lần, và cứ 15 - 20 ngày phải 1 lần thả men đáy xuống để phân hủy cặn bã trong nước”.

Ngoài bệnh virus đặc thù trên cá chép tất cả các loại cá trong ao cứ 20-30 ngày ông Hữu lại phải xử lý trùng mỏ neo để tránh cá bị ngứa; rồi ông lại xử lý nấm mang tránh cá khó hấp thụ ôxy.

Trước đó, khi thả giống xuống ao ông còn “tắm” cho chúng bằng nước muối hay thuốc tím trong vài phút để loại trừ các bệnh ngoài da. Khác với gia súc, gia cầm khi ốm có thể vạch mồm cho uống thuốc hay giữ chặt để tiêm chọc, thủy sản luôn ở dưới nước, khó bắt, khó điều trị nên công tác phòng bệnh trở thành một yếu tố quyết định đến sự thành công.

“Trước đây, một số người cũng thử giã tỏi trộn vào thức ăn cho cá nhưng hiệu quả tương đối thấp. Tôi chỉ thấy trộn vitamin C cho cá ăn để tăng sức chống nóng vào mùa hè, trộn các chất khoáng, vi lượng cho cá ăn để tăng sức chống rét vào mùa đông là phù hợp.

Đã nuôi cá quen chỉ cần nhìn màu nước là biết được chúng khỏe hay yếu. Khi thu hoạch xong 2 lứa cá tôi thường làm sạch đáy ao, phơi nắng 15 ngày rồi rắc vôi, khử trùng tiêu độc bao giờ bùn nứt chân chim mới cho nước vào. 90% ở đây là dạng ao nổi, đáy là nền ruộng cũ, chỉ đắp bờ cao lên mà thôi, bởi thế rất thoáng gió, thu hoạch rút nước rất tiện nhưng nhược điểm là hay bị mất nước, phải cấp vào liên tục”. Ông Hữu giải thích.

Cũng theo ông do không có hệ thống thoát nước, cấp nước riêng biệt nên khi cá trong ao nhà hàng xóm bị bệnh tuyệt đối không được lấy nước vào ao nhà mình đồng thời phải xử lý thuốc sát khuẩn để phòng ngừa rồi thả thêm men xử lý đáy. Nhờ vậy, đầu năm ngoái một số ao trong vùng bị bệnh virus trên cá chép nhưng ao nhà ông không hề mắc, cuối năm vẫn thu hơn 100 tấn cá, lãi được 1 tỷ đồng.

Hai bố con ông Lê Xuân Bồng - Lê Quang Khải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hai bố con ông Lê Xuân Bồng - Lê Quang Khải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hai cha con cùng chung chí hướng

Bố con ông Lê Xuân Bồng - Lê Quang Khải đại diện cho hai thế hệ nuôi cá thời kỳ đầu và thời kỳ hiện đại ở xã Trầm Lộng. Trước đây, ông Bồng nuôi 3 mẫu cá, vốn không có, kỹ thuật không có, bù lại được cái là nước hồi ấy khá sạch nên vật nuôi ít bị bệnh. Cũng là thâm canh nhưng sản lượng cá của ông chỉ cỡ 5 tạ/sào, bởi vậy công bỏ ra nhiều lời lãi cũng chẳng đáng là bao. Cách đây 2 năm vì tuổi già sức yếu nên ông định giã từ nghề nhưng đứa con vốn là chủ thầy xây dựng lại giơ tay ra mà đón lấy, dù cho bố có gàn bao nhiêu cũng không được.

Từ 1 ao rộng 3 mẫu ban đầu, anh Khải đã thầu thêm 6 ao nữa để mở rộng ra tới 10 mẫu, tương đương xấp xỉ 4 ha. Sẵn vốn nên anh đầu tư 250 triệu mua máy cho ăn, máy quạt nước, camera theo dõi xem tình trạng của cá suốt đêm ngày bởi có những ao cách xa nhà tới 2 km.

Tất cả hệ thống máy đó đều có thể điều khiển chỉ bằng một lệnh trên điện thoại. Môi trường nước nuôi lúc này càng ngày càng xấu nên trung bình tháng 2-4 lần anh phải thả chế phẩm sinh học để gây vi sinh, xử lý mùn bã hữu cơ, khắc chế vi sinh vật có hại. Đồng thời, mỗi tháng anh cũng xử lý 1-2 lần nấm mang, 1 lần ký sinh trùng.

Ông Lê Xuân Bồng đang kiểm tra cá. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Ông Lê Xuân Bồng đang kiểm tra cá. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Sát cánh bên anh là đội ngũ kỹ sư của công ty sản xuất cám. Mỗi tuần họ đến test nước 1 lần để biết tình trạng thế nào mà tư vấn cụ thể cho: “Tôi đã cắm 2 cái sổ đỏ vào đây mọi thứ đều phải cẩn trọng”.

Anh Khải cười, giải thích với tôi như thế. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mà sản lượng cá anh thu được trên một đơn vị diện tích gấp đôi thời cảu bố anh. Tuy nhiên, ông Bồng thỉnh thoảng vẫn cho anh những lời khuyên của một đời đúc kết.

Ví dụ, như hạn chế dùng thuốc kháng sinh, trong trường hợp buộc phải dùng không nên cho cá trắm ăn cỏ bởi kháng sinh đã nạo mỏng thành ruột của chúng, khi ăn cỏ vào sẽ chọc thủng ruột và gây chết. Khi thời tiết thay đổi phải giảm lượng thức ăn đi, vừa đỡ lãng phí lại vừa tránh gây thối nước.

Rồi nuôi cá theo tỷ lệ 70% trắm, 20% chép, 10% rô Phi để tận dụng không gian trắm ăn nổi, chép ăn đáy, rô Phi dọn chất thải. Những kinh nghiệm đó, càng áp dụng anh Khải lại càng thấy thấm thía.   

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Nữ kỹ sư giúp người dân thoát nghèo nhờ cây tía tô bản địa

Lào Cai Với hơn 30ha tía tô cùng 20 sản phẩm đa dạng, chị Trần Anh Xuân đã tiên phong đưa cây tía tô bản địa thành cây giúp bà con thoát nghèo.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.