| Hotline: 0983.970.780

Chạy đuổi mùa nước nổi

Thứ Hai 15/08/2011 , 10:48 (GMT+7)

Mực nước đầu nguồn ở tỉnh Đồng Tháp đã cao gần 1m so với năm 2010. Theo đó người nghèo không đất, nông dân trồng lúa đang chạy đua với mùa nước nổi để mưu sinh.

Mực nước đầu nguồn ở tỉnh Đồng Tháp đã cao gần 1m so với năm 2010. Theo đó người nghèo không đất, nông dân trồng lúa đang chạy đua với mùa nước nổi để mưu sinh.

Người nghèo thì mừng

Đi dọc thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi đã cảm nhận được sự phấn chấn của dân nghèo trước dòng nước đỏ đầu về càng lúc càng mạnh. Dân chài lưới dưới sông đã bắt được cá linh bán với giá hơn 60.000 đồng/kg. Còn ở trên đồng, người nghèo cũng đã bắt được cá đồng, cá tạp bán kiếm tiền tiêu. Ông Nguyễn Văn Dương, ấp Bình Thạnh A, xã Bình Thạnh nhớ lại: "Giờ này năm trước người nghèo vẫn còn ngồi chơi, còn năm nay thì đã có cơ hội tranh thủ ra đồng kiếm cá. Gia đình tôi 5 miệng ăn sẽ có cuộc sống tốt hơn với mùa nước nổi này, và hy vọng đây là mùa nước đẹp".

Không chỉ người nghèo mà kể cả người nông dân nuôi cá, nuôi tôm đăng quầng cũng vui với mùa nước nổi 2011. Ông Nguyễn Văn Công, ấp Bình Thạnh B, Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự không giấu được niềm vui khi hơn chục ngàn con cá lóc nuôi trong vèo đã đủ mồi cho ăn. Các hộ dân nuôi tôm đăng quầng trên ruộng lúa cũng không còn sợ thiếu nước để tôm bò lên ruộng tìm mồi.

Ông Nguyễn Phong, ấp 1, xã An Bình B, thị xã Hồng Ngự nói: Nước đầu nguồn đang cuồn cuộn chảy về sớm và cao hơn mọi năm nên rất thuận lợi cho mô hình nuôi tôm đăng quầng trong ruộng. Mấy năm trước nước về trễ, nhỏ nên 8,5 ha nuôi tôm trên ruộng chỉ đạt được khoảng 15 tấn tôm, thế mà sau khi trừ chi phí vẫn thu lãi được hơn 200 triệu đồng. Còn năm nay nước về sớm, mực nước đang dâng từng ngày nên tôm càng xanh bò lên ruộng sớm và đang phát triển tốt. Chắc chắn năng suất và hiệu quả nuôi tôm sẽ cao hơn năm 2011.

Được biết, đến thời điểm này toàn tỉnh Đồng Tháp đã thả nuôi tôm càng xanh được hơn 940 ha, đạt khoảng 43% kế hoạch. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, năm nay nước lên đẹp sẽ giúp cho hơn 200.000 hộ dân sống trên đất nông nghiệp tăng thêm thu nhập đáng kể.

Người trồng lúa lo sốt vó

Người nghèo sống nhờ mùa nước nổi thì vui mừng, trong khi những người trồng lúa vụ 3 lại đang lo sốt vó. Ông Văn Láng, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, Đồng Tháp bộc bạch: "Thấy giá lúa cao, lại cứ nghĩ năm nay nước nhỏ như năm trước nên nông dân chúng tôi mới xuống giống. Nào ngờ con lũ về nhanh và mạnh quá, cứ đà này rất dễ hỏng ăn". Theo kế hoạch, vụ này Đồng Tháp sạ 99.300 ha lúa, tăng khoảng 38.000 ha so với vụ trước và rất nhiều diện tích trong số đó đang đứng trước nguy cơ bị ngập nước.

Ông Đoàn Trí Vững, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Đồng Tháp cho biết:

 Năm nay diện tích lúa vụ 3 toàn tỉnh tăng trên 38.000 ha. Diện tích tăng chủ yếu ở những địa phương mới đầu tư đê bao, trạm bơm. Đến thời điểm này các địa phương đã xuống giống được hơn 84.360 ha, vẫn còn một số địa phương mới xuống giống và chuẩn bị xuống giống.

Trên cơ sở dự báo của ngành thủy văn, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã chỉ đạo tăng cường công tác gia cố đê bao, hạ tầng thủy lợi, nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ các công trình chống úng, trạm bơm chống úng theo phương châm phải đảm bảo ăn chắc mới xuống giống. Đối với những vùng mới tăng vụ 3, nếu tiến độ thi công các công trình chậm thì không nên tổ chức sản xuất.

Theo thống kê của Phòng NN - PTNT huyện Châu Thành, toàn huyện hiện có khoảng 50% của 11.300 ha lúa vụ 3 được nông dân gieo sạ trong những vùng đê bao không ăn chắc. Điển hình là tuyến đê bao số 1, ấp Hòa Hưng, xã Hòa Tân được thi công từ đầu mùa khô nhưng đến nay vẫn đang bị đứt đoạn, còn khoảng 1 km mới được khép kín và hiện có gần 90 ha lúa vụ 3 đang bị nước đe dọa. Được biết, huyện Châu Thành có 12 công trình thủy lợi bảo vệ lúa vụ 3 mới thi công chỉ đạt khoảng 80% khối lượng công trình. Ông Huỳnh Minh Phụng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, nếu không có giải pháp quyết liệt cho việc tu bổ đê bao, hàng ngàn ha lúa ở huyện có nguy cơ bị ngập trắng vì nước dâng.

Còn ở huyện Tân Hồng, ông Nguyễn Văn Tài, Phó phòng NN - PTNT huyện cho biết: Theo dự báo mùa nước năm nay cao hơn năm 2010 khoảng 1 m, do vậy địa phương đang đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thì công các công trình để kịp tiến độ xuống giống lúa vụ 3 theo kế hoạch là 11.200 ha.

Hiện tại, có những công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đã hoàn thành từ 40 - 80% và đang phấn đấu mấy hôm nữa hoàn tất để ngày 20/8 xuống giống đúng lịch thời vụ. Các công trình đê bao thi công đạt cao trình 5,5 m so với mặt nước biển. Như vậy, năm nay mực nước dâng lên 1 mét thì Tân Hồng vẫn đảm bảo an toàn cho diện tích sản xuất lúa vụ 3. Hiện tại, địa phương cũng đang thiếu khoảng 15 tỷ đồng để đầu tư thêm một số hạng mục công trình đê bao, trạm bơm chống úng để mở rộng thêm diện diện sản xuất lúa vụ 3.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất