| Hotline: 0983.970.780

Chuyện cổ phần hóa hãng phim tiếp tục rớt nước mắt vì chủ đầu tư

Chủ Nhật 22/10/2017 , 06:50 (GMT+7)

Cổ phần hóa hãng phim là một giải pháp tất yếu của quá trình xã hội hóa điện ảnh. Thế nhưng, việc cổ phần hóa để biến Hãng phim truyện VN trở thành Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển phim truyện VN lại phơi bày không ít bất cập và rắc rối.

Sự phản ứng gay gắt của nhiều thế hệ nghệ sĩ gắn bó với Hãng phim truyện VN không phải hoàn toàn vô lý. Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ rà soát lại quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện VN.

09-42-47_trng_35

Hãng phim truyện VN là đơn vị sản xuất phim lâu đời nhất tại nước ta. Những bộ phim đầu tiên và nổi tiếng nhất của nền nghệ thuật thứ bảy như “Chung một dòng sông”, “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Bao giờ cho đến tháng mười”… đều được thai nghén và hình thành tại đây. Đáng tiếc, bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21, Hãng phim truyện VN đã bộc lộ sự lúng túng và sự già nua khi phải gắng gượng đối diện với cuộc chơi hội nhập cởi mở hơn và cũng nghiệt ngã hơn của thị trường điện ảnh. Không thể dùng ngân sách bao cấp cho việc làm phim mãi, phải chấp nhận thay đổi. Cổ phần hóa hãng phim là một chọn lựa tối ưu. Hãng phim truyện VN có hai ưu điểm, thứ nhất là thương hiệu uy tín trong làng điện ảnh, thứ hai là cơ ngơi đắc địa ngay trung tâm thủ đô. Bẽ bàng thay, thương hiệu của Hãng phim truyện VN chỉ có giá… 0 đồng, còn cơ ngơi của Hãng phim truyện VN ở số 4 Thụy Khê cũng được mua với giá mà những nghệ sĩ ví von “5.000 mét vuông đất vàng không bằng một căn hộ cao cấp”.

Hiện tại, nước ta có gần chục công ty giải trí đang ăn nên làm ra trong lĩnh vực sản xuất và phát hành phim. Tuy nhiên, nhà đầu tư chiến lược bỏ ra 32,5 tỷ đồng để mua lại 65% Hãng phim truyện VN lại là Công ty Vận tải thủy Vivaso. Một sự nghịch lý kinh ngạc! Ông Nguyễn Danh Thắng – Phó Tổng giám đốc Vivaso được cử làm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Phim truyện VN, khẳng định: “Công ty chúng tôi yêu điện ảnh nên chúng tôi mua lại Hãng phim truyện VN, cũng giống như các doanh nghiệp khác yêu bóng đá thì họ mua lại một đội bóng nào đó vì đam mê. Tôi cho rằng không nhất thiết nhà̀ đầu tư phải có chuyên môn về lĩnh vực của nơi họ mua”. Hệ quả nhãn tiền, thực trạng tồi tệ về vật chất của Hãng phim truyện VN kéo theo sự ly tán về nhân tâm của những nghệ sĩ đang thuộc biên chế Hãng phim truyện VN.

Mâu thuẫn bùng nổ khi Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện VN không trả lương cho nghệ sĩ và đối xử với họ như gánh nặng lịch sử để lại. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cay đắng nhận định: “Họ chưa đưa ra được mô hình chuẩn để hãng phim hoạt động, mà chỉ thấy có xu hướng đẩy anh em trong hãng tự đi kiếm sống. Ví dụ đội xe, đội bảo vệ được yêu cầu tự kiếm tiền bằng xe, bằng mặt bằng của hãng, sau đó phải trích lại tiền trả hãng. Khối nghệ thuật họ cũng yêu cầu tự lập công ty nuôi sống lẫn nhau. Nếu cổ phần là thế thì chúng tôi cần gì các anh ấy vào đây? Họ cứ coi sản xuất phim như xúc một tấn cát. Tư duy đó không thể khớp với một hãng phim”.

Dư luận ầm ĩ lên. Lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã có buổi tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của các nghệ sĩ. Riêng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp đi thị sát tại số 4 Thụy Khê. Trước mắt Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện VN không được phép cho thuê mướn mặt bằng như một hình thức kinh doanh tạm bợ. Nghĩa là, bước đầu việc gìn giữ thể diện cho thương hiệu điện ảnh lớn nhất VN đã được giải quyết. Và có lẽ, sự lên tiếng nhiều uất ức của các nghệ sĩ đã khiến… nhà đầu tư tức giận.

Ông Nguyễn Thủy Nguyên – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vivaso, người đang nắm giữ số phận của Hãng phim truyện VN không ngần ngại tung ra những ngôn từ thịnh nộ. Trong cuộc họp chiều 29-9, ông Nguyễn Thủy Nguyên nhiều lần văng tục và miệt thị các nghệ sĩ không có sự đồng thuận với cung cách quản lý mà ông đang áp dụng. Ông Nguyễn Thủy Nguyên hùng hồn tuyên bố: Các đồng chí khóc cũng rất giỏi, nước mắt chảy cũng rất tốt... Các đồng chí diễn kịch cũng rất tốt. Tất cả có video quay hết rồi. Và tôi nói rằng chuyện đó, nếu các đồng chí không nhìn thấy đó là lỗi lầm để sửa thì sẽ là tội vu khống, tội không đoàn kết!. Ghê thật, miệng lưỡi đại gia có gang có thép ghê thật!

Không dừng ở thái độ mỉa mai và dọa nạt chung chung, ông Nguyễn Thủy Nguyên nhắm thẳng vào cá nhân gây cho ông sự bực bội. Ông đã mạt sát nghệ sĩ Quốc Tuấn với những lời lẽ không thể chấp nhận được.

Những người chứng kiến màn diễu võ dương oai của ông Nguyễn Thủy Nguyên cảm thấy chưng hửng, mà chính nghệ sĩ Quốc Tuấn cũng lắc đầu chào thua: “Tôi xin phép không bình luận về điều này mà để công luận phán xét tư cách - phông văn hóa của một người đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn sẽ là chủ của một đơn vị nghệ thuật”.

09-42-47_trng_37
Nghệ sĩ Quốc Tuấn

Ông Nguyễn Thủy Nguyên là ai, mà tại sao lại có lời lẽ bặm trợn như vậy ở một địa chỉ văn hóa ngay trung tâm thủ đô? Ông Nguyễn Thủy Nguyên vốn phất lên từ nghề xây dựng hạ tầng giao thông. Năm 1992, ông Nguyễn Thủy Nguyên thành lập Công ty Vạn Cường chuyên nhận thầu các hạng mục nhỏ lẻ về cầu đường. Đến nay, Công ty Vạn Cường có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, mà ông Nguyễn Thủy Nguyên nắm giữ đến 98% cổ phần. Vài năm gần đây, Công ty Vạn Cường được giao nhiều dự án mở rộng quốc lộ, như quốc lộ 1A, quốc lộ 14… nên không ngừng lớn mạnh về tài chính. Từ tiềm lực của Công ty Vạn Cường, ông Nguyễn Thủy Nguyên đã thâu tóm luôn Công ty Vận tải thủy Vivaso.

Ông Nguyễn Thủy Nguyên dùng tư cách của Vivaso để làm chủ Hãng phim truyện VN. Ông Nguyễn Thủy Nguyên không có chuyên môn về điện ảnh và dường như cũng không có tấm lòng với điện ảnh. Những ai có chút kiến thức kinh tế sẽ dễ dàng nhận ra ông Nguyễn Thủy Nguyên đầu tư 32,5 tỷ đồng vào Hãng phim truyện VN có phải vì ông yêu điện ảnh không hay là ông quan tâm đến khu đất 5.000 mét vuông ở số 4 Thụy Khê?

Sau này, số diện tích đất vàng đó có còn là Hãng phim truyện hay không và có bị chuyển đổi công năng sử dụng hay không? Nếu được chuyển đổi thì cơ ngơi này có thể đem lại món lợi khổng lồ.

Phải chăng đây là một phi vụ thương mại khéo léo đang bị cản trở nên ông Nguyễn Thủy Nguyên nổi cơn lôi đình chăng?

Vì sao ông Nguyễn Thủy Nguyên giễu cợt các nghệ sĩ “nước mắt chảy cũng rất giỏi”, và riêng nghệ sĩ Quốc Tuấn thì “đi đâu cũng khóc như mưa”? Trong dịp gặp gỡ giữa nghệ sĩ của Hãng phim truyện VN với báo giới, nghệ sĩ Quốc Tuấn đã nghẹn ngào khi phát biểu cảm tưởng về quá trình hình thành một Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện VN nhiều vướng mắc: Đây là một kiểu cổ phần hóa liệu có minh bạch?

Nghệ sĩ Quốc Tuấn trình bày tâm huyết tận đáy lòng, ông Nguyễn Thủy Nguyên không những không bày tỏ sự thấu hiểu mà còn quay lại châm chọc và khích bác. Nhìn vào thái độ của ông Nguyễn Thủy Nguyên, những ai tha thiết với nghệ thuật thứ bảy nước nhà chắc chắn không khỏi ái ngại cho tương lai tăm tối của Hãng phim truyện VN!

Đại gia ở bất kỳ lĩnh vực nào, khi đã đầu tư vào ngành văn hóa thì phải có chút văn hóa tối thiểu. Đó là tiêu chuẩn đầu tiên, nếu muốn cổ phần hóa hãng phim một cách tốt đẹp!

(Kiến thức gia đình số 41)

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.