| Hotline: 0983.970.780

Chuyện tình khó quên của tác giả 'Dáng đứng Việt Nam'

Thứ Bảy 20/04/2024 , 06:45 (GMT+7)

Chuyện tình khó quên của nhà thơ Lê Anh Xuân, tác giả bài thơ nổi tiếng ‘Dáng đứng Việt Nam’ được hé lộ trên Nông nghiệp Radio lúc 20h tối nay 20/4.

Nhà thơ Lê Anh Xuân (1940-1968) qua nét vẽ Huỳnh Dũng Nhân.

Nhà thơ Lê Anh Xuân (1940-1968) qua nét vẽ Huỳnh Dũng Nhân.

Chuyện tình khó quên của nhà thơ Lê Anh Xuân được thể hiện tha thiết trong cuốn nhật ký ông để lại dương gian. Ngay trang đầu tiên của cuốn nhật ký, nhà thơ Lê Anh viết: “Ngày 22/12/1964. Cả một ngày chuẩn bị đi. Chờ đợi bỗng như được thư Xuân Lan. Mừng quá. 5 giờ chiều đi bộ ra ga Phú Thọ”.

Nhân vật Xuân Lan xuất hiện trong “chuyện tình khó quên” của Lê Anh Xuân là ai? Người phụ nữ Xuân Lan có tên đầy đủ là Bùi Xuân Lan, em gái của nhà văn Anh Đức (1935-2014).

Trong hồ sơ cán bộ trước khi vượt Trường Sơn, Lê Anh Xuân khai “Tôi có vợ chưa cưới, tên là Bùi Xuân Lan, hiện đang học năm thứ ba Học viện kinh tài Thượng Hải- Trung Quốc”. Và “chuyện tình khó quên” ấy trở thành điểm tựa cho hành trình cầm súng và làm thơ của Lê Anh Xuân, như nhật ký ngày 6/1/1965 được ông viết: “Đi lấy gạo. Đường nắng, cát, mệt. Nhớ Xuân Lan quá! Em đang làm gì đấy hở em? Anh nghĩ đến tương lai khi non sông thống nhất”.

Nhà thơ Lê Anh Xuân tên thật Ca Lê Hiến, sinh ngày 5/6/1940 tại Bến Tre. Ông là con trai của giáo sư Ca Văn Thỉnh. Từ nhỏ, Lê Anh Xuân đã theo gia đình vào chiến khu, rồi được đưa ra Bắc học hành.

Giai đoạn đầu làm thơ, Lê Anh Xuân vẫn dùng tên thật Ca Lê Hiến. Bài thơ “Nhớ mưa quê hương” đánh dấu sự xuất hiện của ông trên thi đàn vào năm 1960: “Ta lặn xuống, nghe vang xa tiếng sấm/ Nghe mưa rơi, tiếng ấm tiếng trong.../ Cơn mưa nhỏ của quê hương ta đã sống/ Nay vỗ lòng ta rung động cả trăm sông”. Lúc ấy, Lê Anh Xuân 20 tuổi, cảm hứng sử thi nhen nhóm và định dạng như mạch thở xuyên suốt sự nghiệp thơ ông: “Mưa đổ ào như thác dồn trăm lối/ Giấc mơ xưa có chớp giật, sấm gầm/ Trang sử nhỏ nhà trường bỗng hóa mưa dông/ Nghe như tiếng của Cha Ông dựng nước”.

Tốt nghiệp khoa Sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Lê Anh Xuân được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng ông quyết định trở lại miền Nam chiến đấu cùng đồng bào. Lê Anh Xuân lên đường vì nghĩa lớn và mang theo một “chuyện tình khó quên” vào chốn đạn bom.

Tại Trung ương Cục miền Nam, nhà thơ Lê Anh Xuân hoàn thành một tác phẩm tâm đắc là “Trường ca Nguyễn Văn Trỗi” mà đến hôm nay vẫn còn nghe vang vọng những lời tha thiết trầm bổng: “Có nơi đâu đẹp tuyệt vời/ Như sông, như núi, như người Việt Nam/ Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang/ Cà Mau cuối đất mỡ màng phù sa/ Trường Sơn chí lớn ông cha/ Cửu Long lòng mẹ bao la sóng trào/ Mặt người sáng ánh tự hào/ Dáng đi cũng lấp lánh màu tự do/ Bốn ngàn năm dựng cơ đồ/ Vạn năm từ thuở ấu thơ loài người/ Ôi Việt Nam, Việt Nam ơi/ Việt Nam, ta gọi tên Người thiết tha”.

Sự nghiệp thơ của Lê Anh Xuân chỉ gói gọn 10 năm, ngay trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, nên tính nghệ thuật nhiều tác phẩm vẫn chưa kịp chưng cất thật hàm súc. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ lưỡng những vần điệu Lê Anh Xuân, thì cũng rất bất ngờ khi bắt gặp những câu thơ đậm phẩm chất tài hoa của một người đầy mơ mộng “anh là con sông chảy trước nhà em”. Ví dụ, bài thơ ngắn không đặt tên được viết trong nhật ký ngày 5-1-1965 có hai câu: “Ai tắm bên khe đá/ Tiếng suối chảy triền miên”, không thấy mặt người sinh động nhưng thấy hồn người lãng mạn. Hoặc trong bài thơ Trở lại quê nội có hai câu cực kỳ ấn tượng: “Em ơi sao tóc em thơm vậy/ Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng” làm nổi bật lên vẻ đẹp độc đáo của phụ nữ Nam bộ!

Trong nhật ký Lê Anh Xuân, hình ảnh người vợ chưa cưới Bùi Xuân Lan hầu như xuất hiện ở mọi hoạt động của ông, khi thức cũng như khi ngủ. Nhật ký ngày 18/8/1965, Lê Anh Xuân viết: “Em Xuân Lan yêu quý của anh. Chắc em đã về Hà Nội rồi phải không? Độ này hai năm trước, anh sung sướng ở bên em, bây giờ anh ở xa em hàng ngàn cây số. Nghe tin cán bộ tập kết đang chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ trở về quê hương, anh xúc động lắm. Không biết chừng Xuân Lan của anh đang trên đường về. Anh phải sống sao cho xứng đáng với mối tình thiêng liêng ấy”.

Nhà thơ Lê Anh Xuân được kết nạp Đảng ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ngày 7/8/1966. Ông đã viết một đoạn thật dài để chia sẻ với người yêu: “Tối nay chúa nhật, em ở đâu? Xuân Lan yêu quý của anh. Em có biết đêm nay, trong một khu rừng ở miền Đông Nam bộ, anh đang đứng tuyên thệ trước lá cờ Đảng. Từ nay anh đã là đảng viên. Không chừng vào ngày 7/8/1967, ngày anh được công nhận là đảng viên chính thức, cũng là ngày anh gặp lại em. Có phải thế không em? Anh sẽ xứng đáng với lòng mong muốn của em. Ôi, anh sẽ là mặt trời của em. Anh sẽ là người chồng yêu quý của em”.

Cuốn sách mang nhiều kỷ niệm của nhà thơ Lê Anh Xuân gửi lại cuộc đời.

Cuốn sách mang nhiều kỷ niệm của nhà thơ Lê Anh Xuân gửi lại cuộc đời.

Không chỉ gìn giữ một mối tình son sắt, nhà thơ Lê Anh Xuân còn nâng mối tình với Xuân Lan lên mức tôn thờ. Trong nhật ký, ông luôn dành nhiều câu âu yếm và nồng nàn để nhắc đến sinh nhật của Xuân Lan. Ngày 16/2/1967, ông viết: “Đêm qua mấy anh cùng đơn vị đi xem phim hết. Anh ở nhà nhớ Xuân Lan nhiều, vì sáng mai là sinh nhật của Xuân Lan. Sáng nay em ở đâu? Em mặc áo gì? Em đang làm gì đó? Sinh nhật lần thứ 25 của em. Em lớn rồi, nhưng anh vẫn coi em như lúc 19 tuổi em đến với anh. Chúc em thêm một tuổi của tình yêu. Chúc em luôn vui, khỏe, đẹp. Mãi chung thủy với em. Hôn em nhiều. Không biết em đã nhận được thư của anh chưa? Anh sẽ nói chuyện bên em suốt ngày và đêm sinh nhật của em”.

Ngày 24/5/1968, nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh trong đợt 2 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân. Thi thể ông được đồng đội chôn tại ấp Phước Quang, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Tác phẩm cuối cùng nhà thơ Lê Anh Xuân gửi về Ban Văn nghệ Trung ương Cục miền Nam là bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” mãi mãi giống như một huyền thoại cho thế hệ sau nâng niu: “Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/ Anh là chiến sĩ giải phóng quân/ Tên anh đã thành tên đất nước/ Ơi anh giải phóng quân! Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.

Người yêu Xuân Lan của Lê Anh Xuân khi nghe tin ông không còn nữa, đã nghẹn ngào làm bài thơ tiễn biệt: “Anh vẫn đi tiếp bước về phía trước/ Mãi đi như thế, anh cứ đi/ Cho đến khi tim anh ngừng đập/ Một cuộc đời chỉ 28 năm thôi/ Mà sao đáng sống như người đã sống/ Và anh đã nằm sâu trong lòng đất/ Đã hiến dâng cho Tổ quốc bình yên/ Cả cuộc đời, một khối óc, một trái tim”.

Chuyên mục “Chuyện tình khó quên” giới thiệu câu chuyện “Nhà thơ Lê Anh Xuân trái tim yêu nồng cháy giữa đạn bom” lúc 20h ngày 20/4 trên Nông nghiệp Radio.                   

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.