| Hotline: 0983.970.780

Cù lao Tắc Cậu

Thứ Sáu 21/08/2015 , 06:25 (GMT+7)

Vùng đất Tắc Cậu (huyện Châu Thành, Kiên Giang) bị chia cắt bởi con sông Cái Bé và Cái Lớn, tạo thành ốc đảo.

Địa hình trũng thấp, nhưng người dân nơi đây đã có cách làm sáng tạo để sống chung được với triều cường, nước biển dâng, phát triển SXNN bền vững. Đặc biệt là mô hình kinh tế ba tầng sinh thái khá độc đáo, giúp tăng thu nhập trên cùng diện tích.

Hà Lan thu nhỏ

Tắc Cậu nằm cách thị trấn Minh Lương khoảng 5 km và cách TP Rạch Giá, tỉnh lỵ của tỉnh Kiên Giang 20 km. Do bị bao bọc bởi hai dòng sông cái nên nơi đây tách biệt hoàn toàn với đất liền. Muốn đến được vùng đất này không có cách nào khác là phải lụy đò.

Ở giữa cù lao Tắc Cậu có con rạch Lòng Tắc, chia vùng đất cù lao thành 2 phần, một nửa thuộc xã Bình An và phần còn lại thuộc xã Vĩnh Hòa Phú (huyện Châu Thành).

Con rạch Lòng Tắc suốt 3 thập kỷ là tuyến giao thông thủy nối đôi bờ bến phà Tắc Cậu - Xẻo Rô. Đầu năm 2014, hai cây cầu vượt sông Cái Bé và Cái Lớn thuộc hợp phần tuyến Minh Lương - Thứ Bảy của Dự án đường hành lang ven biển phía Nam chính thức được thông xe, một nửa cù lao Tắc Cậu được nối liền.

Tuyến phà Tắc Cậu - Xẻo Rô cũng chấm dứt sứ mệnh lịch sử sau mấy chục năm hoạt động. Tuy nhiên, những chiếc phà nhỏ đưa, đón khách qua lại cù Lao Tắc Cậu vẫn ngày đêm miệt mài những chuyến thoi đưa.

Theo những cụ cao niên ở đây cho biết, vùng đất cù lao Tắc Cậu được khai phá từ những năm 30 của thế kỷ trước, chủ yếu là người Hoa di dân đến đây lập nghiệp. Họ hùn nhau lại đấu thầu đất của thực dân Pháp, mỗi lô có diện tích 1 km2.

Tuy nhiên, cũng có người không có tiền tham gia đấu thầu, phải tự khai phá đất mà sinh sống. Đất rộng, người thưa, ven sông dừa nước bao bọc, còn phía trong là rừng ngập nước, cỏ dại mọc um tùm. Giao thông đi lại chủ yếu bằng xuồng chèo tay.

Theo những câu chuyện truyền miệng mà những người lớn tuổi thường kể cho con cháu nghe vào những đêm trăng thanh gió mát thì ngày xưa vùng đất này rất hoang vu, nhiều thứ nguy hiểm luôn rình rập đe dọa đời sống con người.

Vì vậy mà có câu: “U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường; Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”. Đã có không ít người bơi xuồng qua lại con rạch Lòng Tắc bị ông sấu cắn chưng (chân). Từ đó, người dân lập miếu thờ “Bà Thiên Hậu” để mong bà phù hộ, chở che. Dần dần địa danh Tắc Cậu được hình thành và tồn tại cho đến ngày nay.

09-47-54_4-ben-ph-du-khch-tu-dt-lien-qu-cu-lo-tc-cu-bencnh-l-mieu-tho-b-thien-hu
Bến phà đưa khách từ đất liền qua cù lao Tắc Cậu, bên cạnh là miếu thờ Bà Thiên Hậu, được người dân lập nên để mong bà phù hộ, chở che

Anh Huỳnh Văn Bình, một người Hoa đã có nhiều đời sinh sống tại ấp An Thành, xã Bình An cho biết, khi mới về đây lập nghiệp, đời sống kinh tế của người dân gặp rất nhiều khó khăn do đất hoang hóa, phèn mặn, lại trũng thấp nên thường bị thiệt hại mỗi khi có triều cường.

Người dân nơi đây đã cùng nhau hợp lực để làm đê ngăn triều cường. Đặc biệt là có nhiều cách làm sáng tạo để thích ứng với tình hình ngập lụt.

Điển hình nhất là sáng chế ra chiếc cống có van để chủ động điều tiết lượng nước vào tưới cho vườn cây và tự động thoát ra khi triều thấp. Hiện nay, hầu hết các hộ dân đều biết thiết kế loại cống này để điều tiết nước, phục vụ SX.

Cù lao Tắc Cậu địa hình trũng thấp, nằm biệt lập giữa hai dòng sông cái, lại gần cửa biển nên rất dễ bị ngập úng khi có triều cường. Muốn SX nông nghiệp được thì phải tìm cách chống úng.

Ông Lê Quốc Việt, Trưởng phòng NN-PTNT Châu Thành, cho biết theo các tài liệu và những gì còn tồn tại thực tế cho đến ngày nay thì người dân ở cù lao Tắc Cậu đã tìm ra giải pháp trị thủy rất hiệu quả, dù sống ở vùng đất thấp hơn mực nước nhưng SX vẫn phát triển bền vững.

Đó là họ cùng nhau đắp đê bao quanh vùng cù lao, vừa kết hợp làm giao thông nông thôn, sử dụng những hàng dừa nước làm hàng rào xanh che chắn sóng bên ngoài, chống sạt lở. Hằng năm, con đê được bồi đắp thêm để đảm bảo triều cường không thể tràn qua.

Mỗi lô đất của từng hộ có bờ bao và mương thoát nước riêng, đặt cống ngầm có van tự động. Khi triều thấp, nước theo dòng thoát ra ngoài, còn khi triều cao thì van tự động đóng lại, tránh cho vườn cây bị ngập.

Ngày nay, thực hiện phong trào xây dựng NTM, mặt đê đã được bê tông hóa vừa chắc chắn vừa thuận tiện đi lại. Vì vậy, không ít người vẫn gọi vui cù lao Tắc Cậu là Hà Lan thu nhỏ.

Độc đáo kinh tế ba tầng

Khác với những nơi có đông người Hoa sinh sống thường phát triển mạnh về thương mại, hình thành nên các chợ, nhưng tại cù lao Tắc Cậu lại phát triển về nông nghiệp dù có đến 80-90% cư dân các ấp ở đây là người Hoa.

Ban đầu, khi mới đến đây khai phá, họ thường trồng các loại rau màu ngắn ngày, cây lấy củ như khoai ngọt để lấy ngắn nuôi dài. Do đất thấp nên thường phải đào mương, lên liếp mới trồng được.

Anh Huỳnh Văn Bình chia sẻ: “Trong quá trình SX, người dân thường tận dụng hai bên bờ liếp trồng xen thêm dừa hoặc cau để tăng thêm thu nhập. Dần dần cha ông chúng tôi đã chọn lọc được 3 loại cây có thể trồng xen canh với nhau rất phù hợp là dừa, cau và khóm.

09-47-54_1-mo-hinh-kinh-te-b-tng-sinh-thi-khom-cu-du-doc-do-ocu-lo-tc-cu
Mô hình sinh thái 3 tầng: khóm, cau, dừa độc đáo và mang lại hiệu quả cao ở cù lao Tắc Cậu

Hiện nay, hầu hết người dân nơi đây đều phát triển mô hình này, với ba tầng sinh thái trên cùng một diện tích: dừa trên cao đến cau và dưới là cây khóm”.

Con đường mới mở đi xuyên qua cù lao Tắc Cậu, với hai bên là mô hình sinh thái ba tầng: khóm, cau, dừa rất đẹp mắt.
Mỗi khi qua đây, du khách ai cũng muốn dừng chân ghé lại chụp vài tấm hình kỷ niệm, thưởng thức những miếng khóm thanh ngọt, mát lạnh và mua khóm Tắc Cậu mang về, một món quà quê dân dã.

Theo anh Bình, trung bình mỗi ha trồng được từ 120-140 cây dừa, 800-1.000 cây cau, 18.000 - 20.000 gốc khóm. Cây khóm trồng khoảng hơn 1 năm là cho thu hoạch, và 4-6 năm sau mới phải trồng lại. Còn cau, dừa thì có thể cho thu hoạch hàng chục năm, trung bình mỗi cây thu hoạch 3-5 buồng/năm.

Chạy xe vòng quanh cù lao Tắc Cậu, bên ngoài được bao bọc bởi dừa nước xanh mát, bên trong vườn với mô hình kinh tế ba tầng sinh thái tạo quang cảnh rất đẹp.

Trưởng ấp An Ninh (xã Bình An) Nguyễn Ngọc Thơ cho biết, toàn ấp hiện có 267 ha chuyên canh khóm xen canh với cau, dừa, tận dụng mặt nước mương nuôi cá nước gọt.

Mấy chục năm qua người dân nơi đây đều gắn bó với nghề này, có gia đình 3-4 thế hệ đều làm vườn. Tuy thu nhập có thăng trầm theo từng năm nhưng nhìn chung vẫn cao hơn hẳn so với những vùng trồng lúa. Nhờ trồng xen canh nên người dân không phải chịu cảnh thua lỗ khi giá xuống thấp, vì mất loại này còn có loại khác bù lại.

Theo ông Lê Quốc Việt, hiện nay mô hình xen canh 3 loại cây dừa, cau, khóm toàn huyện khoảng 1.5000 ha. Cái hay của mô hình này là mỗi loại cây có nhu cầu ánh sáng, dinh dưỡng khác nhau, không cạnh tranh nhau.

Khi chăm sóc, bón phân cho khóm nhưng cả 3 loại cây đều được hưởng nguồn dinh dưỡng. Nhờ xen canh nên nguồn thu nhập cũng ổn định hơn, nếu loại nào đó bị mất giá thì cũng còn loại khác bù lại, không bị thua lỗ.

Riêng khóm Tắc Cậu hiện nay đã được tỉnh Kiên Giang cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Từ khi cù lao Tắc Cậu được nối liền bởi hai cây cầu Cái Bé và Cái Lớn, Dự án đường hành lang ven biển phía Nam chính thức được thông xe, thương hiệu khóm Tắc Cậu ngày càng được nhiều người đến hơn.

Xem thêm
Đoàn Thanh niên là hình ảnh đẹp của tuổi trẻ ngành nông nghiệp

Đó là khẳng định đầy tự hào của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về vai trò tiên phong của thanh niên ngành NN-PTNT trong các phong trào tình nguyện, xung kích, sáng tạo.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt hơn 533 triệu USD

Chiều 3/1, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sơn La hỗ trợ hơn 1.500 hộ nghèo, cận nghèo có nơi ở mới

Công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong các năm vừa qua tại tỉnh Sơn La từng bước tháo gỡ khó khăn trong đời sống của nhân dân...