| Hotline: 0983.970.780

“Cuộc chiến” vùng nguyên liệu sắn ở Như Xuân

Thứ Sáu 20/03/2015 , 09:24 (GMT+7)

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Như Xuân xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp (DN), tư thương đổ xô đến thu mua sắn trong vùng nguyên liệu do Cty sắn Như Xuân đầu tư./ Nghi vấn Công an “bảo kê” cho doanh nghiệp?

* UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm vào cuộc

Điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hồi nợ và kế hoạch SX của đơn vị này.

Điều đáng nói là hành vi trên vô hình chung khuyến khích hàng loạt hộ dân nhận vật tư, phân bón của Cty sắn Như Xuân, đơn phương phá hợp đồng, gây bức xúc cho DN.

DN “ăn quả đắng” sau đầu tư

Thực hiện chủ trương thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa, năm 2000, Cty Vật tư tổng hợp Thanh Hóa (Cty mẹ của Cty sắn Như Xuân) đăng ký đầu tư xây dựng mà máy tinh bột sắn tại huyện Như Xuân.

Cty được UBND tỉnh ra quyết định số 2663/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu sắn phục vụ NM chế biến tinh bột sắn Như Xuân với diện tích 4.500 ha, được phân bố ở 22 xã thuộc 2 huyện Như Xuân (3.500 ha) và Như Thanh (1.000 ha).

Ngay sau khi được phê duyệt, Cty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng tiền khai hoang, hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật cho nông dân trồng sắn. Đến năm 2003, nhà máy tinh bột sắn Như Xuân đi vào hoạt động.

“Những năm đầu gây dựng vùng nguyên liệu hết sức vất vả; do bà con nông dân chưa quen với kỹ thuật thâm canh sắn cao sản nên sắn trồng xuống chết rất nhiều, số hom mọc lên thì bị trâu bò phá... hiệu quả kinh tế thấp khiến công tác thu hồi công nợ rất khó khăn.

Cứ thế số nợ lũy kế đầu tư cho người dân trồng sắn đến niên vụ 2011 – 2012 đã lên tới hơn 10 tỷ đồng. Nhưng vì muốn bà con không quay lưng với cây sắn, Cty chúng tôi đã quyết định xóa nợ số tiền trên để họ yên tâm SX”, ông Hà Văn Thọ, Trưởng phòng Kinh doanh Cty sắn Như Xuân cho biết.

Cũng theo ông Thọ, việc đầu tư cho hàng nghìn hộ nông dân tại vùng nguyên liệu sắn Như Xuân, Cty quản lý thông qua 17 chủ hợp đồng.

Như niên vụ 2013 – 2014 Cty đầu tư trên 4,8 tỷ đồng, năm 2014 – 2015 hơn 2,2 tỷ đồng cung ứng phân bón đến các chủ hợp đồng, sau đó chủ hợp đồng thỏa thuận với các hộ dân do mình quản lý để họ đăng ký diện tích và nhận phân bón về trồng sắn.

Đến mùa thu hoạch, bà con bắt buộc phải bán sản phẩm cho Cty và trả khoản nợ được đầu tư ban đầu. Cách làm đó đã triển khai gần 15 năm qua, vì thế hoạt động thu mua, SX của Cty sắn Như Xuân diễn ra thuận lợi, hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn 2 huyện có việc làm, thu nhập ổn định từ cây sắn.

Được biết, chi phí đầu tư 1 ha sắn hết 6 – 7 triệu đồng (chưa tính công lao động), sau 10 – 12 tháng thu hoạch, năng suất sắn ở Như Xuân bình quân đạt 18 – 20 tấn/ha, nhân với giá sắn 1.500đ/kg (mua tại nhà máy), tổng lợi nhuận đạt 27 – 30 triệu đồng/ha.

Ông Hà Văn Thọ cho biết: “Niên vụ 2014 – 2015 chúng tôi đưa ra kế hoạch thu mua theo hình thức cuốn chiếu, vùng khó khăn, vùng xa ưu tiên thu mua trước. Tuy nhiên, để tạo động lực cho người trồng sắn, chúng tôi chấp nhận thu mua sắn theo giá thị trường, trong trường hợp giá sắn trên thị trường giảm thì vẫn cam kết giữ nguyên giá 1.500đ/kg.

Nhưng điều đáng buồn là khi một số tư thương, DN chế biến tinh bột sắn khác nhảy vào vùng nguyên liệu của chúng tôi thu mua mức giá 1.200 – 1.400đkg (tại bãi tập kết) thông qua việc trả “tiền tươi, thóc thật” thì người dân thấy lợi một chút đã bội tín với chúng tôi, bán sắn ra ngoài”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Tuyên, thôn Cầu, xã Bãi Trành cho biết: Ông ký hợp đồng với Cty sắn Như Xuân để nhận 21 tấn phân bón về ứng trước cho 50 hộ dân do ông quản lý để trồng 42 ha sắn. Thế nhưng, đã có rất nhiều hộ không cung ứng đủ số lượng sắn (tính theo đơn vị diện tích) cho ông.

“Có 5 hộ nhận 1 tấn phân bón nhưng toàn bộ sắn thu hoạch được đã bán chui, bán lủi ra ngoài khiến tôi không thu hồi được đồng tiền phân nào. Có 6 hộ vừa bán cho Cty chỉ đủ trả tiền phân bón, số còn lại đem bán ra ngoài.

Một số hộ điển hình như hộ anh Thanh Vận, ở thôn Cầu, lấy 5,25 tạ phân nhưng không bán cho tôi kg sắn nào; ông Hoàng Xuân Hùng, thôn Hồ cũng ứng 5 tạ phân nhưng đã bán toàn bộ sắn thu được ra ngoài; chị Nguyễn Thị Gái, thôn Hồ, ứng 1 tấn phân bón nhưng chỉ bán cho nhà máy 7 tấn sắn; chị Thu Hùng cùng xã, lấy 2 tấn phân nhưng không bán cho nhà máy kg sắn nào…”, ông Tuyên bức xúc.

Ông Tống Đình Hưng, thôn 7, Xuân Bình, chủ một hợp đồng đầu mối lớn tại Như Xuân cho hay: Đa phần các hộ dân nhận phân bón của nhà máy đầu tư chỉ nghĩ đến chút lợi trước mắt, khi thiếu vốn họ tìm đến nhà máy nhưng khi có sản phẩm được người khác mua với giá cao hơn một chút là họ bội tín, đổ xô bán hết rồi đem trả lại tiền phân bón đã ứng trước.

“Niên vụ 2013-2014, tôi nhận 30 tấn phân cho bà con ứng trước. Thế nhưng, có nhiều hộ bán sắn sang cho các đầu mối khác hoặc các xe đến mua với giá cao hơn. Đường nào ông Hạnh (ông Lê Ngọc Hạnh, Chủ tịch HĐQT Cty sắn Như Xuân-PV) cũng thiệt thòi. Để khỏa lấp số lượng sắn tương ứng với lượng phân đã cung cấp cho bà con ứng, tôi lại phải đi mua từ các hộ dân khác để bù vào”, ông Hưng nói.

Cần xử lý nghiêm hành vi mua, bán chộp giật

Liên quan trực tiếp đến việc tranh chấp thu mua sắn tại vùng nguyên liệu sắn Như Xuân là Cty CP SX, chế biến nông lâm sản và vật tư NN Phúc Thịnh (Cty Phúc Thịnh), đóng tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa).

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 16.000 ha sắn, chủ yếu tập trung ở các huyện Như Xuân, Như Thanh, Bá Thước, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn… Bình quân năng suất đạt 16 tấn/ha. Theo quy hoạch, đến năm 2020 giữ ổn định diện tích toàn tỉnh 11.000 ha; sản lượng sắn củ 209.000 tấn.

Trả lời câu hỏi của PV về việc đơn vị đã được tỉnh phê duyệt vùng nguyên liệu hay chưa? Ông Nghiêm Minh Tiến, Giám đốc Cty Phúc Thịnh nói: “Làm gì có quy trình phê duyệt nào. Tôi chưa bao giờ thấy ai quy định cái đó cả”.

PV hỏi tiếp: Cty Phúc Thịnh có đầu tư vùng nguyên liệu bên Như Xuân, Như Thanh hay không?, ông Tiến xác nhận: “Tôi không đầu tư”, nhưng lại khẳng định việc Cty Phúc Thịnh thu mua sắn ở vùng nguyên liệu huyện Như Xuân là “hoàn toàn đúng và rất đúng” (?!).

Theo như lời ông Tiến nói, thì việc UBND tỉnh Thanh Hóa quy hoạch vùng nguyên liệu cho Cty sắn Như Xuân và Cty sắn Như Xuân đầu tư cho người dân nhiều tỷ đồng để họ trồng sắn cho mình đều không có ý nghĩa gì nên việc Cty Phúc Thịnh nhảy vào vùng nguyên liệu của Cty sắn Như Xuân để tranh mua, tranh bán là một điều hiển nhiên (?!).

Trao đổi với PV, ông Lê Như Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho rằng: “Nếu vùng nguyên liệu đã được quy hoạch cho Cty sắn Như Xuân mà Cty không đầu tư thì người dân có quyền bán ra ngoài, nhưng nếu Cty Như Xuân có đầu tư thì họ đứng ra bảo vệ là đúng. Doanh nghiệp không đầu tư gì mà lại đến thu mua chộp giật như vậy là phải phản đối”.

Ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh: “Quan điểm của tỉnh là ủng hộ DN được quy hoạch vùng nguyên liệu và có đầu tư bằng các hợp đồng kinh tế ký với người dân, không khuyến khích những trường hợp thu mua chộp giật, lúc anh cần nguyên liệu thì nâng giá lên một chút, thậm chí tranh chấp cả những vùng người ta đã dầu tư rồi, sẽ gây bất lợi cho nhà đầu tư cũ.

Trong cạnh tranh phải bình đẳng, lành mạnh. Nếu người dân đã ký hợp đồng với NM rồi thì phải bán cho NM, không thể bán ra ngoài. Như vậy sẽ khiến DN nhìn người dân khác đi, hai nữa tạo cho người dân một cách làm không khoa học, trái quy định pháp luật. Ngược lại, một khi NM đã ký hợp đồng với dân thì những năm giá rẻ cũng phải thu mua hết cho dân theo hợp đồng đã cam kết”.

Việc tranh chấp vùng nguyên liệu đã từng xảy ra trên cây mía, nay lại đến cây sắn. Thiết nghĩ tỉnh Thanh Hóa cần sớm vào cuộc để giải quyết triệt để các tranh chấp, tránh để xảy ra những xung đột đáng tiếc.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Mavin nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Tập đoàn Mavin vừa vinh dự nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2022-2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm