Hội thảo “Hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến đầu tư tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp” cho thấy rõ điều đó.
Được phù sa sông Cửu Long bồi đắp và điều kiện thiên nhiên ưu đãi, Đồng Tháp có tiềm năng to lớn trong sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản .. Từ năm 2012, Đồng Tháp đã vươn lên tốp đầu của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cao (CPI) cấp tỉnh, thu hút đầu tư, hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, nông nghiệp hiện chiếm khoảng 36% GDP của tỉnh với hai sản phẩm chủ lực là lúa gạo và thủy sản.
Đồng Tháp đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng cá tra, xoài; đứng thứ 3 về diện tích và sản lượng lúa, là một trong 3 vùng trồng hoa nổi tiếng ở khu vực ĐBSCL và còn có trên 30 sản phẩm nông nghiệp đặc thù địa phương.
Với lợi thế đó, tỉnh Đồng Tháp đã tiên phong đề xuất và được chọn thí điểm xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Mục tiêu của đề án là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững; cải thiện thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn.
Cụ thể, Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5% trở lên, thu nhập của nông dân tăng hai lần so với hiện nay, giảm tỷ lệ nghèo 2% mỗi năm.
Đề án đã xác định tập trung phát triển 5 ngành hàng chủ lực là lúa gạo, xoài, cá tra, vịt, hoa kiểng. Đề án cũng đặt ra nội dung chuyển dịch một bộ phận lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn để tăng thu nhập và tạo việc làm ổn định.
Là tỉnh điển hình nông nghiệp nên thành công của Đồng Tháp sẽ là câu trả lời cho giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng và của Việt Nam nói chung.
“Để thực hiện đề án, chúng tôi đang đẩy mạnh việc đổi mới cơ chế, chính sách và trình Chính phủ cho phép triển khai thí điểm một số chính sách mang tính đột phá như: Chính sách hỗ trợ 50% lãi suất vay khi thuê đất mở rộng quy mô sản xuất và san bằng mặt ruộng; thí điểm cơ chế đối tác “công - tư” trong phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các khu, cụm công nghiệp - dịch vụ tại các vùng chuyên canh, phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp chủ lực; chính sách khuyến khích các DN đầu tư KHCN, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đầu tư hạ tầng cho các HTX nông nghiệp…”, ông Hùng cho hay.
Tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược NN-PTNT, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, cho rằng, hiện Đồng Tháp được đánh giá là đang vận dụng linh hoạt những chính sách của Trung ương theo hướng có lợi cho DN và phù hợp với quy định pháp luật, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai và KHCN để đầu tư phát triển SX nông nghiệp và nông thôn.
Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, giá trị xanh từ những tiềm năng xanh là thông điệp Đồng Tháp muốn gửi đến hội thảo này.
“Đó vừa là hành trình vừa là đích đến trong triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Đề án cũng là một tiến trình tổ chức lại chuỗi SX nông nghiệp từ đồng ruộng, vườn cây, ao cá ra thị trường với quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng thương hiệu với các giá trị của một nền “nông nghiệp xanh” và mục đích cuối cùng hướng đến là cải thiện thu nhập cho người nông dân”, ông Hoan nói.