| Hotline: 0983.970.780

Giá phân DAP chưa áp thuế đã tăng mạnh

Thứ Ba 08/08/2017 , 08:15 (GMT+7)

Việc áp thuế tự vệ đối với loại phân bón thông dụng là DAP theo quy định của Bộ Công thương là trên 1,8 triệu đồng/tấn, tuy có hiệu lực từ ngày 19/8, thế nhưng giá DAP trên thị trường đã "nhảy cóc" lên 1,5-1,9 triệu đồng/tấn (tức tăng 1.500-1.900 đồng/kg).

17-05-09_h3jpg
Kho chứa nguyên liệu phân bón (trong đó có DAP màu vàng) của một Cty SX phân bón NPK.

Do DAP là nguyên liệu chính sản xuất phân tổng hợp NPK (còn gọi là phân 3 màu) gồm Urê, DAP và Kali nên các doanh nghiệp sản xuất phân bón buộc phải kéo giá phân NPK tăng theo từ 300-500 ngàn đồng/tấn tùy theo công thức hàm lượng phối trộn, trong đó NPK 20-20-15 tăng mạnh nhất từ 400-500 ngàn đồng/kg. Tất nhiên, việc tăng này cuối cùng là người nông dân "thua thiệt toàn tập".

Ông Trần Văn Châu, TGĐ Cty TNHH XNK phân bón Âu Châu (KCN Tân Kim, Cần Giuộc, tỉnh Long An) cho biết: "Hôm 6/8, tôi mua lại 1 xe 33 tấn phân DAP 18-46 màu vàng tan nhanh của Liễu Châu (Trung Quốc) giá 11.800 đồng/kg, trong khi trước đó chỉ có mấy ngày là 9.900 đồng/kg. Tuy giá cao nhưng có một số doanh nghiệp đang ghim hàng để tăng giá. Tôi mua về để trộn NPK, dù giá có tăng bao nhiêu thì doanh nghiệp cũng đưa hết vào giá thành sản xuất thôi".

Trong các loại phân bón, ngoài Urê và Kali thì DAP cũng là loại phân bón rất quan trọng phục vụ SXNN. Ngoài việc sử dụng làm thành nguyên liệu phối trộn NPK như nói ở trên, DAP còn được cho là một loại phân đơn chủ yếu bón cho lúa, cây ăn trái, rau màu, cây công nghiệp, đặc biệt đối với đất nhiễm phèn thì DAP vừa có tác dụng hạ phèn, kiến tạo bộ rễ ra chồi đâm nhánh tốt cho cây trồng nên nông dân rất ưa chuộng.

Theo tìm hiểu chúng tôi, trên thị trường hiện đang có các loại phân bón DAP phổ biến gồm DAP 16-44 (đạm 16%; lân 44%) và DAP 18-46 của Trung Quốc; DAP 18-46 của Nga và Hàn Quốc; riêng Việt Nam có DAP 16-45 của Nhà máy phân bón DAP Vinachem Đình Vũ (Hải Phòng) và Nhà máy SX Phân bón DAP Lào Cai. Trong đó, phân DAP Trung Quốc chiếm thị phần lớn.

Khảo sát nhanh tại chợ phân bón Trần Xuân Soạn (quận 7, TP.HCM) cho thấy, giá DAP vào tuần lễ trước, đứng đầu là DAP 18-46 của Hàn Quốc giá khoảng 12.500 đồng/kg; thứ hai của Nga là 9.500 đồng/kg; tiếp theo DAP 18-46 của Trung Quốc khoảng 9.000 đồng; còn DAP 16-44 là 8.800 đồng. Cuối cùng là DAP 16-45 của hai đơn vị Đình Vũ và Lào Cai khoảng 8.000 đồng/kg.

Như vậy, trên thị trường giá DAP trong nước vẫn còn thấp, lý do chính theo phản ảnh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón là do tâm lý nông dân vẫn còn ưa chuộng "hàng ngoại"; thứ hai, hàng DAP trong nước thường hay chậm tan, màu sắc (DAP có các màu xanh, vàng, đen, nâu - PV) hay bị thay đổi khi để lâu, trong khi phân ngoại thì màu sắc tương đối ổn định hơn.

"Hiện nay, giá DAP nói chung đã tăng từ 1.500 đồng/kg trở lên, nhưng thị trường chưa hút hàng mạnh do nước lũ ở vùng ĐBSCL đang lên, vùng Tây Nguyên lại chưa vào giai đoạn bón phân đợt 3. Dự báo vào đầu tháng 9, mặt hàng DAP này mới thực sự "nhảy múa" - chị Hồng Vân, một nhà phân phối phân bón tại Trần Xuân Soạn cho hay.

"Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng phân bón DAP, MAP nhập khẩu trong giai đoạn 2013-2016 là 1-1,2 triệu tấn mỗi năm. Năm 2016, lượng nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc với hơn 921.000 tấn, chiếm gần 84% thị phần, tiếp đến là Hàn Quốc, Nga...".

“Phân DAP Trung Quốc có hai loại là 18-46 và 16-44, trong đó loại DAP 18-46 sau khi chúng tôi test mẫu để tính công thức trước khi đưa nguyên liệu này vào SX phân bón NPK thì thấy thường hụt từ 0,1%-0,5% của cả hai chỉ tiêu Đạm và Lân” (một GĐ một Cty phân bón tiết lộ).

 

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm