| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ mang rau hữu cơ ra Trường Sa

Thứ Sáu 23/03/2018 , 15:05 (GMT+7)

Lãnh đạo Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ (IOA), trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cho biết đang phối hợp cùng hải quân thực hiện dự án đưa rau hữu cơ ra Trường Sa.

Từng nhiều lần ra công tác tại Trường Sa, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc IOA, cho biết rất mong muốn góp sức mình giúp bộ đội cải thiện cuộc sống nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Một trong những việc cần làm, theo ông Cường, là tạo “hàng rào xanh” cho bộ đội trên các điểm đảo nổi, đảo chìm của Việt Nam tại Trường Sa.

16-20-39_2
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về dự án đưa rau hữu cơ ra các điểm đảo tại Trường Sa của Việt Nam?

Từ tháng 8 năm ngoái, chúng tôi được giao nhiệm vụ phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Hải quân trong việc đưa rau hữu cơ ra trồng tại ba điểm đảo ở Trường Sa là Cô Lin, Len Đao và Sinh Tồn. Nếu không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ đưa vật tư và con người ra các điểm đảo này vào tháng 4. Thời gian đó, chúng tôi sẽ đưa cỏ, vi sinh vật có lợi, ra đảo để thực nghiệm. Chúng ta hoàn toàn có thể biến các điểm đảo thành một hệ sinh thái vững mạnh, góp phần cải thiện đời sống cho bộ đội.

Ông đánh giá thế nào về khả năng thành công của dự án, khi thời tiết ở Trường Sa vốn nổi tiếng khắc nghiệt?

Tôi tin rằng dự án sẽ thành công, bởi đây là kết quả của quá trình nhiều lần ra thực địa tại Trường Sa và nhiều nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Tất nhiên, ở góc độ nào đó, tôi nghĩ chúng tôi cũng “đánh liều” và “lãng mạn” khi quyết định thực hiện điều này. Xin nói rõ là chúng tôi tự góp hầu hết sức mình, không dùng ngân sách nhà nước, ngoại trừ chuyện đi lại do bên hải quân đảm nhiệm.

Thời tiết Trường Sa khắc nghiệt lắm, bộ đội mình ngoài đó rất vất vả. Mùa khô thì không một giọt nước ngọt nào rơi xuống, mùa mưa lại gió lớn, mang theo muối biển mặt chát trong không khí.

Ngoài khát vọng mang lại môi trường xanh hơn cho bộ đội, chúng tôi nghĩ đây sẽ là bước tiền đề quan trọng cho các hoạt động môi trường ở Việt Nam. Bởi nước ta có hơn 1.000 hòn đảo lớn nhỏ, nếu khắc nghiệt như ở Trường Sa mà vẫn thành công, thì đó là niềm tin lớn để thực hiện ở các đảo còn lại.

Cụ thể là ông và các đồng nghiệp sẽ thực hiện những bước nào đầu tiên?

Tháng 4, chúng tôi sẽ mang cỏ Vetiver (còn gọi là cỏ hương bài, cỏ hương lau) ra trồng thử tại cả Cô Lin, Len Đao và Sinh Tồn. Đây là loại cỏ đã được kiểm nghiệm qua thực tế, cho thấy khả năng bám đất, chống sạt lở đê điều khá tốt ở đồng bằng sông Cửu Long. Loại cỏ này được đánh giá là cứng bằng 1/6 thép, rễ cứng như rễ tre, thân mềm. Đặc biệt là rễ của loại cỏ này ăn rất sâu xuống đất.

Trong thực tế ở Trường Sa, cỏ Vetiver sẽ tăng cường khả năng chống nhiễm mặn, nhờ bộ rễ có tác dụng như màng lọc, bảo vệ khu vực đảo bằng hàng rào hữu cơ. Nếu thành công trên diện rộng, nó không chỉ mang lại môi trường sinh thái tốt hơn cho bộ đội và nhân dân trên đảo, mà còn có giá trị kinh tế cao hơn so với làm hàng rào bê tông cốt thép.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ mang các mẫu vi sinh vật bản địa từ đảo về đất liền. Từ đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, tìm ra những vi sinh vật có lợi, nhân rộng và mang trở lại đảo.

Nói rộng hơn về rau hữu cơ, ông nhận xét thế nào về việc tại Hà Nội thời gian qua, có nhiều cửa hàng treo biển rau hữu cơ?

Tôi cho rằng cần phải xem lại các cửa hàng đó, xem họ có giấy chứng nhận hay không. Sản xuất rau hữu cơ, trong thời buổi hiện nay, không hề dễ như nhiều người lầm tưởng. Từ nguồn tài nguyên đất, nước, phân bón, giống rau, đều có nhiều tiêu chuẩn cần kiểm tra, giám sát. Ở Việt Nam, chúng ta quy định đất cần 2 năm để có thể tự loại bỏ các độc chất như thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, mà trước kia người ta đã bón vào. Ở Nhật, người ta cần đến 5 năm cho cỏ mọc tại khu đất xác định trồng rau hữu cơ.

16-20-39_1
Ông Nguyễn Văn Cường (ngoài cùng bên trái) cùng một hộ nông dân trồng rau hữu cơ

Sản xuất hữu cơ có thể rẻ nhưng chi phí chứng minh hữu cơ thì lớn. Nước ngoài người ta bảo vệ cái từ “hữu cơ” trong thương hiệu ghê gớm lắm. Anh bán rau hữu cơ, mà không có chứng nhận, kiểm định, không có mẫu lưu, thì lập tức bị khép tội bán hàng giả.

Để có chứng nhận hữu cơ thì đất đai, nguồn nước phải được xét nghiệm các chỉ số. Đi sau nó là một hệ thống chứng minh rằng đấy là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Mà chi phí cho việc chứng minh đó là rất khó khăn, cả trên thế giới cũng vậy. Người ta tốn rất nhiều chi phí. Mỗi một sản phẩm được gọi là hữu cơ đều phải giám sát độc lập, và phải có đơn vị tư vấn để làm đúng theo định hướng.

Trước kia, ở Hà Nội đã từng mọc lên các cửa hàng rau sạch qua kiểm định. Song thực tế cho thấy nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa do kinh doanh không thành công. Ông có thể cho biết rau hữu cơ sẽ cần bước đi nào để tránh lặp lại vết xe đổ của rau sạch?

Hiện giờ, đâu đâu tôi cũng nghe thấy những câu nói về chống thực phẩm bẩn, câu chuyện về thực phẩm không an toàn, đó là một hệ lụy.

Rau hữu cơ và rau an toàn khác nhau ở một số điểm. Nếu xét riêng về sự an cho sức khoẻ người tiêu dùng và người sản xuất, rau hữu cơ an toàn hơn do không sử dụng phân hóa học, các loại thuốc trừ sâu hóa học hoặc thuốc kích thích tăng trưởng.

Rau an toàn được sử dụng các loại phân và thuốc bảo vệ thực vật hóa học nhưng trong ngưỡng cho phép.

Xét về hàm lượng dinh dưỡng, rau hữu cơ tốt hơn rau an toàn hơn do thời gian sinh trưởng dài ngày hơn.

Điểm yếu là rau hữu cơ thường không “bắt mắt” như rau an toàn. Đó là vấn đề mà chúng ta cần thời gian để thay đổi nhận thức trong người tiêu dùng.

Trước kia, tôi từng hỏi những nông dân về việc phun thuốc kích thích, thuốc trừ sâu v.v. vào rau. Họ bảo không phải là có ác ý, mà nếu không phun, thì rau không xanh mướt, mang ra chợ không ai chịu mua. Đó là trở ngại rất lớn với người nông dân.

Về giải pháp, chúng tôi trước hết mong muốn kết nối tất cả những người làm nông nghiệp hữu cơ thực sự lại với nhau và sẽ ra một cộng đồng những người sản xuất hữu cơ thật và những người tiêu dùng hữu cơ thật.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.