| Hotline: 0983.970.780

'Bão' giá lợn càn quét: [Bài cuối] Các nước xoay xở ra sao?

Thứ Tư 02/04/2025 , 09:10 (GMT+7)

Giá thịt lợn biến động, nhiều quốc gia triển khai chiến lược điều chỉnh đàn, phát triển vacxin - những bài học đáng tham khảo cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

Philippines cải thiện an toàn sinh học, phát triển vacxin nội địa

Giá thịt lợn tại Philippines tăng mạnh, gây ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng lẫn người chăn nuôi. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Philippines (DA), tính đến ngày 24/1/2025, giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ ở Metro Manila đã tăng vọt, đạt trung bình 400 peso/kg (khoảng 189.000 đồng/kg), tăng 11,11% so với tháng trước.

Tình trạng tăng giá cũng diễn ra tại các khu vực khác. Tại chợ Batong Malake, Los Baños, tỉnh Laguna, giá thịt lợn tăng từ 400 peso/kg lên 440 peso/kg tính đến ngày 28/1/2025, cho thấy xu hướng tăng giá chưa có dấu hiệu chững lại.

So với cùng kỳ năm trước, giá trung bình thịt lợn tại Metro Manila tăng 20,7%, từ 331,25 peso/kg (2024) lên 400 peso/kg (2025). DA cho biết, nguyên nhân là do tác động kéo dài của dịch tả lợn Châu Phi (ASF) và nhu cầu mùa lễ cuối năm tăng cao.

Giá thịt lợn tại Philippines tăng mạnh, gây ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng lẫn người chăn nuôi. Ảnh minh họa.

Giá thịt lợn tại Philippines tăng mạnh, gây ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng lẫn người chăn nuôi. Ảnh minh họa.

Để ứng phó với khủng hoảng ASF và hậu quả đối với ngành lợn, Hội đồng Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp, Thủy sản và Tài nguyên Thiên nhiên Philippines, Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines (DOST-PCAARRD) đã triển khai nhiều dự án nghiên cứu và công nghệ mới.

Ngoài các dự án như: Bộ kit phát hiện ASF bằng công nghệ Nanogold, chương trình giám sát dịch tễ, nghiên cứu nguy cơ lây truyền, còn có các sáng kiến lớn khác như: Dự án BRIDGES - Phản ứng nhanh thông qua hệ thống chẩn đoán tại chỗ và giải trình tự bộ gen để xét nghiệm bệnh động vật và nghiên cứu vacxin.

Dự án nhằm nâng cao năng lực xét nghiệm bệnh và phát triển vacxin trong ngành gia súc, gia cầm; thiết lập phòng thí nghiệm di động; ứng dụng công nghệ phát hiện mầm bệnh tiên tiến, rút ngắn thời gian chẩn đoán, đặc biệt ở vùng nông thôn, thiếu thốn thiết bị; phát triển vacxin nội địa để giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Dự án kỳ vọng hoàn thành vào tháng 8/2026, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững, tăng năng suất và tự chủ vacxin.

Hay Chương trình vacxin phân tử chống ASF với lợi ích nhằm giảm tổn thất kinh tế do dịch ASF, tăng cường khả năng phục hồi cho ngành chăn nuôi lợn, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2029.

Tương tự Dự án phục hồi ngành chăn nuôi lợn (SIRP) nhằm hỗ trợ các nông hộ, hợp tác xã, các trang trại chăn nuôi lợn… phục hồi sau đợt bùng phát ASF bằng cách tập trung vào việc tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trang trại, cải thiện chất lượng di truyền và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.

Giá cao đồng nghĩa người chăn nuôi có thể có lãi, nhưng thiếu hụt nguồn cung cho thấy ngành vẫn còn dễ tổn thương. Các dự án như BRIDGES và vacxin ASF của DOST-PCAARRD nhằm tăng cường chẩn đoán bệnh, cải thiện an toàn sinh học và phát triển vacxin nội địa. Những nỗ lực này sẽ giúp ngành chăn nuôi lợn Philippines phục hồi bền vững và ít phụ thuộc vào nguồn bên ngoài.

Brazil điều chỉnh nguồn cung, đẩy mạnh xuất khẩu

Năm 2024, thị trường thịt lợn của Brazil chứng kiến ​​nhu cầu mạnh mẽ cả trong nước và quốc tế, dẫn đến xuất khẩu kỷ lục, đẩy giá lợn hơi và thịt lợn tăng cao. Cụ thể, tháng 11/2024, giá thịt lợn tại Brazil đã đạt mức kỷ lục, trung bình hàng tháng tăng 10,11 real/kg (khoảng 45.200 đồng/kg) tại thị trường nội địa, tăng 47,1% so với đầu năm. Nguyên nhân khiến giá tăng cao là do nhu cầu tiêu thụ gia tăng, trong khi đó nguồn cung lại hạn chế.

Ngay sau đó, Brazil đã dần điều chỉnh nguồn cung lợn trong giai đoạn này, giúp giá lợn hơi duy trì ổn định, ngay cả khi có sự giảm nhẹ trong khâu tái đàn trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, chi phí sản xuất giữ mức ổn định tương đối, góp phần mang lại biên lợi nhuận thuận lợi cho người chăn nuôi.

Về xuất khẩu, các tập đoàn, doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi thịt của nước này cũng chủ động mở rộng thị trường. Mới đây, Reuters cho hay, JBS - Tập đoàn chế biến thịt hàng đầu Brazil và thế giới thông báo sẽ đầu tư 100 triệu USD để xây dựng 2 nhà máy tại Việt Nam, nhằm mở rộng hiện diện tại Đông Nam Á và củng cố vị thế trên thị trường toàn cầu.

Xuất khẩu thịt lợn của Brazil năm 2025 được dự báo sẽ đạt 1,45 triệu tấn. Ảnh: Foodbusinessafrica.

Xuất khẩu thịt lợn của Brazil năm 2025 được dự báo sẽ đạt 1,45 triệu tấn. Ảnh: Foodbusinessafrica.

Thông cáo từ JBS cho hay, các nhà máy này sẽ sản xuất thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm và chủ yếu sử dụng nguyên liệu thô nhập khẩu từ Brazil. Mục tiêu là cung cấp sản phẩm cho thị trường Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực. Thỏa thuận đã được chính thức hóa thông qua một biên bản ghi nhớ với Chính phủ Việt Nam. Thỏa thuận được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva tới Việt Nam, trong đó có tuyên bố về việc mở cửa thị trường Việt Nam cho thịt Brazil. JBS là một phần trong đoàn doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống.

Theo kế hoạch được JBS công bố, nhà máy đầu tiên sẽ được xây dựng tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Hải Phòng bao gồm một trung tâm hậu cần có sức chứa lưu trữ và thực hiện các hoạt động như tiền chế biến, pha lóc và đóng gói.

Nhà máy thứ hai dự kiến sẽ được xây dựng tại miền Nam Việt Nam 2 năm sau khi nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động. Cơ sở này cũng sẽ có hạ tầng tương tự, bao gồm một trung tâm hậu cần và nhà máy chế biến.

Kể từ năm 1980, sản lượng thịt lợn ở Brazil đã tăng vọt hơn 440%, từ 995.000 tấn lên 5,35 triệu tấn vào năm 2024. Đến năm 2025, sản lượng thịt lợn của nước này dự kiến ​​đạt 5,45 triệu tấn, tăng 2% so với năm ngoái.

Xuất khẩu thịt lợn của Brazil đã tăng mạnh, từ chỉ 1 tấn cách đây 44 năm lên 1,35 triệu tấn năm 2024, đưa Brazil trở thành nước sản xuất và xuất khẩu thịt lợn lớn thứ 4 trên toàn cầu. Năm 2025, xuất khẩu thịt lợn của nước này được dự báo sẽ tăng đáng kể (7,4%), đạt 1,45 triệu tấn.

Chia sẻ với báo chí về tình hình thị trường thịt lợn trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết: Trong khoảng 2 ngày qua, giá lợn hơi ở một số địa phương đã xuống mức 61.000-62.000 đồng/kg, còn đa số là 65.000-67.000 đồng/kg. Dự kiến, sáng thứ 5 tuần này (tức ngày 3/4), Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tổ chức cuộc họp để chỉ đạo sản xuất, tái đàn bền vững, ổn định giá thịt lợn. Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, quy mô đàn lợn của Việt Nam vẫn đạt 30 triệu con.

Xem thêm
Cùng sinh viên kiến tạo con đường nông nghiệp hạnh phúc

THÁI NGUYÊN Ngày 2/4, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã ký kết hợp tác toàn diện với Tập đoàn Tân Long với nhiều nội dung nội dung quan trọng, hỗ trợ sinh viên phát triển.

Chế biến sâu để tăng giá trị rong biển

KHÁNH HÒA Có một doanh nghiệp tiên phong chế biến, cho ra đời nhiều sản phẩm gia tăng giá trị từ rong biển để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mong chính sách tín dụng linh hoạt hơn cho lĩnh vực nông nghiệp

Cần Thơ Các địa phương, doanh nghiệp kiến nghị giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy chính sách tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nhất là Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Bí kíp 'chốt đơn' 20 lô đất/tháng của nhà môi giới tại Hải Phòng

Bí kíp 'chốt đơn' và cơ duyên đến với nghề môi giới bất động sản của anh Nguyễn Văn Sen khá tình cờ và thú vị trong 'một lần mua đất bị hớ'.

Bình luận mới nhất