| Hotline: 0983.970.780

GS Ngô Bảo Châu đoạt giải toán học Fields

Thứ Năm 19/08/2010 , 14:13 (GMT+7)

Cả khán phòng ở Hyderabad, Ấn Độ, rộn ràng tiếng vỗ tay khi tên của giáo sư Ngô Bảo Châu được xướng lên là một trong bốn nhà toán học giành giải Fields vào ngày 19/8.

Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận huy chương Fields từ Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil. Ảnh chụp màn hình

Cả khán phòng ở Hyderabad, Ấn Độ, rộn ràng tiếng vỗ tay khi tên của giáo sư Ngô Bảo Châu được xướng lên là một trong bốn nhà toán học giành giải Fields hôm nay.

Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới - cho Ngô Bảo Châu lúc 12:55 hôm nay (giờ Hà Nội).

Giáo sư Bảo Châu là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam và là người châu Á đầu tiên ngoài người Nhật giành được giải thưởng danh giá này.

Huy chương Fields là một giải thưởng được trao cho tối đa bốn nhà toán học không quá 40 tuổi tại mỗi kỳ Đại hội Toán học Thế giới của Hiệp hội toán học quốc tế (IMU). Đại hội này được tổ chức 4 năm một lần. Nhà toán học Canada John Charles Fields là người sáng lập giải thưởng.

Cùng với Ngô Bảo Châu, ba nhà toán học khác đoạt giải Fields lần này còn có: Elon Lindenstrauss (Israel), Stanislav Smirnov (Nga) và Cedric Villani (Pháp).

Lễ khai mạc diễn ra trong buổi sáng nay tại thành phố Hyderabad. Ngồi trên hàng ghế ngay gần đầu trong hội trường có gia đình giáo sư Bảo Châu. Mẹ anh, phó giáo sư Trần Lưu Vân Hiền tươi tắn trong bộ áo dài truyền thống Việt Nam. Người cha - giáo sư Ngô Huy Cẩn - trang nghiêm trong bộ vest tối màu.

Con đường khoa học của GS Châu

Từ một học sinh chuyên toán ở Hà Nội những năm đầy khó khăn, giáo sư Ngô Bảo Châu đã trở thành nhà toán học tầm cỡ trong ngành toán thế giới.

Giáo sư Ngô Bảo Châu. Ảnh: diendantoanhoc.org..

Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội. Anh là con duy nhất của Giáo sư tiến sĩ khoa học Ngô Huy Cẩn của Viện Cơ học và Phó giáo sư tiến sĩ Trần Lưu Vân Hiền, công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương. Anh từng học tại trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội trước khi vào khối phổ thông chuyên toán của Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội.

Mùa hè 1988, Bảo Châu tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế tại Australia và giành huy chương vàng. Mùa hè năm sau anh tiếp tục giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế tại Đức. Cũng trong năm 1989 Châu sang Pháp để học tại Đại học Paris 6. Anh bảo vệ luận án tiến sĩ khi mới 25 tuổi tại Đại học Sư phạm Paris - ngôi trường danh tiếng bậc nhất nước Pháp. Năm 2003, ở tuổi 31, anh hoàn thành luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) tại Đại học Paris 11. Đầu năm sau anh trở thành giáo sư của đại học này.

Ngô Bảo Châu cùng mẹ và các con gái. Ảnh do gia đình cung cấp.

Vào năm 1994, Bảo Châu kết hôn với người bạn gái từ thời phổ thông. Cũng trong năm đó anh và giáo sư Gerard Laumon - người thầy của anh - cùng nhận giải thưởng nghiên cứu hàng năm của Viện Toán học Clay (Mỹ) dành cho những người đạt thành tựu xuất sắc nhất trong năm nhờ giải quyết một trường hợp đặc biệt của “chương trình Langlands”. Mỗi năm chỉ có một đến hai người được trao giải và Châu là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng này.

Sau khi nhận giải thưởng Clay, Bảo Châu được Viện nghiên cứu khoa học cao cấp tại Princeton, Mỹ, mời sang làm giáo sư. Viện này là nơi quy tụ của nhiều nhà toán học và nhà vật lý hàng đầu thế giới, trong đó nhiều người từng đoạt giải Nobel và giải Fields.

Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm giáo sư tại Việt Nam. Hiện nay anh là giáo sư trẻ tuổi nhất ở Việt Nam. Một năm sau đó, anh được mời đọc báo cáo tiểu ban tại Đại hội Toán học thế giới tại Madrid (Tây Ban Nha). Anh là người Việt Nam thứ ba có vinh dự này. Trước anh là hai người Việt Nam ở nước ngoài, giáo sư F. Phạm và giáo sư Dương Hồng Phong.

Sau khi chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của Chương trình Langlands, anh được trao Giải thưởng Oberwolfach của Đức, Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (năm 2007). Công trình của anh đã được tạp chí đại chúng có uy tín Time Mỹ bình chọn là "một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009". Tháng 6 vừa qua, công trình của anh mang tên “Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie” (Bổ đề cơ bản cho đại số Lie) dày 169 trang đã được chính thức công bố trong tạp chí Publications Mathématiques de L'IHÉS do nhà xuất bản Springer phát hành.

Dù nghiên cứu và giảng dạy toán ở các trung tâm hàng đầu thế giới, GS. Ngô Bảo Châu vẫn giành thời gian đáng kể để tham gia giảng dạy và đào tạo toán học tại Việt Nam. Anh tham gia công tác hướng dẫn nghiên cứu và giảng dạy chuyên đề cho sinh viên ở Đại học khoa học tự nhiên và Đại học Sư phạm (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ bắt đầu làm việc tại khoa Toán của trường Đại học Chicago, Mỹ từ ngày 1/9/2010.

Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chính thức mời Ngô Bảo Châu về Việt Nam công tác và đóng góp cho chương trình nhằm đưa nước ta trở thành cường quốc về toán.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm