| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội lên tiếng về ‘vỡ đê có kế hoạch’ gây bức xúc

Thứ Ba 17/10/2017 , 16:56 (GMT+7)

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội hôm nay giải trình về phát ngôn “vỡ đê có kế hoạch” gây dư luận trái chiều. 

Sự cố đê Bùi ở Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Mai Chiến. 
 
“Trong thuật ngữ chuyên ngành nông nghiệp không có cụm từ ‘vỡ có kế hoạch’. Sự cố vừa rồi ở đoạn đê bao hữu Bùi (đê Bùi 2), huyện Chương Mỹ có thể coi là vỡ đê, song thực chất là nước tràn bờ đê bao, gây xói mòn một đoạn đê và đã được hàn khẩu trong thời gian ngắn nhất có thể”, ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, cho biết trong cuộc họp báo chiều 17/10.
 
Ông Nhã nói từ ngày 9 đến 13/10, lượng mưa bình quân trên toàn thành phố là 170 mm, cá biệt ở Mỹ Đức có điểm đo được mưa tới 480 mm, cộng thêm việc thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến cùng lúc lượng nước thoát ra sông Hồng quá lớn.
 
“Đê Bùi 2 là đê đất, chỉ có tác dụng ngăn lũ rừng ngang. Trong thiết kế, nó được phép cho tràn khi lượng nước đổ về quá lớn, và đây cũng là vùng chậm lũ, được quy hoạch để giải cứu Hà Nội. Cả đoạn đê dài hơn 10 km nhưng đoạn bị vỡ chỉ 7m, trong bối cảnh mực nước cao hơn mặt đê khoảng 60 cm”, ông Nhã phân trần. 
 
Trả lời các câu hỏi xung quanh phát ngôn “vỡ có kế hoạch” của ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, ông Nhã khẳng định bản chất sự cố là “bục đê”.
 
Trả lời chất vấn việc vỡ đê “không lường trước được”, đại diện Sở NN&PTNT nói do “diễn biến phức tạp của hiện tượng thay đổi thời tiết” nên dự báo lượng mưa là rất khó. 
 
“Đây là đê đất, mặt trên đường rải bê tông để tiện cho người dân đi lại, thân đê chưa được gia cố nên không ai dám khẳng định chỗ nào sẽ bục. Vượt mức nước thiết kế là đê sẽ tràn, nước xoáy qua xoáy lại nên những chỗ đê yếu sẽ bục ra. Quan trọng là người dân đã được thông báo kịp thời và không có thiệt hại về người”, ông Nhã nói. 
 
Ông Nhã cho biết có khoảng 10.000 dân tại ba xã ở Chương Mỹ bị ảnh hưởng do sự cố đê Bùi 2. Về phản ánh của người dân cho rằng hệ thống bơm chưa hoạt động, ông Nhã lý giải đây là vùng phân lũ, nên chỉ có thể bơm ở một số điểm, không thể bơm thoát lũ cho cả vùng.
 
Đê Hữu Bùi dài 12 km đi qua nhiều xã của huyện Chương Mỹ, được chính quyền Hà Nội đầu tư 120 tỷ đồng. Đoạn đê gặp sự cố dài khoảng 3 km nối hai xã Hoàng Văn Thụ và Tân Tiến. Sự cố nước tràn đê hôm 12/10 là lần đầu tiên xảy ra trong 10 năm qua.
 
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 13/10, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, cho biết: "Dân nhìn vào nói vỡ, chúng ta có thể nói là có vỡ, nhưng vỡ có kế hoạch, vỡ nằm ở trong khu thoát lũ chứ không phải bất ngờ". Phát ngôn này của ông Thịnh gây nhiều dư luận trái chiều. 
 
 

Xem thêm
Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Khu tái định cư Làng Nủ được cấp điện lưới quốc gia

Ngày 15/11, Công ty Điện lực Lào Cai chính thức đóng điện công trình cấp điện tái thiết cho khu dân cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.