| Hotline: 0983.970.780

Hai lần vào bãi vàng thổ phỉ

Thứ Năm 18/06/2015 , 15:13 (GMT+7)

Người xưa có câu “Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ bần cùng khố dây”. Trong cuộc đời làm báo của mình tôi từng đối mặt với quyền lực của “kẻ anh hùng” và nếm mùi trả thù. Còn kẻ “bần cùng khố dây” thì không nhớ hết, nhưng nhớ nhất là hai lần đột nhập vào bãi vàng thổ phỉ Văn Bàn…

Xã Minh Lương thuộc huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai chỉ cách đèo Khau Co vài chục cây số. Khau Co là con đèo lừng danh vùng Tây Bắc không chỉ hiểm trở mà còn là “rốn gió”, nơi đây 6 tháng mùa khô gió ngùn ngụt thổi suốt đêm ngày.

Cách nay 50 năm, khi đó tôi mới 10 tuổi theo đoàn người khai hoang từ ga Bảo Hà vượt qua đèo Khau Co vào Than Uyên. Con đường vượt qua đèo Khau Co ngày ấy chỉ người và ngựa đi được.

Do phải huy động ngựa của các bản làng để vận chuyển đồ đạc cho mấy chục hộ gia đình chúng tôi nên phải nghỉ tạm ở Minh Lương ít ngày chờ ngựa thồ. Người dân kể cho nghe những trận cuồng phong qua đỉnh đèo, không ít người đã bỏ mạng khi vượt đèo vì gió rét.

Dòng Nặm Chăn bắt nguồn từ những cánh rừng đại ngàn trên đỉnh đèo Khau Co chảy xuống. Tiếng Thái Nặm Chăn nghĩa là dòng suối đẹp. Dòng suối trong xanh suốt bốn mùa hiện rõ từng hòn sỏi dưới đáy, từ đỉnh đèo Khau Co nhìn xuống dòng suối như chiếc khăn lụa xanh thắm của nàng tiên núi nào đó bỏ quên dưới chân núi.

Kể từ khi bước chân vào nghề báo, tôi đã nhiều lần qua lại con đường này, chụp rất nhiều ảnh dòng suối xanh mơ màng như cắt ra từ bầu trời trên chín tầng mây, cho đến năm 1986 những người đào vàng sa khoáng từ đâu kéo tới.

Nhất là khi các bãi vàng thổ phỉ hình thành từ năm 2001, dòng Nặm Chăn trở nên đục ngầu do bùn thải từ các hầm vàng đổ xuống, không loài thủy sinh nào sống được do nguồn nước nhiễm xyanua và thủy ngân do các vàng tặc sử dụng để tách vàng ra khỏi quặng.

08-27-58_b8
Dòng Nặm Chăn trở nên đục ngầu do bùn thải từ các hầm vàng đổ xuống

Từ đó, Nặm Chăn hóa thành dòng suối chết, khiến cho cuộc sống của người dân sống dọc hai bên bờ suối vô cùng khốn khổ.

Tháng 4/2004 tôi cùng Hoàng Tiến Dũng, phóng viên Đài Truyền thanh huyện Văn Bàn đột nhập vào bãi vàng Huổi Mạ trên núi Pu Trang nằm cạnh con đường lên Khau Co.

Dũng vốn là người Văn Bàn thông thạo mọi ngõ ngách nơi đây nhưng cũng không dám mạo hiểm cùng tôi lên bãi vàng, anh phải nhờ một thanh niên địa phương đã nhiều lần giáp mặt với bọn vàng tặc dẫn đường.

08-27-58_b1
Nhà báo Thái Sinh trên đường vào bãi vàng

Quanh núi Pu Trang lều bạt của những người đào vàng dựng chi chít, cứ nhìn những tấm bạt rách tả tơi vá víu lằng nhằng bằng nhiều loại dây rợ đủ biết vàng tặc đã cư trú ở đây bao nhiêu năm rồi.

Núi Pu Trang không còn nhận ra hình thù gì nữa, lở loét bởi những hầm vàng giống như các tổ ong khoét sâu vào trong lòng núi.

Từ trong các hầm vàng đất đỏ đùn ra chả khác gì đống mối, cạnh một hầm vàng chúng thấy ba bốn người phụ nữ đang đập các vỉa đá mà họ gọi là mót sái từ những viên quặng mà các chủ lò thải ra.

Một chị bảo tôi: Chúng em đi mót sái bán cho mấy người có máy nghiền quặng ở dưới kia kiếm tiền thôi. Họ thuê gùi nước hay hàng hóa thì gùi. Ngày kiếm vài ba chục mua gạo mà…

Tôi nhìn vào một hầm vàng tối thăm thẳm, hầm chỉ rộng chừng 70-80 phân cao hơn một mét, những người phụ nữ đi mót vàng cho biết hầm sâu vài chục mét, khi gặp vỉa thì đào theo các vỉa vàng đó, có thể đào ngược lên đỉnh núi hay đào xuống sâu như cái giếng rồi kéo đất lên.

Theo sự mô tả của người dẫn đường thì các hầm vàng trong lòng núi nhằng nhịt như mê cung trong lòng đất. Đứng đợi một lúc thì thấy một vàng tặc mặc bộ quần áo rằn ri từ hầm vàng nhô ra. Mặt anh ta vàng khè như màu đất, mắt trắng dã quầng thâm, anh lặng lẽ kéo một xô đất đựng trong chiếc can nhựa 20 lít cắt một mặt để đổ đất.


Phu vàng kéo đất từ trong hầm vàng ra

Anh ta chẳng thèm nhìn chúng tôi đổ xô đất ra miệng hang rồi lại lặng lẽ quay vào, loáng cái mất hút trong bóng tối. Chừng mười lăm phút sau anh ta lại kéo một xô đất ra.

Mấy người phụ nữ bảo hầm vàng này sâu lắm, chừng hơn trăm mét, hầm này có mấy cửa thông nhau, họ phải dùng máy phát điện thổi khí vào trong hang cung cấp ô xy cho thợ đào vàng trong đó và thắp bóng điện.

Lúc này tôi mới nhìn sâu vào trong hang tối thăm thẳm, những bóng đèn điện sáng lấm tấm như đom đóm. Họ chỉ vào dãy lều bạt phía bên kia sườn đồi: Cai vàng đang chơi bài ở đó…

Vạch chiếc bạt che cửa tôi bước vào một căn lều thấp lè tè, trên chiếc sạp ken bằng cây rừng một đám người đang ngồi đánh bài, một gã mặt vàng khè ngỡ tôi là dân buôn vàng vội kéo tôi ra góc lều, giọng khèn khẹt nồng nặc mùi rượu và mùi thuốc lào: Bác mua giúp em hai chỉ này, giá 67 mềm thôi. Từ sáng tới giờ chúng nó lột của em gần chục chỉ rồi…

Tôi lắc đầu vội lùi ra thì vấp phải một người đang nằm co quắp dưới đất. Gã cười khành khạch chỉ tay vào cái người đang nằm: Thằng này mới ở bãi Rừng Xanh về đây nhập bọn, hết tiền hết thuốc, bệnh quá sắp toi rồi…

Nghe thế người đàn ông nằm dưới đất quờ tay nắm lấy cổ chân tôi, cho đến lúc này tôi vẫn không quên được bàn tay lạnh giá và nhớp nhúa của anh ta, khiến người tôi gai lên. Tôi vội hất bàn tay đó ra thoát ra ngoài chạy một mạch xuống núi như bị ma đuổi...

Lần thứ hai tôi đột nhập vào bãi vàng Minh Lương vào đầu tháng 5/2009, khi đó nạn khai thác vàng thổ phỉ đang hoành hành dữ dội ở các bãi: Rừng Xanh, Cột Cờ, Sà Phìn, Rừng Vầu… theo thống kê của chính quyền địa phương thời điểm cao nhất có tới 14 bãi vàng thổ phỉ, hơn 50 hầm vàng và có tới 215 máy nghiền quặng, máy khoan, máy phát điện…

08-27-58_b7
Máy nghiền quặng đặt trong bãi vàng

Sau gần ba giờ theo những người gùi hàng tôi mới lên tới bãi vàng Rừng Vầu, lần này tôi đóng vai người đi tìm người nhà. Với gương mặt râu ria xồm xoàm sau một tuần không cạo, lại nói thông thạo tiếng Thái nên chẳng ai nghi ngờ tôi là nhà báo.

Bởi thế suốt một ngày trời tôi lang thang khắp bãi vàng mà chẳng ai hỏi han gì. Một công trường khai thác vàng rầm rộ, máy nghiền quặng chạy ầm ầm từ sáng tinh mơ cho đến tối mịt, ban đêm điện sáng rực cả một vạt núi.

Dân đào vàng ở đây được các cai vàng chiêu mộ từ khắp các địa phương: Than Uyên, Tam Đường (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn (Yên Bái), Thanh Ba (Phú Thọ)…Trong số họ phần lớn là nông dân không có công ăn việc làm, nhưng cũng không ít đám bụi đời từ các thành phố dạt lên đây.


Một cai vàng bên mình luôn có một vệ sĩ

Các cai vàng chỉ một số ít là dân địa phương, còn phần lớn từ Thái Nguyên sang. Cứ tưởng bãi vàng là xã hội vô chính phủ của đám ma cô, trộm cắp, nhưng không phải như vậy.

Đó là một xã hội mà kẻ nào mạnh thì đứng ra cai trị và đề ra một thứ luật riêng, trong đó các cai vàng hàng tháng phải nộp “xâu” tùy theo số vàng mình đào đãi được cho người đó lo lót cho các quan chức địa phương (?!).

Rất có thể điều đó là thật, những bãi vàng thổ phỉ ở đây đã bao nhiêu năm tồn tại, sau mỗi trận truy quét đám vàng tặc tan tác rồi tụ lại dựng lều lán, mua sắm máy móc tiếp tục khoét núi đào vàng. Không ít những vụ sập hầm vàng khiến cả chục người chết nhưng có bắt được cai vàng nào đâu?

Mọi người chỉ cho tôi một cai vàng quyền lực nhất ở đây, bên cạnh anh ta lúc nào cũng kè kè một người bảo vệ. Anh ta sống trong một căn lán phía trên cao nhất, trong căn lán không thiếu một thứ hàng hóa gì, ngoài ra trên nóc lán còn có chảo bắt sóng ti vi. Cứ độ hai tuần đám đàn em lại dắt lên một “mắt xanh mỏ đỏ” để “sếp” giải sầu.

Theo người dân ở đây, bãi vàng Rừng Vầu trước kia cây cối mọc ken dày, nhưng từ khi vàng tặc đặt chân tới thì cả một vùng rừng xanh đen bỗng chốc tan hoang, đất bị đào bới tứ tung, cây đổ ngổn ngang, bùn thải từ các lò vàng chảy xuống khe suối đỏ loét. Mọi người đều phải đi ủng để tránh nhiễm độc thủy ngân và xyanua.

Tôi hỏi một cai vàng về đứa cháu mà tôi đi tìm, hắn nhìn tôi như thể dò xét, rồi gằn giọng: Ở đây không có ai tên như thế đâu bố già ạ, trời sắp tối rồi bố xuống núi ngay đi kẻo không tìm thấy đường về đâu. Tôi hiểu ngầm ý trong câu nói của hắn nên vội vã xuống núi…

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.