| Hotline: 0983.970.780

Mùa xuân biên giới: [Bài 1] Gặp những người giữ đất

Thứ Hai 10/03/2025 , 08:36 (GMT+7)

Biên cương Hà Giang mùa này đầy gió lạnh và sương mù bao phủ. Nơi đây, mỗi tấc đất không chỉ là đất, mà còn là hồn thiêng sông núi, là máu xương cha ông.

LTS: Huyện Hoàng Su Phì, nơi những dãy núi trập trùng ôm lấy biên cương Tổ quốc, có những con người lặng lẽ cống hiến cả tuổi thanh xuân để giữ gìn bình yên và thắp sáng tri thức. Họ là những người lính biên phòng, cán bộ xã, hay thầy cô giáo cắm bản…  vẫn đang miệt mài ngày đêm dầm mưa gió làm nhiệm vụ bằng sự tận tâm và niềm tự hào.

Đường lên huyện biên giới Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang mùa này sương giăng kín lối đi. Ảnh: Đào Thanh.

Đường lên huyện biên giới Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang mùa này sương giăng kín lối đi. Ảnh: Đào Thanh.

Hôm nay, học sinh từ các trường ở Pố Lồ, Thàng Tín, Thèn Chu Phìn háo hức tham gia chuyến tham quan đặc biệt lên cột mốc 227. Con đường dẫn đến biên giới rực rỡ sắc hoa mận, hoa đào, những loài hoa nở muộn do cái lạnh kéo dài, nhưng chính sự khắc nghiệt ấy lại tô điểm cho vẻ đẹp của núi rừng. Những cánh hoa mong manh, rung rinh trong gió như đang chào đón bước chân nhỏ bé nhưng đầy nhiệt huyết của thế hệ tương lai.

Leo dốc, đi bộ trên những cung đường gập ghềnh khiến đôi chân mỏi nhừ, nhưng không ai than vãn. Mỗi chặng nghỉ, các em học sinh lại háo hức nhìn về phía trước, nơi cột mốc thiêng liêng đang chờ đón.

Một góc núi rừng, ruộng bậc thang hùng vỹ nơi biên cương Hoàng Su Phì. Ảnh: Đào Thanh.

Một góc núi rừng, ruộng bậc thang hùng vỹ nơi biên cương Hoàng Su Phì. Ảnh: Đào Thanh.

Học sinh các trường học trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đến tham quan cột mốc 227, giáp biên giới Trung Quốc. Ảnh: Đào Thanh.

Học sinh các trường học trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đến tham quan cột mốc 227, giáp biên giới Trung Quốc. Ảnh: Đào Thanh.

Giữa không gian trùng điệp núi non, cột mốc 227 tại thôn Hoàng Lao Chải, xã Thàng Tín sừng sững như một biểu tượng của lòng tự hào và ý chí bất khuất.

Từ vị trí mốc 227, đường biên giới theo sống núi hướng đông nam, băng qua những điểm cao chót vót 1.542m, 1.601m, 1.718m, 1.755m, kéo dài đến cột mốc 228. Suốt bao năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thàng Tín vẫn kiên cường bám trụ, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng, giữ gìn sự nguyên vẹn của cột mốc, đồng thời duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa hai nước, hai dân tộc hai bên biên giới.

Đứng trước cột mốc 227, Thiếu úy Lăng Thanh Quang mạnh mẽ hô vang câu hỏi: “Thể hiện lòng yêu nước, lớn lên các nam sinh sẽ làm gì?” Không chút ngập ngừng, những tiếng hô đồng thanh vang vọng giữa núi rừng: “Dạ, sẽ đi nghĩa vụ quân sự ạ!”. Câu trả lời hòa vào tiếng gió, vang vọng trong nắng xuân, khiến lá cờ Tổ quốc nơi biên giới tung bay rực rỡ hơn bao giờ hết.    

Cột mốc 227 luôn được cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Tháng Tín cùng nhân dân bảo vệ nghiêm ngặt suốt bao năm qua. Ảnh: Đào Thanh.

Cột mốc 227 luôn được cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Tháng Tín cùng nhân dân bảo vệ nghiêm ngặt suốt bao năm qua. Ảnh: Đào Thanh.

  1.

Giữa cái rét cắt da cắt thịt của miền biên viễn, Đồn Biên phòng Thàng Tín đón chúng tôi bằng những lớp sương giăng dày đặc. Sương từ trên cao đổ xuống, từ dưới thung sâu bốc lên, cuồn cuộn vây kín những cung đường quanh co, cheo leo bên sườn núi. Từ Thàng Tín đến Pố Lồ, rồi sang Thèn Chu Phìn, đâu đâu cũng là một màu trắng xóa, mờ ảo như chốn bồng lai.

Sương ngấm vào từng nhành cây, khiến những cành đào, cành mận bật nụ, chậm rãi đơm hoa như e ấp đón mùa xuân đến muộn. Màn sương đặc quánh đến nỗi con người phải nhìn nhau thật lâu mới nhận ra khuôn mặt, ngay cả tiếng gà gáy báo sáng cũng như bị níu lại, trở nên mơ hồ giữa đất trời.

 Gió lạnh và sương mù dường như trở thành hai “đặc sản” của miền biên viễn Hoàng Su Phì, nơi mà suốt mấy tháng nay, mặt trời vắng bóng, quần áo phơi cả tuần vẫn không thể khô.

Ở Đồn Biên phòng Thàng Tín quanh năm gió lạnh và sương mù. Ảnh: Đào Thanh.

Ở Đồn Biên phòng Thàng Tín quanh năm gió lạnh và sương mù. Ảnh: Đào Thanh.

Thế nhưng, những gian khó, khắc nghiệt ấy chẳng thể ngăn bước chân người lính biên phòng. Họ vẫn lặng lẽ bám trụ nơi biên cương, bởi mỗi tấc đất nơi đây đều có sự đóng góp của bao người đã ngã xuống, là nhiệt huyết và lòng tự hào dân tộc cháy bỏng trong tim.

Với Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thàng Tín, Nguyễn Thành Luận, biên giới không chỉ là những cột mốc vô tri, mà là nơi anh và đồng đội gắn bó bằng cả trái tim.

Được điều động từ một đơn vị khác về Đồn Biên phòng Thàng Tín, anh nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống của bà con, hiểu từng nỗi vất vả, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn. “Lòng yêu nước ở nơi đây không phải là những lời nói suông, mà là sự truyền trao qua từng thế hệ, từng bước chân kiên định của người lính biên phòng, từng ánh mắt rạng ngời của những đứa trẻ đến lớp mỗi ngày...”, anh Luận tâm sự.

Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thàng Tín, Nguyễn Thành Luận thăm và tặng quà cho các cháu nhỏ tại điểm trường Cáo Phìn 1, Trường Mầm non Thèn Chu Phìn. Ảnh: Đào Thanh.

Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thàng Tín, Nguyễn Thành Luận thăm và tặng quà cho các cháu nhỏ tại điểm trường Cáo Phìn 1, Trường Mầm non Thèn Chu Phìn. Ảnh: Đào Thanh.

Mùa này, mưa rừng làm đường trơn trượt, gió rét cắt da. Nhưng dù thời tiết khắc nghiệt, những chiến sĩ vẫn bám bản, bám dân, sẵn sàng có mặt bất cứ khi nào bà con cần. Khi trời trở lạnh, người dân co cụm quanh bếp lửa, nhưng bộ đội biên phòng vẫn lặng lẽ đi tuần, đảm bảo từng tấc đất biên cương không bị xâm phạm.

Không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, họ còn là những “cán bộ khuyến nông”, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Anh Luận cùng đồng đội tham gia chương trình cải tạo vườn tạp, hỗ trợ thu hoạch mùa màng, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Những mái nhà xiêu vẹo được dựng lại, những mảnh vườn cằn cỗi dần xanh tốt hơn nhờ bàn tay của người lính.

Những nhà dân ở thôn Hoàng Lao Chải, xã Thàng Tín, giáp biên giới Trung Quốc. Ảnh: Đào Thanh.

Những nhà dân ở thôn Hoàng Lao Chải, xã Thàng Tín, giáp biên giới Trung Quốc. Ảnh: Đào Thanh.

“Nhà nào xuống cấp, xã gọi là có mặt ngay. Mùa màng đến kỳ thu hoạch, bộ đội lại xuống giúp. Bởi hạt thóc chín không kịp mang về sẽ rơi vãi, hạt ngô già còn nằm trên nương thì dù đêm thâu đầu của bộ đội chưa thể ngủ…”, anh Luận kể.

Công tác vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, phát triển kinh tế chưa bao giờ là dễ dàng. Có những lần đi vận động, chủ nhà bảo: “Cứ uống vài chén rồi nói chuyện tiếp”. Biết rằng “vài chén” ấy là cả nửa lít rượu, nhưng vẫn phải uống. Vì chỉ khi cùng chung bàn, cùng sẻ chia, chúng tôi mới thật sự gần dân hơn”, anh Luận cười kể lại.

Những cánh đào bật nụ, chậm rãi đơm hoa như e ấp đón mùa xuân đến muộn ở miền biên viễn. Ảnh: Đào Thanh.

Những cánh đào bật nụ, chậm rãi đơm hoa như e ấp đón mùa xuân đến muộn ở miền biên viễn. Ảnh: Đào Thanh.

Giờ đây, khi những người trẻ mạnh dạn đi xa học hỏi, đi làm thuê để gửi tiền về nhà, cuộc sống của dân bản dần có sự đổi thay. Nhưng cũng vì thế, người già và trẻ nhỏ càng cần đến bàn tay giúp đỡ của những người lính biên phòng. Dẫu những con đường nhỏ xíu dẫn lên bản vẫn còn nhiều dốc đứng, nhưng với người lính biên phòng, hành trình bám bản, bám dân sẽ không bao giờ dừng lại. Vì một biên cương vững mạnh, vì một dải đất thiêng liêng bình yên.

2.

Con đường nhỏ như sợi chỉ vắt ngang sườn núi, lầy lội bùn đất sau những ngày mưa triền miên, đưa chúng tôi đến nhà trưởng thôn Giáp Trung, xã Thàng Tín Vàng Văn Lù. Dưới bánh xe máy, lớp bùn nhão níu chặt từng vòng quay, cứng đầu không chịu nhường lối, như thử thách những ai muốn đặt chân đến miền biên viễn này.

Đường đến các nhà dân ở thôn Giáp Trung, xã Thàng Tín nhỏ xíu vắt qua những cánh rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Đường đến các nhà dân ở thôn Giáp Trung, xã Thàng Tín nhỏ xíu vắt qua những cánh rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Nhà anh Lù nằm chon von trên một quả đồi, từ đó có thể phóng tầm mắt sang bên kia biên giới Trung Quốc. Những quả đồi trập trùng ấy, bao năm qua, không chỉ nuôi sống dân bản bằng những hạt ngô, hạt thóc, mà còn là chứng nhân lặng lẽ cho sự bền bỉ của những con người giữ đất, giữ làng. Với họ, đất không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là linh hồn của Tổ quốc, là từng tấc máu xương mà cha ông đã gìn giữ qua bao thế hệ.

Bố của Vàng Văn Lù từng là người có uy tín lớn trong cộng đồng. Ông yêu đất, yêu làng, yêu cả những người lính biên phòng. Những ngày không có bộ đội đi tuần, ông lặng lẽ băng qua những đường mòn biên giới, quan sát từng gốc cây, mỏm đá rồi quay về báo cáo tình hình.

Ngày ông mất, không chỉ dân bản mà cả những người lính biên phòng, lãnh đạo huyện cũng về tiễn biệt, bởi ông đã trở thành một phần của biên cương này. Tấm gương ấy là kim chỉ nam để Vàng Văn Lù hiểu rằng, mình phải có trách nhiệm với mảnh đất quê hương.

Thời tiết khắc nghiệt, ruộng bậc thang ở biên giới chủ yếu cấy được một vụ còn lại bỏ hoang. Ảnh: Đào Thanh.

Thời tiết khắc nghiệt, ruộng bậc thang ở biên giới chủ yếu cấy được một vụ còn lại bỏ hoang. Ảnh: Đào Thanh.

Ở vùng cao biên giới, mùa này những mảnh ruộng phần nhiều để cỏ hoang mọc. Nước tưới khan hiếm, thời tiết khắc nghiệt khiến việc canh tác càng thêm gian nan. Nhà nước đã mang nhiều dự án đến, hướng dẫn bà con trồng rau, củ để cải thiện cuộc sống, nhưng đường vận chuyển vẫn là một bài toán khó. Khó nhất vẫn là ý chí vươn lên, bởi không phải ai cũng mạnh mẽ như cây sa mộc, có người chỉ sống lặng lẽ như những đám cỏ hoang, cam chịu nghèo khó.

Trưởng thôn Vàng Văn Lù trầm ngâm: “Gian khó nhất ở đây là thời tiết. Nắng quá thì hạt giống khó nảy mầm, đến khi thu hoạch lại lo bão gió. Nhà nào cũng loay hoay với cái nghèo.” Toàn thôn còn nhiều hộ nghèo, số nhà tạm cần xóa nhiều đến mức chính anh cũng không thể nhớ hết.

Gia đình anh Lù là một trong số ít hộ đã thoát nghèo. Nhà có hai con trâu, hai con bò, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực vươn lên mà dần ổn định. Nhưng trong thôn, còn nhiều người chưa thể thoát cảnh thiếu thốn. Trước đây, có chương trình hỗ trợ chăn nuôi, nhưng dịch bệnh ập đến, đàn gia súc chết dần, cái nghèo lại đeo bám. Cuộc chiến với đói nghèo nơi biên cương này chưa bao giờ dừng lại.

Một số đoạn đường vào thôn Giáp Trung đã được đổ bê tông, giúp người dân đi lại vơi bớt khó khăn. Ảnh: Đào Thanh.

Một số đoạn đường vào thôn Giáp Trung đã được đổ bê tông, giúp người dân đi lại vơi bớt khó khăn. Ảnh: Đào Thanh.

So với trước, đời sống bà con đã có nhiều đổi thay, nhưng con đường phía trước vẫn còn đầy chông gai. Mùa mưa rồi sẽ qua, những con đường lầy lội rồi cũng sẽ khô ráo, nhưng hành trình thoát nghèo của người dân vùng biên giới vẫn còn lắm nhọc nhằn, cần thêm những bàn tay tiếp sức, những ý chí kiên cường để thay đổi tương lai.

3.

Khi những dải sương mù còn vắt ngang đỉnh núi, người dân thôn Pố Lồ, xã Pố Lồ đã lục tục chuẩn bị cho lễ cúng rừng tại khu rừng Căn Lung. Đây là khu rừng thiêng rộng 2ha, nơi thần rừng trú ngụ và che chở cho cả bản làng qua bao thế hệ.

Năm nay, Vàng Văn Tin là một trong tám người đàn ông được chọn mang hương tham gia nghi lễ thiêng liêng ấy. Đó là niềm vinh dự, là trách nhiệm mà người làng và tổ tiên giao phó.

Bao nhiêu năm rồi, khu rừng thiêng ấy càng ngày càng già, càng tỏa ra sự huyền bí, linh thiêng. Người Nùng ở Pố Lồ xem khu rừng như báu vật, không ai dám xâm phạm. Ngay cả người cưỡi ngựa đi qua rừng cũng phải xuống dắt bộ, như một cách bày tỏ lòng kính trọng.

Khu rừng thiêng Căn Lung được người dân xã Pố Lồ giữ gìn như báu vật của bản làng. Ảnh: Đào Thanh.

Khu rừng thiêng Căn Lung được người dân xã Pố Lồ giữ gìn như báu vật của bản làng. Ảnh: Đào Thanh.

Hàng năm, làng tổ chức lễ cúng rừng, mỗi nhà nếu có công to việc lớn gì trong năm đều đến dâng hương, kính báo với thần rừng. Với Vàng Văn Tin, năm nay là một năm trọng đại. Anh đến để tạ ơn thần linh đã phù hộ cho gia đình yên ấm, và đặc biệt, để báo tin đứa con trai thứ hai vừa lên đường nhập ngũ.

Nhà Vàng Văn Tin có hai con trai, cả hai đều tham gia nghĩa vụ quân sự. Con trai lớn của anh vừa hoàn thành nhiệm vụ năm ngoái, thì năm nay đến lượt con trai thứ hai khoác lên mình màu áo lính.

Ngày trước, nhiều gia đình trong bản còn ngần ngại khi con cái nhập ngũ, lo sợ vất vả, gian khổ. Nhưng với Tin, nghĩa vụ quân sự không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào. Anh bảo, đó là cách để những người con của núi rừng góp phần giữ gìn biên cương, như cha ông đã từng.

Dù thuộc diện hộ nghèo, nhưng gia đình Vàng Văn Tin chưa bao giờ thiếu ăn. Cả hecta ruộng mỗi năm cho khoảng 80 bao thóc, ngô đủ để nuôi sống cả nhà, phần dư đem nuôi lợn, gà.

Vàng Văn Tin là một trong tám người đàn ông được người dân thôn Pố Lồ, xã Pố Lồ lựa chọn dâng hương lên các vị thần linh trong lễ cúng rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Vàng Văn Tin là một trong tám người đàn ông được người dân thôn Pố Lồ, xã Pố Lồ lựa chọn dâng hương lên các vị thần linh trong lễ cúng rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Ngày xưa, khi đất nước còn chiến tranh, cha của Tin từng tự nguyện đóng góp một nửa số thóc, ngô ấy để nuôi quân, tiếp sức cho bộ đội bảo vệ quê hương. Khi cuộc chiến tiễu phỉ nổ ra, từng bao thóc trong góc nhà lại được mang ra ủng hộ chiến sĩ. Đó là tinh thần của người Nùng, sống có trách nhiệm với đất, với làng, với non sông.

Bây giờ, đến lượt Vàng Văn Tin tiếp nối truyền thống. Anh hiểu rằng bộ đội biên phòng không chỉ bảo vệ từng tấc đất quê hương mà còn giúp dân bản có cuộc sống yên bình, ấm no. Anh cũng trở thành tấm gương cho dân làng, giúp họ hiểu rằng việc để con em nhập ngũ không chỉ là đóng góp cho đất nước mà còn là cách để bản làng gắn kết hơn với lực lượng bảo vệ biên giới.

Tôi hỏi Vàng Văn Tin: “Gia đình anh đã xây được nhà kiên cố chưa?”. Tin cười hiền đáp: “Chưa, vẫn ở nhà gỗ thôi. Trong bản còn nhiều hộ nghèo hơn, cứ để họ xây trước đã. Khi mọi người khá lên, mình cũng thấy vui, làng có việc gì cần đóng góp cũng dễ dàng hơn”.

Trò chơi bập bênh của trẻ em vùng cao biên giới Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Trò chơi bập bênh của trẻ em vùng cao biên giới Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Ở nơi biên giới này, những con người như Vàng Văn Tin không chỉ giữ đất, giữ làng, mà còn giữ gìn những giá trị thiêng liêng của dân tộc. Và trên đỉnh núi Căn Lung, giữa làn khói hương bảng lảng, thần rừng chắc hẳn cũng mỉm cười, gật đầu chứng giám cho Tin cũng như người Nùng, người Mông… ở các bản làng vùng cao biên giới.

Ở huyện Hoàng Su Phì, ngoài đồn biên phòng Thàng Tín còn có Đồn Biên phòng Bản Máy với những người lính sừng sững như những cột mốc sống, ngày đêm canh giữ biên cương Tổ quốc.

Đồn biên phòng Thàng Tín, đứng chân trên địa bàn xã Pố Lồ, quản lý và bảo vệ hơn 20,5km đường biên, trải dài qua ba xã Thàng Tín, Pố Lồ, Thèn Chu Phìn, nơi có chín thôn bản giáp biên tiếp giáp với hương Mãnh Động, huyện Ma Ly Pho, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Cách đó không xa, Đồn Biên phòng Bản Máy cũng đang gồng mình trước mưa nắng biên cương.

Xem thêm
Hàm lượng Methanol vụ ngộ độc rượu vượt hơn 1.000 lần quy định

Tiền Giang Rượu Sơri KHA THY 29 độ có chứa hàm lượng Methanol 10730571 mg/l etanol 100 độ vượt gấp 1073,05 lần mức quy định của Bộ Y tế theo hồ sơ tự công bố sản phẩm.

Bình luận mới nhất