Điều kiện Seoul đặt ra là Triều Tiên cần tiến hành phi hạt nhân hoá, theo Yonhap.
Bàn Môn Điếm được chọn làm nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un |
Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc hiện vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do sau cuộc chiến 1950-1953, giữa đôi bên chỉ đang tồn tại hiệp định ngừng bắn, thay vì một thoả thuận hoà bình. Theo kế hoạch, ngày 27/4 này, Tổng thống Moon Jae-in sẽ gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Bàn Môn Điếm, thuộc khu vực phi quân sự (DMZ) giữa biên giới 2 nước. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao đôi bên đối mặt nhau ở khu vực này, và cũng là lần đầu một nhà lãnh đạo Triều Tiên “bước chân sang đất Hàn Quốc” theo Yonhap. Trước đó, Hàn-Triều đã hai lần tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào các năm 2000 và 2007, nhưng địa điểm đều diễn ra tại Bình Nhưỡng.
Kế hoạch chi tiết cuộc gặp giữa ông Moon và ông Kim hiện chưa được tiết lộ nhưng báo chí Hàn Quốc cho biết, cả 2 nhà lãnh đạo có thể trao đổi về khả năng thiết lập một hiệp ước hoà bình vĩnh viễn trên bán đảo liên Triều. Tuy nhiên, điều kiện Seoul đặt ra là Bình Nhưỡng cần tiến tới phi hạt nhân hoá.
“Nếu tiến trình phi hạt nhân hoá không đạt được tiến bộ, sẽ thiếu thiết thực nếu nghĩ tới việc thiết lập hoà bình”-Yonhap dẫn lời một quan chức cấp cao phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) cho biết.
Nguồn tin của Yonhap cũng nói, chính quyền Seoul đánh giá rất cao những tín hiệu thiện chí từ phía Triều Tiên trước trước phiên hội nghị sắp tới. Trong đó có việc Bình Nhưỡng tuyên bố dừng các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, mặc dù giới chuyên gia các nước vẫn đang thể hiện sự nghi ngờ. “Sự đánh giá của các chuyên gia có thể khác nhau. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng Triều Tiên đang thể hiện họ sẵn sàng đàm phán cho mục đích phi hạt nhân hoá”-quan chức cấp cao Nhà Xanh nói với Yonhap.
Trên thực tế, không chỉ Hàn Quốc mà Mỹ cũng tỏ ra thận trọng trước những diễn biến bất ngờ từ phía Triều Tiên. Lý do bởi chỉ cách đây không lâu, chính quyền ông Kim Jong-un còn tỏ ra rất cứng rắn đối với việc bảo vệ chương trình hạt nhân của nước này. Một số phân tích cho rằng, đây có thể là chiến thuật của Triều Tiên nhằm giành được lợi thế trong cuộc đàm phán sắp tới, lần lượt với Hàn Quốc và sau đó là với chính Mỹ. Khi thể hiện sẵn sàng dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân, Bình Nhưỡng sẽ có lý do để đòi hỏi Hàn Quốc và Mỹ phải nhượng bộ lại những yêu sách khác. Bên cạnh đó, trong thông báo dừng các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại khéo léo đề cập tới năng lực hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi đó, Washington rất không muốn công nhận năng lực hạt nhân của Triều Tiên hiện nay, bởi khả năng một cuộc chạy đua có thể nổ ra giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Hồi cuối năm 2017, đã có những ý kiến ở Hàn Quốc, đòi hỏi chính phủ tái phát triển các loại vũ khí hạt nhân do mối đe doạ từ miền bắc.
Hoàn Cầu thời báo, một ấn bản của cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc là Nhân dân nhật báo đã lên tiếng Mỹ-Hàn nắm bắt cơ hội hiện nay để đảm bảo hoà bình trên bán đảo Triều Tiên. “Washington không nên coi việc Triều Tiên dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân, tên lửa là kết quả sức ép tối đa do họ tạo nên”-báo này viết.
Theo Reuters, thông qua Liên Hợp Quốc, Mỹ đang siết chặt cấm vận với Triều Tiên mà mục tiêu nhắm tới là cắt nguồn ngoại tệ của nước này. Các dữ liệu hải quan công bố hồi đầu tuần này cho thấy, cả xuất và nhập khẩu của Trung Quốc vào Triều Tiên đều giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2018. Trước khi bắt đầu kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bất ngờ có chuyến công du tới Bắc Kinh, nơi ông Kim hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.