| Hotline: 0983.970.780

Hoàn thành chỉ tiêu tăng thêm 1 triệu tấn lúa

Thứ Hai 31/10/2011 , 09:33 (GMT+7)

Cuối tuần qua, tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất lúa năm 2011 và triển khai kế hoạch vụ ĐX 2011-2012...

* Hoàn thành chỉ tiêu tăng thêm 1 triệu tấn lúa

Toàn cảnh hội nghị
Cuối tuần qua, tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất lúa năm 2011 và triển khai kế hoạch vụ ĐX 2011-2012 các tỉnh, thành khu vực Nam bộ. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng chủ trì hội nghị.

XÁC ĐỊNH MỘT VỤ LÚA KHÓ KHĂN

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, năm 2011, tổng diện tích sản xuất lúa các tỉnh Nam bộ trên 4,5 triệu ha (tăng trên 129.000 ha so với năm 2010), năng suất bình quân đạt trên 5,6 tấn/ha (tăng 0,227 tấn/ha), sản lượng trên 25,2 triệu tấn (tăng 1,7 triệu tấn so với năm 2010). Trong đó, riêng khu vực ĐBSCL đóng góp sản lượng hơn 23 triệu tấn.

Vụ TĐ nông dân vùng ĐBSCL gieo sạ được 644.014/602.400 ha kế hoạch, tăng 132.479 ha so với cùng kỳ năm trước. Tình hình mưa lũ đã gây mất trắng 8.461 ha, chiếm 1,3% diện tích xuống giống. Đến nay, nông dân đã thu hoạch được trên 40% diện tích lúa TĐ, diện tích còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm vào giữa tháng 12.

Ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt cho rằng, có được thành công trong sản xuất lúa năm 2011 là nhờ các địa phương đã tuân thủ đúng lịch thời vụ, chủ động lo nguồn lúa giống chất lượng, có biện pháp phòng chống dịch bệnh, rầy nâu hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… Đặc biệt, mô hình “cánh đồng mẫu lớn” tuy mới được triển khai nhưng trong vụ lúa HT 2011 toàn vùng đã có 6.400 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích 7.803 ha.

Về vụ lúa ĐX 2011-2012, theo Cục Trồng trọt, lo ngại lớn nhất hiện nay là tình hình nước lũ rút chậm gây ảnh hưởng đến lịch xuống giống, có khoảng 400.000 ha ở các tỉnh đầu nguồn ĐBSCL cần phải bơm tát để gieo sạ. Vì vậy, các địa phương cần phải chủ động phương tiện bơm rút nước để xuống giống cho đúng lịch. Nếu gieo sạ lúa ĐX trễ không chỉ làm giảm năng suất mà còn gây trễ dây chuyền ảnh hưởng đến các vụ khác trong năm.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Huân, Cục phó Cục BVTV, nguy cơ nguy hiểm nhất đối với lúa ĐX vẫn là: rầy nâu, bệnh VL-VXL và việc nông dân lạm dụng thuốc hóa học độc hại dẫn đến dịch bệnh bùng phát. Trong những năm qua, các giải pháp kỹ thuật được áp dụng đã góp phần làm giảm nguy cơ dịch bệnh. Bên cạnh đó, công nghệ sinh thái cũng góp phần bảo vệ mùa màng như trồng hoa quanh bờ để thu hút dịch hại, dùng nấm xanh diệt rầy nâu…

Tại Hội nghị các đại biểu được nghe báo tình hình nước lũ và giải pháp đảm bảo nguồn nước tưới vụ ĐX tới, tình hình xuất khẩu gạo năm 2011 và dự báo thị trường gạo năm 2012. Trên cơ sở đó, có nhiều ý kiến thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như đề xuất các giải pháp từ khâu sản xuất lúa đến tiêu thụ hiệu quả trong sản xuất lúa năm 2012, trước mắt là vụ ĐX tới.

Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng chia sẻ: “Tình hình nước lũ năm nay đã gây thiệt hại lớn cho nhiều địa phương, riêng tại Hậu Giang đã có 1.400 ha cây ăn trái đặc sản, 8.800 ha mía và hàng trăm ha lúa bị lũ gây thiệt hại nặng. Những thiệt hại này sẽ giảm đáng kể nếu cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp tốt hơn”.

Từ đó, ông Đồng đề xuất cần tổ chức lại quy hoạch và quản lý quy hoạch cho ĐBSCL. Quy hoạch phải được thực hiện đồng bộ từ kênh tạo nguồn, kênh cấp 1, cấp 2 cho tới nội đồng. Tiếp đó là xây dựng các trạm bơm điện, vì hiện nay chủ trương có nhưng địa phương lại không biết lấy nguồn từ đâu để thực hiện. Về vụ lúa ĐX, Chính phủ cần sớm có chính sách hỗ trợ cho người dân bơm rút nước nhằm gieo sạ đúng lịch thời vụ.

 Tương tự, ông Đoàn Ngọc Phả, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang cũng đề xuất cần sớm hỗ trợ những hộ nông dân bị thiệt hại nặng trong mùa lũ vừa qua, cụ thể là hỗ trợ lúa giống và một phần kinh phí để tái đầu tư sản xuất.

LŨ LỚN - LIỀU THUỐC THỬ

GS.TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, lũ lớn chính là liều thuốc thử cho sản xuất lúa TĐ ở ĐBSCL. Đây chính là cơ sở để các địa phương tính toán đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đê bao bảo vệ sản xuất. Về việc sản xuất 3 vụ lúa trong năm, theo GS Luật, Viện Lúa ĐBSCL đã từng làm thí nghiệm sản xuất liên tục nhiều vụ trên một nền đất mà vẫn hiệu quả. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ về khoa học đất, sinh học... để bù đắp dinh dưỡng cho đất và khống chế sâu bệnh phát sinh.

 Để sản xuất lúa 3 vụ ăn chắc thì cần sử dụng các giống lúa cực ngắn ngày (dưới 90 ngày), rút ngắn chu kỳ canh tác lúa trên đồng ruộng ở những vùng khó khăn bằng cách gieo mạ để cấy. Gieo cấy cũng là phương pháp hữu hiệu nhất để giảm lượng giống, tăng năng suất và né hạn mặn, thời tiết bất lợi…

Thứ trưởng Bùi Bá Bổng khẳng định, vụ lúa ĐX và HT ở khu vực Nam bộ năm nay đạt thắng lợi lớn, riêng vụ HT năng suất bình quân đã vượt qua ngưỡng 5 tấn/ha, có nhiều nơi đạt năng suất rất cao, trên 7 tấn/ha. Vụ lúa TĐ tuy có bị thiệt hại do mưa lũ nhưng vẫn đạt hiệu quả cao, góp phần đưa tổng sản lượng lúa toàn vùng trong năm nay đạt trên 25 triệu tấn, cao hơn năm 2010 hơn 1,7 triệu tấn. Như vậy, đến thời điểm này hoàn toàn có thể khẳng định chúng ta đã hoàn thành chỉ tiêu tăng thêm 1 triệu tấn lúa mà Chính phủ giao.

 Theo Thứ trưởng, mặc dù vẫn còn những ý kiến khác nhau nhưng rõ ràng chủ trương làm lúa TĐ ở ĐBSCL là rất đúng đắn, khoa học. Nên hiểu lúa TĐ gồm cả lúa sản xuất trên nền đất 3 vụ/năm và lúa sản xuất ở vùng ven biển. Đây cũng là vụ lúa được nông dân đồng tình ủng hộ rất cao, trong đợt lũ vừa qua nhiều nông dân sẵn sàng hiến một phần đất đang làm lúa để múc gia cố đê bao mà không đòi hỏi đền bù, ủng hộ cây cối, bao đựng cát và ngày công để cùng chính quyền gia cố đê bao chống lũ. Chỉ trong 2-3 tháng nước lũ dâng cao, các địa phương đã huy động toàn lực để gia cố, tu bổ hệ thống đê bao mà nếu bình thường phải mất 4-5 năm mới hoàn thành được.

+ “Thực hiện “Cánh đồng mẫu lớn” là cơ sở tốt để chúng ta áp dụng các giải pháp kỹ thuật vào sản suất, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa. Đồng thời đây cũng là tiền đề để chúng ta xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu. Muốn tiêu thụ gạo hàng hóa tốt thì gạo của Việt Nam phải có thương hiệu.

Theo tôi, có thể lấy thương hiệu chung là “Gạo trắng Việt Nam, hạt dài siêu tốt” bao gồm một số giống đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, được sản xuất trên một cánh đồng rộng lớn, số lượng nhiều và “Gạo thơm Việt Nam” cho các giống lúa thơm đặc sản địa phương” – Thứ trưởng Bùi Bá Bổng.

 

 

+ Chấn chỉnh công tác quảng bá thuốc BVTV

 

Ông Nguyễn Hữu Huân, Cục phó Cục BVTV cho biết, hiện nay đang có tình trạng các Cty kinh doanh thuốc BVTV quảng cáo trá hình bằng cách tài trợ cho các chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các báo, đài địa phương.

Trong quá trình trả lời thắc mắc của nông dân, họ thường đưa các bộ sản phẩm của Cty mình vào để giới thiệu cho nông dân sử dụng với số lượng lớn, tần suất phun dày đặc.

Chính điều này dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc hóa học trên đồng ruộng. Cục sẽ sớm ban hành công văn để gửi cho Chi cục BVTV các địa phương nhằm tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động này.

Lũ cao cũng giúp ngành nông nghiệp rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu: 1/Cần kiến thiết lại đồng bộ khu vực ĐBSCL sao cho đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất của người dân. 2/Trong tổng số 1,8 triệu ha đất nông nghiệp toàn vùng thì chỉ nên sản suất lúa TĐ khoảng 20-30% diện tích và chỉ triển khai làm khi nông dân có lợi. 3/Cơ cấu sản xuất 2 năm 5 vụ và sẽ luân phiên xả lũ theo từng vùng, từng địa phương vừa để cho đất nghỉ, lấy phù sa vừa để phân tán, giảm áp lực lũ.

KIÊN QUYẾT GIỮ ĐÚNG LỊCH THỜI VỤ

Về kế hoạch sản xuất vụ lúa ĐX, Thứ trưởng chỉ đạo các địa phương khó khăn mấy cũng phải giữ đúng lịch thời vụ, gieo sạ tập trung trong tháng 11 và 12. Dự kiến toàn vùng sẽ gieo sạ 1.679.014 ha, trong đó khu vực ĐBSCL là 1.556.800 ha.

 Sẽ có 2 phương án xuống giống tập trung cho khu vực ĐBSCL: phương án 1 (Cục Trồng trọt đề xuất): đợt 1 từ ngày 5-30/11, xuống giống 700.000 ha, đợt 2 từ ngày 5-30/12, xuống giống 600.000 ha; phương án 2: 50% diện tích gieo sạ trong tháng 11, 50% còn lại trong tháng 12. Theo các nhà chuyên môn, xuống giống trong tháng 11 là thời gian tốt nhất cho lúa sinh trưởng, cho năng suất cao hơn tháng 12, đồng thời né được hạn, mặn cuối vụ.

Về giống lúa, đến nay đa số các địa phương đã chủ động được nguồn giống tốt, nông dân quan tâm đến việc sử dụng giống lúa cấp xác nhận. Tuy nhiên, tình hình lũ lụt có thể gây thiếu hụt cục bộ, Thứ trưởng yêu cầu các Cty, đơn vị kinh doanh giống không được lợi dụng việc này để tăng giá trục lợi.

Thứ trưởng chỉ đạo các địa phương phải triển khai tốt các gói kỹ thuật vào sản xuất, gieo sạ tập trung đồng loạt, áp dụng cơ giới hóa. Duy trì và mở rộng diện tích “cánh đồng mẫu lớn” theo phương châm “nông dân nhỏ - cánh đồng lớn”. Hạn chế lớn nhất trong sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện nay là khâu phơi sấy, vì vậy trong thời gian tới cần tập trung đầu tư, khuyến khích nông dân làm lò sấy.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất