| Hotline: 0983.970.780

Khoa học nhạt nhòa

Thứ Hai 22/07/2013 , 10:50 (GMT+7)

Cơ chế phục vụ nghiên cứu bó buộc, cán bộ khoa học thiếu động lực, cơ khí chế tạo đi kèm yếu kém... Vô số nguyên nhân kìm trói đang khiến việc nghiên cứu khoa học về máy móc cơ giới nông nghiệp èo uột, mờ nhạt.

Cơ chế phục vụ nghiên cứu bó buộc, cán bộ khoa học thiếu động lực, cơ khí chế tạo đi kèm yếu kém... Vô số nguyên nhân kìm trói đang khiến việc nghiên cứu khoa học về máy móc cơ giới nông nghiệp èo uột, mờ nhạt.

>> Cơ giới hóa nông nghiệp: Thấy mà lo!
>> Bỏ quên và tan tác

350 cán bộ và những chiếc máy “chết yểu”

Cơ quan nghiên cứu khoa học về máy cơ giới nông nghiệp đã làm gì trong việc gánh vác, đón đầu yêu cầu hiện đại hóa ngành nông nghiệp...? Để trả lời câu hỏi đó, chúng tôi đã tìm tới Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (VIAEP - Bộ NN-PTNT) – đơn vị đầu ngành nghiên cứu về máy nông nghiệp hiện nay.

Báo cáo của lãnh đạo VIAEP cho thấy với bộ máy rải khắp từ Bắc tới Nam, gồm 3 phòng quản lí chức năng, 6 bộ môn nghiên cứu và 8 đơn vị trực thuộc, tổng số cán bộ nhân viên của Viện hiện nay là 350 người (260 cán bộ biên chế). Về trình độ chuyên môn, Viện có 23 tiến sĩ, 61 thạc sĩ và 139 kỹ sư...

Với đội ngũ cán bộ hùng hậu ấy, chỉ tính riêng kinh phí nhà nước cấp cho các đề tài/dự án nghiên cứu khoa học, trung bình mỗi năm Viện tiêu hết hơn 10 tỉ đồng. Xin không bình luận về kinh phí ấy nhiều hay ít, nhưng điểm lại về kết quả của những đề tài nghiên cứu của Viện này thì quả là đáng lo.

Báo cáo của Viện cho thấy trong vòng 5 năm gần đây (2009 – 2013), trong tổng số 27 đề tài/dự án nghiên cứu, có tới 21 đề tài/dự án liên quan tới máy cơ giới nông nghiệp (bao gồm cả bảo quản, chế biến). Năm 2013, trong tổng số 14 đề tài/dự án mà Viện đang triển khai thì 10 đề tài/dự án liên quan tới máy cơ giới nông nghiệp.

Những con số này cho thấy so với mảng công nghệ sau thu hoạch, tỉ lệ nghiên cứu về máy cơ giới nông nghiệp luôn áp đảo. Thế nhưng nghịch lí là trong khi tỉ lệ đề tài nghiên cứu về máy nông nghiệp rất lớn, thì đội ngũ cán bộ phục vụ nghiên cứu mảng cơ giới hóa của Viện lại rất ít ỏi, chỉ chiếm 1/3 tổng số cán bộ của Viện.

Lí giải về điều này, TS Chu Văn Thiện, Viện trưởng VIAEP nhận xét: Sở dĩ cán bộ nghiên cứu về máy cơ khí như thế là bởi đây là mảng nghiên cứu vừa phức tạp, vừa khó chuyển giao, lợi nhuận thấp mà rủi ro lại cao nên ai cũng ngại. Đặc biệt đối với máy canh tác là mảng khó và quan trọng nhất, số đề tài nghiên cứu hiện rất ít, ước chỉ chiếm 1/3 tổng số đề tài.

Điểm qua danh sách của gần chục đề tài nghiên cứu về máy canh tác của VIAEP trong 5 – 7 năm qua, nổi lên chỉ có dăm ba sản phẩm như: máy cấy MC-6-25; seri máy làm đất và chăm sóc mía (máy phay băm lá và gốc mía PBL-2, máy bạt gốc mía BG-1...); máy thu hoạch mía rải hàng, máy nâng mía; máy gặt ngô liên hợp; máy tẽ ngô; máy gieo lạc, đào lạc...

Trong những danh sách ấy, máy cấy MC-6-25 thì như đã biết hiện nay không còn tiêu thụ được trên thị trường, máy thu hoạch mía, máy nâng mía thì đang chạy thử nghiệm và nghiên cứu, máy tẽ ngô thì đã là sáng kiến quá cũ kỹ... Những loại máy khác trong danh sách đề tài nghiên cứu của VIAEP, đều gần như mất tăm trên thị trường.

Vì sao “chết yểu”?

Đánh giá chất lượng nghiên cứu về máy nông nghiệp của các nhà khoa học Việt Nam, “kỹ sư nông dân” Nguyễn Hữu Tùy (Ứng Hòa, Hà Nội) đúc kết: Chẳng phải các nhà khoa học của VN kém. Bằng chứng là chúng ta cũng đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công rất nhiều mẫu máy, như máy gặt đập liên hợp, máy cấy, máy gieo đậu tương, máy thu hoạch ngô – lạc... có khả năng ứng dụng không thua kém gì máy Trung Quốc. Thế nhưng đáng buồn là sau khi chạy thử, lại không thể ra thị trường.

Theo ông Tùy, điều này có nguyên nhân cơ bản là ngành cơ khí SX phụ tùng, linh kiện đi kèm của VN rất yếu. “Máy nghiên cứu ra rồi, nhưng không có đơn vị SX linh kiện, phụ tùng hàng loạt thì cũng chịu. Muốn ra được sản phẩm, công nghiệp cơ khí chế tạo phải đi trước một bước. Mà để có những dây chuyền SX linh kiện cho những sản phẩm như máy gặt đập, phải có NM đồ sộ như NM SX xe tăng, làm được từ con ốc tới cái bánh đai, dao cắt... trở lên chứ chẳng đùa! Việc đó lại phải là một câu chuyện khác của ngành công nghiệp” – ông Tùy đánh giá.

TS Chu Văn Thiện – Viện trưởng VIAEP dẫn chứng thêm: Khó khăn lớn nhất để đưa các kết quả nghiên cứu ra ứng dụng đó là mặt bằng công nghệ chế tạo hiện nay rất thấp. Đơn cử như máy cấy, máy GĐLH... thực ra VIAEP nghiên cứu thành công từ lâu, nhưng cái khó khi đưa các mẫu linh kiện đi đặt hàng, các đơn vị cơ khí chế tạo đều không SX được các linh kiện phức tạp, hoặc SX được linh kiện đơn giản thì giá thành rất cao, độ bền rất kém.

Thế nên hiện nay các linh kiện quan trọng của máy cấy, máy GĐLH như trục quay, tay cấy, động cơ, bánh xích, hộp số... chúng ta đều phải NK nên càng thiếu đồng bộ, máy hay hỏng, giá thành bị đội lên nên lại càng khó khăn.

Cái gì cũng dở dở, ương ương

Ở một khía cạnh khác, TS Đoàn Xuân Thìn – Phó Tổng thư ký Hội Cơ khí nông nghiệp VN cho rằng, nguyên do khiến cho những công trình nghiên cứu về máy nông nghiệp của VN lâu nay luôn dở dang, “chết yểu” là bởi việc kế tục, cải tiến và hoàn thiện của các đề tài nghiên cứu gần như không có. Điều này xuất phát từ căn bệnh của cơ chế nghiên cứu khoa học cứng nhắc hiện nay.

Từng công tác ở VIAEP trước đây, TS Thìn lấy dẫn chứng: Máy GĐLH thực ra VN (mà cụ thể chính là VIAEP) đã bắt tay nghiên cứu từ năm 1980. Tới khoảng năm 1990, mặc dù còn có khá nhiều nhược điểm nhưng máy GĐLH cũng đã được đưa ra chạy thử nghiệm thành công trên ruộng khô. Đúng lúc đang cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến chức năng, thì oái oăm là thời gian thực hiện đề tài, kinh phí hết.

Về sau, nhiều nông dân ĐBSCL cải tiến mỗi người một kiểu nên nhược điểm chung là máy chạy không ổn định, tỉ lệ thất thoát cao, chức năng đơn điệu, kén địa hình, hỏng rất nhanh, mỗi lúc hỏng thì rất vất vả do phụ tùng không có... Khi cơn bão máy giá rẻ TQ, máy Nhật, máy Hàn Quốc tràn vào những năm gần đây thì các máy này gần như nằm đắp chiếu.

“Sau khi đề tài nghiên cứu máy GĐLH đầu tiên chấm dứt, nhiều người tiếc rẻ, muốn xin tiếp đề tài để hoàn thiện mẫu máy này, nhưng đâu có dễ, bởi cơ quan thẩm định đề tài họ bảo đề tài trùng lắp, có mỗi cái máy GĐLH mà cứ nghiên cứu mãi...? Ở nước ngoài, người ta nghiên cứu một cái máy có khi cả đời. Thậm chí đời cha nghiên cứu dở, tới đời con mới hoàn thiện được. Còn ở ta, cơ chế xin – cho đề tài như thế nên chẳng có ai theo cái máy nào được cả đời, khiến cái gì cũng dở dở ương ương” – ông Thìn nói.

+ Phải cởi trói!

“Nếu không cởi trói về cơ chế tài chính, sẽ khó mà cựa quậy được để có thể nghiên cứu ra được sản phẩm hoàn thiện. Nghiên cứu khác xây dựng cơ bản, bởi nó phát sinh liên tục trong quá trình thực hiện, nhưng cơ chế hiện nay đâu có thể bổ sung kinh phí giữa chừng được?

Theo tôi, cần phải chuyển sang cơ chế khoán tài chính cho đề tài. Theo đó, chỉ đánh giá sản phẩm nghiên cứu cuối cùng, còn kinh phí được giao, phải để cho các đơn vị nghiên cứu tự chủ điều chỉnh sử dụng trong quá trình thực hiện.

Đồng thời, cơ chế nghiên cứu phải cho phép thực hiện kế tục đề tài theo các pha, các bước mới có thể theo đuổi sản phẩm tới khi hoàn thiện cuối cùng (hiện VIAEP đang kiến nghị áp dụng đối với máy thu hoạch mía)”.

(TS Chu Văn Thiện – Viện trưởng VIAEP)

+ Còn đâu thời “trâu đỏ ăn gà”?

“Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà – câu nói một thời chỉ cái sự “oách” của dân cơ khí nông nghiệp, dù chỉ là anh lái máy cày. Thế mà bây giờ, thử hỏi những tiến sĩ, giáo sư ở các viện nghiên cứu, có ai còn động lực để làm việc không?

Những ông chủ cơ sở SX máy cày tư nhân như tôi, nghiên cứu ra máy là có động lực, có tiền, đời tôi không hưởng thì đời con tôi hưởng"

(“Kỹ sư nông dân” Nguyễn Văn Tùy)

+ “Trước đây, chúng ta từng có cả một hệ thống quản lí nhà nước bài bản về máy nông nghiệp, bây giờ chỉ còn lại Trung tâm Kiểm định máy (Cục chế biến, thương mại NLTS& Nghề muối), nhưng thực tế ai thích kiểm định thì kiểm định, ai không thích cũng chẳng sao. Máy móc nông nghiệp NK, có cả hàng cũ, hàng “bãi” hiện nay tràn vào VN như thác, rồi tới các cơ sở SX máy tư nhân cũng chẳng cơ quan nào giám sát chất lượng”.

(TS Đoàn Xuân Thìn – Phó Tổng thư ký Hội cơ khí nông nghiệp VN)

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm