| Hotline: 0983.970.780

Khôi 'khùng' làm trang trại

Thứ Hai 02/05/2016 , 07:15 (GMT+7)

Ở TP Hồ Chí Minh, ông Khôi làm giám đốc Cty vận tải đang ăn lên làm ra thì vứt bỏ tất cả về Quảng Nam làm trang trại. Đôi bàn tay của ông đã khiến đồi hoang “đẻ” tiền tỷ.

Trên khoảng đất đó, ông trồng quế, cây ăn quả, đào ao thả cá làm khu du lịch sinh thái. Điều ông đang hướng tới sẽ khép kín nguồn thực phẩm, cây ăn trái sạch để phục vụ du khách đến đây nghỉ dưỡng.

Ra đi và trở về

Tình cờ một lần về xã Bình Lâm (huyện Hiệp Đức, Quảng Nam), tôi được người bạn giới thiệu: Ở vùng đất “khỉ ho cò gáy” này có một khu du lịch sinh thái hấp dẫn lắm.

Ông chủ trang trại này sở hữu đồi quế 20.000 cây, gần 20 năm tuổi. Phía dưới hồ nước mênh mông, bốn bề cây ăn quả ra trái quanh năm.

Mặc dù mới bước đầu triển khai nhưng cũng níu giữ được chân du khách đến tham quan nhiều lắm. Nghe đâu, ông trước làm ăn giàu có ở TP Hồ Chí Minh nhưng lại bỏ về làm trang trại. Cũng vì thế mà bạn bè, người thân gán cho ông cái tên Khôi "khùng".

Nghe chuyện là thế nhưng chẳng biết thực hư ra sao khiến tôi tò mò. Từ trung tâm xã Bình Lâm, qua cung đường bê tông ngoằn ngoèo, tôi đến trang trại của ông ở thôn Hội Tường. Đến đầu cổng có tấm biển khu du lịch sinh thái Vạn Phúc, hàng loạt ô tô con đậu chật đường, phía trong du khách ngồi ăn nhậu, nói chuyện rôm rả.

Tìm hỏi chủ trang trại, một người đàn ông mặc bộ áo quần đã đã bạc màu ra tiếp đón. Mở lời được trò chuyện, ông đáp: “Anh chờ tôi tý, hôm nay cuối tuần khách lên khu sinh thái nhiều quá”.

08-06-41_nh-1
Một góc khu trang trại sinh thái

Trời về chiều, khách bắt đầu thưa dần, ông mới có thời gian chuyện trò. Ông chủ trang trại này là Huỳnh Đăng Khôi (57 tuổi). Ông sinh ra ở vùng đất này, năm 1979 ông lên đường nhập ngũ tham gia chiến tranh biên giới phía Nam. Năm 1985, ông bị thương và về quê với thương tật 51%.

Tại quê nhà, ông được người dân tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm HTX. Đến năm 1991, ông nghỉ việc. Cuộc sống trông chờ vào mấy đám ruộng khoán, trong khi nuôi 3 đứa con. Ông nghĩ rằng, đời mình đã khổ, cứ bám vùng đất này, tương lai con cái sẽ nghèo đói, học hành chẳng đến đâu. Không còn cách nào phải giải thoát, tìm đến phố thị lập nghiệp.

Nói xong, ông bán nhà cửa, ruộng vườn cả gia đình vào TP Hồ Chí Minh kiếm sống. Ngày đặt chân đến đây, gia đình ra khu nghĩa địa gần chùa Tế Độ, phường 11, quận Gò Vấp dựng lều sinh sống.

Hằng ngày, ông đi làm thuê, hết thợ hồ, đến đạp xích lô. Tất thảy 5 người trồng chờ vào đồng tiền ông kiếm được, do đó đói, khổ cứ bám riết mãi. Cứ tiếp tục đà này, gia đình ông nghèo đòi vẫn đeo bám, con cái thất học.

Ông tìm kế sinh nhai bằng nghề mới, ông đến các khu công nghiệp, xưởng may thu mua vải vụn về bán lại. Cứ ít thành nhiều, nghề buôn vải cho ông được ít tiền.

Ông mua đất làm nhà và cho các con đến trường. Nhưng đánh dấu cái thời ăn nên làm ra là vào những năm 90, thế kỷ trước, trào lưu giới trẻ mặc áo in hình ca sĩ, cầu thủ bóng đá nổi tiếng xuất hiện, ông chuyển nghề. Ông tự mày mò học hỏi, ông mua áo quần về rồi in, sau đó đi bỏ mối.

08-06-41_nh-2
Vườn quế hơn 20 tuổi có giá trị 1,5 tỷ đồng

08-06-41_nh-3
Ông Khôi bên cây quế cổ thụ

Bắt nhịp với thời cuộc, ông giàu có từ đây. Hết thời in áo, ông mở Cty vận tải Ngọc Linh, hàng chục xe container nhận vận chuyển hàng hóa. Khi biết được sự thành công của ông, chính quyền địa phương kêu gọi con em về quê đầu tư.

Năm 2000, ông khăn gói trở về nhận thầu 10 ha đất ở thôn Hội Tường khai hoang mở trang trại. Ngày đó, trên đồi cây cối trọc lọc, phía dưới sình lầy, cây cỏ mọc um tùm. Ông trồng 20.000 cây quế, sau 2 năm vật lộn với mảnh đất cằn cỗi, quế phủ xanh đồi núi, ông thuê người trông coi trở lại TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều hành Cty vận tải.

“Đến năm 2013, tôi quyết định rời bỏ công việc ở TP Hồ Chí Minh về quê làm trang trại du lịch sinh thái. Khu đất 10 ha, trong đó 4 ha quế, còn lại tôi tận dụng vùng sình lầy thuê xe, máy múc đào hồ nuôi cá. Tôi đổ hết 4 tỷ đồng vào đây rồi mới có được như vậy.

Vườn quế thương lái trả 1,5 tỷ đồng nhưng tôi không bán, hàng năm chỉ bán lá, đồng thời khai thác vỏ quế chiết dầu kiếm hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, du khách đến tham quan có nhu cầu ăn uống tôi tự túc được. Cá bắt dưới hồ lên, gà nuôi trong vườn, trừ chi phí còn lãi vài chục triệu/tháng”, ông Khôi chia sẻ.

Trái cây ba miền hội tụ

Điều tôi ấn tượng về trang trại của ông là vườn cây ăn quả, ở đây từ bưởi Năm Roi, da xanh, mãng cầu, măng cụt, sầu riêng, xoài của miền Nam. Bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn, cam Vinh được ông du nhập về. Có hàng ngàn cây ăn quả được ông trồng tại đây, mỗi năm thu hoạch hàng chục triệu đồng.

Ông Khôi bộc bạch: "Mới bước đầu nên chưa có doanh thu cao, nhưng chừng 3 năm nữa chúng ra quả thì nguồn thu lớn. Cái gì mình cũng làm được nên chi phí sẽ rẻ hơn nhiều".

Tôi bảo: "Cây ở miền Bắc và miền Nam trồng ở đây khó cho quả lắm". Ông cười: Chẳng có gì là khó hết, nó ra quả hay không là do mình hết. Không có cây trái nào về đây mà không đẻ quả".

08-06-41_nh-5
Học hỏi trên mạng, ông áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho trang trại

Ông nói thêm: “Tôi chưa biết gì về nông nghiệp, nhưng xã hội bây giờ kiến thức đầy rẫy trên mạng. Cái gì không biết mở máy tính ra tìm hiểu, chẳng khó khăn gì”. Hóa ra những kiến thức ông có được đều nhờ trên mạng. Từ ghép cây, đến ép cây ra quả ông nhờ máy tính dạy.

“Cây giống tôi không cần đi xa, lên mạng tìm hiểu rồi đặt hàng họ đem về tận nơi. Hôm qua mới nhận 50 cây bưởi và 200 cây dừa. Thời đại này cái gì cũng dễ lắm”, ông bày tỏ.

Ông Trần Đoàn Minh Hiệp, Chủ tịch UBND xã Bình Lâm cho hay, đây là một mô hình mới, là điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế. Ngoài việc phát huy tiềm năng, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn, mô hình còn giải quyết công ăn, việc làm ổn định cho một số lao động ở địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, gia đình anh Khôi tích cực đóng góp, ủng hộ các hoạt động, phong trào của địa phương.

Hiện ông Khôi đang thực hiện dự án sản xuất từ cây đến con ở trang trại để phục vụ du khách. Ông bảo rằng: "Càng ngày người ở phố thích tìm về nông thôn giải trí. Tôi đi tắt đón đầu để thực hiện. Đầu tư vào nông nghiệp thu lời không phải ngày một, ngày hai mà cả một quá trình.

Tôi nhẩm tính, trồng một cây dừa mất chừng 3 năm cho quả. Ngoài thị trường người ta bán quả mấy chục ngàn, nhưng tôi khép kín được đầu vào, chỉ bán 10.000 đồng cũng có lời. Một cây khoảng 50 quả, cũng có 500.000 ngàn đồng. Trong khi trồng 500 cây, cũng có khối tiền rồi".

Để thuần phục những giống cây từ các vùng khác đem về, ông bắt đầu chiết ghép. Như cây bưởi, thân cây ông lấy giống địa phương và bắt đầu ghép cành các giống bưởi ở miền Bắc và miền Nam vào. Ông lý lẽ rằng: Cây bản địa sẽ phù hợp khí hậu thổ nhưỡng để nuôi cành, lá ngoại lai, cách làm này chắc chắn sẽ cho kết quả tốt.

Hay như chuyện tưới nước tiết kiệm, ông mua ống nước, máy bơm về rồi lên mạng học hỏi. Tất cả khu vườn cây ăn quả, ông chỉ việc cắm điện thì nước tưới cho hàng trăm cây. Theo ông Khôi, cái gì không biết thì mình học hỏi, cứ lên mạng, gọi điện các nhà chuyên gia sẽ hiểu biết được hết.

“Nhiều lúc tôi khác người ta lắm, đất đai ở đây bà con trồng keo còn mình trồng quế, cây ăn quả. Cái nào họ chưa làm thì mình làm mới có giá, còn chạy theo phong trào dễ đổ vỡ lắm”, ông Khôi tâm sự.

08-06-41_nh-6
Cây ăn quả được trồng khắp khu trang trại

Chào ông ra về, ông chốt lại câu chuyện lấy làm tự hào rằng: “Tôi ra đi và trở về quê hương đầu tư vào nông nghiệp không có gì hối tiếc. Ngày ở TP Hồ Chí Minh, tôi đã nuôi ba người con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện hai đứa con gái đi du học Mỹ, ra trường ở lại làm việc bên đó. Người con trai làm bác sĩ ở TP Hồ Chí Minh. Niềm hạnh phúc đó được nhân đôi khi trang trại sinh thái này ngày càng thu hút được nhiều du khách...”.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất