| Hotline: 0983.970.780

Khốn đốn vì sắn

Thứ Hai 20/02/2012 , 09:52 (GMT+7)

Mưa kéo dài 5 ngày liên tiếp, thậm chí có thể còn mưa nữa khiến sắn ở các xã của huyện Đồng Xuân, TX Sông Cầu và huyện Sơn Hòa thuộc tỉnh Phú Yên bị thâm đen, nhũn thối...

Hàng chục tấn sắn củ nạo bốc vỏ ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) gặp mưa bị thâm đen

Đến các xã của huyện Đồng Xuân, TX Sông Cầu và huyện Sơn Hòa thuộc tỉnh Phú Yên những ngày này, đâu đâu cũng thấy cảnh sắn xắt lát phơi ngổn ngang bên đường thối nhũn dưới trời mưa tầm tã.

Tại các xã Xuân Quang 3, Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), hàng trăm tấn sắn củ nạo bóc vỏ nằm la liệt hai bên đường đã bị thâm đen, cạnh đó những sân sắn xắt lát đã phơi 2- 3 nắng gặp mưa kéo dài bị thối nhũn. Chị Nguyễn Thị Dung, ở xã Xuân Quang 3 đang làm thuê nạo bóc vỏ củ sắn cho một đại lý tâm sự: “Tôi nạo bóc vỏ một tấn sắn củ là 12.000 đồng, ngồi cả ngày làm còng lưng được 100.000 đồng”.

Đã 3 ngày qua, số công nhân làm việc tại đây từ 5-7 người, số lượng sắn củ đã nạo bóc vỏ nằm la liệt ngoài sân phơi có đến hàng chục tấn. Theo  kinh nghiệm người dân nơi đây, thông thường sắn củ nạo bóc vỏ bị mưa ướt 3 ngày bắt đầu mốc, thâm đen. Riêng sắn xắt lát, loại sắn cao sản hàm lượng tinh bột nhiều nên gặp mưa 4 ngày là thối. Đến thời điểm hiện nay mưa kéo dài 5 ngày liên tiếp, theo dự báo thời tiết, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới nên mưa vẫn còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tơi.

Ông Nguyễn Văn Tâm, một đại lý mua sắn củ về xắt lát phơi khô ở xã Xuân Quang 3 cho biết: “Sắn xắt lát phơi khô “ăn” mạnh nhất qua cảng Quy Nhơn (Bình Định). Năm ngoái có thời điểm giá sắn tăng cao nhưng tư thương không có bán. Năm nay tôi mua sắn củ về xắt lát phơi khô trữ, không ngờ gặp mưa nằm la liệt hai bên đường”.

Từ đầu vụ đến nay, Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân luôn trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày có trên 150 xe tải (ước tính hơn 1.500 tấn nguyên liệu sắn) từ các tỉnh Gia Lai, Bình Định và các huyện Sơn Hòa, Tuy An chở về nhà máy, trong khi đó công suất nhà máy chỉ đạt 700 tấn nguyên liệu/ngày. Do quá nhiều sắn thu hoạch cùng lúc đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Nhiều xe sắn vận chuyển về nhà máy đã 2- 3 ngày nhưng vẫn chưa nhập được.

Ông Huỳnh Văn Đồng, Phó Giám đốc Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân cho biết, hiện nay đang là mùa thu hoạch rộ, nông dân đồng loạt thu hoạch sắn cùng một lúc đã dẫn đến tình trạng sắn củ không tiêu thụ hết, nhà máy rà soát vùng nguyên liệu cấp lệnh cho dân thu hoạch.

Hiện tại Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân mua nguyên liệu với giá 1.660 đồng/kg tại nhà máy (đạt 30 độ bột) , trong khi đó tư thương hỏi mua xô 1.400-1.500 đồng/kg tại ruộng (tùy theo xa gần đường vận chuyển), như vậy tính chi phí vận chuyển thì bán tại ruộng vẫn lãi mà không phải chầu chực vì thế nông dân đổ xô thu hoạch sắn.

“Cả gia đình chỉ trông chờ thu hoạch vụ sắn lấy tiền trang trải cuộc sống. Mưa gió thế này, chừng 2 ngày nữa là sắn thối hết"- chị Nguyễn Thị Tâm (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) buồn bã, thở dài...

Rẫy của ông Trần Chát ở thôn Hảo Danh, xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu) sắn củ phơi la liệt đã hư thối, ông Chát buồn rầu ngồi lựa củ sắn nào còn cứng chặt phơi, hòng vớt vát công chăm sóc: “Đợt mưa này tôi mất hơn 1 tấn sắn củ, mới thu hoạch đại lý chưa kịp cân thì gặp mưa liên tiếp 3 ngày”. Ông Chát tính bán số sắn này trả tiền mua phân bón nợ trước đây nhưng cuối cùng nợ vẫn hoàn nợ.

Trông đợi vào gần tấn sắn mới thu hoạch cũng đã tiêu tan với ông Ma Bưng, ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa). Ông Bưng trồng 1 ha sắn rẫy, vừa qua ông thuê 15 công thu hoạch băm phơi, sắn mới phơi 2 nắng thì gặp mưa hư thối toàn bộ. Các khoản chi phí khác chưa trả được thì nay “lâm” nợ thêm tiền công thu hoạch. Ông Bưng cứ ngồi lỳ bên rẫy sắn không muốn về vì luyến tiếc.

Dọc theo trục đường phí Tây Phú Yên, từ xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) đến xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) và các xã thuộc huyện Sông Hinh, nông dân thu hoach sắn xắt lát ước tính đến hàng trăm tấn phơi chưa kịp khô thì gặp mưa nên đổ đầy trước hiên nhà và cả phòng khách cũng hết “sức chứa”. Nhiều gia đình thu hoạch nhiều, gặp mưa không có chỗ phơi đành tủ bạt nilon chờ trời nắng.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm