| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 11/01/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 11/01/2018

Không đúng với hàm nghĩa mà GS Vũ Minh Giang đã nói!

Ngày 9/1, một báo điện tử có đăng bài phỏng vấn và dẫn lại lời GS Vũ Minh Giang, để “giật tít”: “Môn Toán rất quan trọng nhưng không dạy học trò lòng yêu nước!”. Dư luận xôn xao.

Có đúng GS Vũ Minh Giang nói mang hàm nghĩa như vậy không?

16-39-01_mon_ton_giup_hoc_sinh_hinh_thnh_tu_duy_ky_nng_logic
Môn Toán giúp học sinh hình thành tư duy, kỹ năng logic (Ảnh minh họa)

Theo như bài báo, thì sau khi phân tích, khẳng định tầm quan trọng của môn lịch sử, GS Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh: “Môn Toán rất quan trọng nhưng không dạy học trò lòng yêu nước!” và “Môn Vật lý cũng rất quan trọng nhưng lại không dạy ý thức dân tộc… Chỉ có Lịch sử là dạy về lòng yêu nước và dung dưỡng ý thức dân tộc”.

Nếu quả thật, chỉ có câu trả lời phỏng vấn đúng như vậy, thì những ý kiến so sánh này mang tính cực đoan, và điều quan trọng là nó dễ gây ra cách nhìn nhận lệch lạc, không đúng cho người đọc. Nhất là người phát biểu lại là một vị giáo sư có chuyên môn và uy tín cao trong giới sử học. Luật Giáo dục đã nêu: “Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Điều này có ý nghĩa là, chương trình dạy và học ở phổ thông, có nhiều môn học như môn Toán hay Vật lý và các môn học khác, tuy không trực tiếp dạy học sinh về lòng yêu nước, nhưng lại giúp hình thành những kỹ năng, tư duy sáng tạo cho học sinh. Và các môn học này có mục đích nhằm giúp học sinh trở thành những con người, những công dân toàn diện, năng động, với đầy đủ tư cách và ý thức trách nhiệm của công dân.

Chẳng hạn, môn Toán, Vật lý sẽ góp phần giúp học sinh sau này có thể tư duy, có kỹ năng để tham gia vào thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế. Chúng ta muốn đất nước đi lên, muốn xây dựng quốc gia khởi nghiệp thì phải có những con người sáng tạo và do đó Toán học, Vật lý phổ thông đã khơi gợi sự sáng tạo, và những kỹ năng cần thiết cho học sinh.

Còn lòng yêu nước, ban đầu là tình cảm tự nhiên của mỗi con người khi sinh ra, rồi sau đó được nuôi dưỡng, phát triển bằng những bài học ở trường, ở lớp, từ cuộc sống cho đến khi trưởng thành. Nó giúp đào tạo học sinh trở nên những công dân có đầy đủ kỹ năng trong cuộc sống - đấy cũng chính là yêu nước, là xây dựng ý thức dân tộc.

Qua trao đổi với GS Vũ Minh Giang, GS Giang có trả lời rằng ông nói nguyên văn: “Môn lịch sử là môn học có chức năng dạy lòng yêu nước, ý thức dân tộc qua những bài học truyền thống của cha ông. Mỗi môn học có chức năng chủ đạo riêng…”.

Như vậy, việc “giật tít” bài báo như đã nêu ở phần trên, thiếu từ “chức năng”, là không đúng với hàm nghĩa mà GS Vũ Minh Giang đã nói.