Được Nhà nước giao quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên trữ lượng than, bôxít và các khoáng sản khác của quốc gia với nhiều ưu đãi, nhưng hàng loạt dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã bị phanh phui các vấn đề đội vốn, chậm tiến độ, thậm chí có những dự án phải tạm dừng. Chỉ mỗi việc đào khoáng sản lên bán nhưng TKV đang trở thành cục nợ khổng lồ.
Hàng loạt dự án nghìn tỷ sa lầy
Theo báo cáo kết quả thanh tra TKV năm 2015 mà Thanh tra Bộ Tài chính vừa công bố, tổng nợ phải trả của TKV lên tới 100.343 tỷ đồng (bao gồm 37.609 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 62.734 tỷ đồng nợ dài hạn). Nguyên nhân được chỉ ra nhiều nhưng tập trung tại các dự án đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng của đơn vị này.
Phối cảnh trụ sở mới Vinacomin ở Quảng Ninh
Điệp khúc đội vốn, chậm tiến độ diễn ra nhan nhản ở các dự án lớn. Tính đến thời điểm 30/6/2016, TKV đang quản lý 448 dự án, tổng mức đầu tư được phê duyệt là 205.861 tỷ đồng, có 321 dự án đang triển khai với tổng vốn là 189.157 tỷ đồng. Trong số này có tới 48 dự án với tổng mức đầu tư hơn 97.506 tỷ đồng không đạt tiến độ thực hiện theo các quyết định đầu tư đã phê duyệt trong đó Công ty mẹ - Tập đoàn 43 dự án, tổng mức đầu tư 92.618 tỷ đồng; Tổng công ty Khoáng sản TKV có 5 dự án tổng mức đầu tư hơn 4.888 tỷ đồng.
Điển hình trong số đó là dự án Khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm III, Công ty than Khe Chàm được phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư 2.768 tỷ đồng nhưng sau phải điều chỉnh tăng 2 lần lên 5.345 tỷ đồng, chậm tiến độ 5 năm.
Dự án Khu liên hợp gang thép Lào Cai khởi công năm 2009 với tổng mức đầu tư phê duyệt là 1.499 tỷ đồng nhưng sau phải điều chỉnh lên 1.955 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án đang tạm dừng thực hiện để tiến hành điều chỉnh mục tiêu, quy mô của dự án.
Dự án Khai thác mở rộng và nâng công suất khu mỏ - tuyển đồng Sin Quyền - Lào Cai do Tổng công ty Khoáng sản TKV làm chủ đầu tư chậm tiến độ 2 năm, và vốn đầu tư cũng phải điều chỉnh 4 lần từ 1.003 tỷ đồng lên 2.564 tỷ đồng. Nguyên nhân được chỉ ra là do nâng công suất và có sự thay đổi lớn trong chính sách của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư...
Tổ hợp bauxit - nhôm Lâm Đồng có tổng mức đầu tư theo phê duyệt là 7.787,5 tỷ đồng, thực hiện 2006-2009. Tuy nhiên, dự án này đã phải điều chỉnh tổng mức đầu tư 4 lần lên gần gấp đôi 15.414,4 tỷ đồng. Thời gian bị chậm 4 năm so với phê duyệt lần đầu. Nguyên nhân điều chỉnh là do tăng công suất từ 600.000 tấn lên 650 nghìn tấn alumin/năm, do thay đổi công nghệ, do Nhà nước thay đổi chính sách thuế, tiền lương, đền bù giải phóng mặt bằng… Sau 3 năm đi vào hoạt động, dự án này lỗ khoảng 3.696 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ được đầu tư theo quyết định phê duyệt năm 2007 với tổng mức đầu tư 3.285 tỷ đồng (tương đương 205,3 triệu USD). Qua 2 lần điều chỉnh, vốn đầu tư tăng lên khoảng 5 lần lên 16.821 tỷ đồng, chậm tiến độ 6 năm so với phê duyệt ban đầu. Trong thời gian triển khai, dự án này phải dừng 2 năm để đánh giá lại hiệu quả thi công do nhà thầu Trung Quốc và nhập khẩu vật tư, thiết bị cho dự án tăng do tỷ giá thay đổi…
Báo cáo Thanh tra cũng chỉ ra rằng, TKV và các đơn vị thành viên có 14 dự án với tổng mức đầu tư 6.773 tỷ đồng phải dừng thực hiện.
Điển hình là Dự án đầu tư Cảng Kê Gà với tổng mức đầu tư phê duyệt là 3.768 tỷ đồng. Dự án này triển khai từ tháng 6/2011 với chi phí chuẩn bị đầu tư 28,9 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có dự án Nhà máy nhiệt điện Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi chi phí đầu tư đã bỏ ra 14,78 tỷ đồng; Dự án Trạm biến áp và đường dây cao thế 110kV tại Công ty luyện đồng Lào Cai; Dự án Khu liên hợp Gang thép Lào Cai chi phí đã thực hiện giải ngân 134 tỷ đồng; Dự án Đầu tư cải tạo nâng cao chất lượng Nhà máy kẽm Thái Nguyên với chi phí nghiệm thu và thanh toán 96,5 tỷ đồng...
Đầu tư thua lỗ hàng trăm tỷ đồng
Không chỉ sa lầy ở các dự án lớn, kết quả thanh tra cũng chỉ ra những vấn đề đầu tư nhức nhối khiến TKV lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Tính tại thời điểm 31/12/2015, TKV đầu tư hơn 15.729 tỷ đồng vào 59 công ty, bao gồm 49 công ty con, 7 công ty liên doanh, liên kết và 3 công ty khác. Trong số này có 9 công ty kinh doanh thua lỗ số tiền hơn 592 tỷ đồng trong năm 2015 và tính lũy kế đến 31/12/2015 thì có 11 công ty lỗ hơn 1.407 tỷ đồng.
TKV và các đơn vị thành viên có 48 dự án với tổng mức đầu tư 97.506 tỷ đồng đều không đạt tiến độ
Điển hình là Tổng công ty Điện lực - Vinacomin lỗ hơn 828 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá ngoại tệ lớn (từ năm 2005 đến 2015 hơn 3.043 tỷ đồng) nhưng chưa được tính hết trong cơ cấu giá bán điện. Ngoài ra còn có Cty CP Vận tải thủy - Vinacomin lỗ 139 tỷ đồng; Cty Cromit Cổ Định Thanh Hóa - TKV lỗ 115 tỷ đồng; Cty Đóng tàu Sông Ninh - Vinacomin lỗ 90 tỷ đồng; Cty liên doanh Aluminna (Campuchia - Việt Nam) lỗ 69 tỷ đồng; Cty CP Than Tây Nam Đá Mài - Vinacomin lỗ gần 70 tỷ đồng và Cty CP Sắt Thạch Khê lỗ hơn 17 tỷ đồng.
Theo báo cáo, các đơn vị thành viên bao gồm Tổng công ty Khoáng sản TKV cũng có khoản đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm 31/12/2015 hơn 720 tỷ đồng vào 18 công ty. Trong số này có 11 công ty có lãi gần 72 tỷ đồng nhưng 7 công ty còn lại thua lỗ lên tới hơn 124 tỷ đồng trong năm 2015. Tính lũy kế đến hết 2015, 12 công ty lỗ tới hơn 284 tỷ đồng.
Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV cũng đầu tư tài chính dài hạn 514 tỷ đồng vào 12 công ty. Tại thời điểm 31/12/2015, có 3 công ty kinh doanh lỗ lũy kế hơn 265 tỷ đồng.
Đến thời điểm thanh tra, Tập đoàn đã thoái vốn Nhà nước tại 13/17 đơn vị nhưng vẫn còn 11,04 tỷ đồng góp vốn vào Quỹ đầu tư BIDV - Partner; 48 tỷ đồng đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà; 39 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đại lý Hàng Hải; 76 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Vận tải thủy.
Chưa hết, TKV cũng chưa thực hiện chuyển nhượng vốn góp ở nước ngoài tại 3 đơn vị. Trong đó, góp vốn đầu tư 55,8 tỷ đồng tại Campuchia nhưng dự án này đã dừng triển khai và được giải thể trong năm 2016. Với Liên doanh Alumina (Campuchia) và Sắt Phu Nhuon, Muối - Hóa chất (Lào), TKV đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt hình thức tái cơ cấu theo hướng chuyển nhượng để thu hồi vốn hoặc giải thể đối với các dự án đã hết hạn thăm dò và không được gia hạn giấy phép theo quy định của nước sở tại.
Mặc dù ngập ngụa trong nợ, nhưng hiện TKV đang xây 2 trụ sở làm việc tại Hà Nội và Quảng Ninh. Trong đó, dự án trụ sở tại Hà Nội được phê duyệt năm 2012, có tổng mức đầu tư 3.771 tỷ đồng, quy mô gồm 35 tầng nổi, 2 tầng kỹ thuật và 5 tầng hầm. Trụ sở tại Quảng Ninh có tổng mức đầu tư 964,7 tỷ đồng, gồm 21 tầng nổi, 1 tầng lửng, 1 tum và 2 tầng hầm. Thời gian thực hiện từ năm 2011 - 2017. |