Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3/2025 ước tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,5% và tăng 5,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,7% và tăng 4,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9,9% và tăng 6,6%; ngành khai khoáng tăng 0,5% và giảm 0,5%.
Ước tính quý I/2025, chỉ số IIP tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 2,2%; khai khoáng giảm 5,4%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3/2025 ước tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong quý I năm nay, một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá cao so với cùng kỳ như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 44,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 15,5%; dệt tăng 14,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 13,4%; sản xuất kim loại tăng 12,3%; sản xuất trang phục tăng 7,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 18,7%.
Bên cạnh đó, một số ngành giảm so với cùng kỳ: Sản xuất thiết bị điện giảm 7,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 7,2%; in, sao chụp bản ghi giảm 3,6%; sản xuất phương tiện vận tải giảm 1,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 0,9%.
Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước đến cuối tháng 3/2025 tăng 0,5% so với cuối tháng trước và tăng 0,6% so với cùng thời điểm năm trước. Ước tính quý I/2025, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,4% so với quý I/2024, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,5%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 3,9%; khu vực Nhà nước giảm 0,7%.
Chia theo ngành kinh tế: Lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo tăng 0,5% (trong đó sản xuất máy móc, thiết bị tăng 32,2%; sản xuất trang phục tăng 6,7%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 4,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 4,1%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tương đương quý trước; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,4%; ngành khai khoáng giảm 33,6%.
Hà Nội tập trung phát triển các động lực tăng trưởng mới, toàn diện. Thành phố cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với những nội dung trọng tâm trước mắt cũng như dài hạn như: Phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là trên 50%, tức là khoảng 150.000/210.000 doanh nghiệp đang hoạt động; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao năng lực sản xuất; phát triển hơn 200 đơn vị được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế sáng tạo, phấn đấu 2025, tỉ trọng kinh tế số của Hà Nội đạt trên 20 tỷ USD (năm 2024 là 14 tỷ USD).
Thành phố cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đặc biệt là triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024 để sớm hiện thực hóa những chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy quá trình phát triển Thủ đô bền vững. Bên cạnh đó, Thành phố tập trung hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần tổng kết Nghị quyết số 18, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp; hướng tới mục tiêu xây dựng “chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc".