Ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp |
Kim ngạch XK dự kiến cán mốc 8 tỉ USD, tỉ lệ trồng rừng SX đạt 100% trong năm 2017; tình hình vi phạm lâm luật giảm mạnh; đầu tư của DN và người dân vào ngành lâm nghiệp ngày càng tăng mạnh... Lâm nghiệp đang hướng gần tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
XK nhắm đích 8 tỉ USD
Theo ông Trị, 2017 là năm mà ngành lâm nghiệp có nhiều sự kiện quan trọng, đặc biệt là Luật Lâm nghiệp vừa được Quốc hội thông qua và sẽ được Chủ tịch nước ký sắc lệnh công bố trong ít ngày nữa. Luật đã phản ánh được toàn diện định hướng cho ngành lâm nghiệp trong giai đoạn tới, và sẽ là tiền đề mở ra điều kiện mới cho sự phát triển của ngành.
Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp năm 2017 cũng đã ghi nhận những kết quả ở những chỉ tiêu cụ thể. XK gỗ và lâm sản ngoài gỗ đến thời điểm này ước đạt 7,2 tỉ USD, dự kiến đến hết năm 2017 sẽ đạt khoảng 7,8 đến 8 tỉ USD (vượt khoảng 10% so với kế hoạch đặt ra khoảng 7,6 tỉ USD). Trong khi đó, NK của nhóm ngành hàng này lại rất thấp, đến thời điểm này mới chỉ khoảng 1,8 tỉ USD nên thặng dư thương mại là rất lớn.
Về độ che phủ rừng, năm 2011, tỉ lệ mới đạt 39,7% thì đến năm 2016 đã đạt 41,19% và dự kiến sẽ nâng lên 41,45% trong năm 2017. Đây là điều hết sức phấn phấn khởi, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt thì việc nâng được độ che phủ rừng chính là giải pháp hiệu quả nhất để ứng phó. Bên cạnh đó, công tác quản lí bảo vệ rừng (QLBVR) tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát hiện trên 14.500 vụ vi phạm, với diện tích thiệt hại khoảng 1.400 ha. So với giai đoạn trước, đã giảm được khoảng 70% diện tích thiệt hại và trên 20% số vụ vi phạm. 2017 cũng là năm rất thuận lợi cho công tác trồng rừng. Đến thời điểm này, cả nước đã trồng mới thêm được gần 200 nghìn ha rừng, trong đó chỉ tiêu về trồng rừng SX gần như đạt 100%...
Ảnh: Lê Bền |
Điểm đáng mừng nữa trong năm nay, đó là Việt Nam đã ký tắt được Hiệp định đối tác tự nguyện với Liên minh Châu Âu, dự kiến năm 2018 sẽ được chính thức phê duyệt. Đây sẽ là cơ hội rất lớn mở cửa cho lâm sản Việt Nam vào thị trường EU trong giai đoạn tới... |
Năm 2017, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) dành cho ngành lâm nghiệp cũng đã có chuyển biến hết sức tích cực, với tổng cộng đến thời điểm này đã đạt khoảng 1.650 tỉ đồng, dự kiến sẽ đạt 1.700 tỉ đồng tới hết năm. Điểm nỗ lực của ngành lâm nghiệp năm nay đó là đã thu được DVMTR một cách triệt để, không còn tình trạng nợ đọng, đồng thời đã ký thêm được một số hợp đồng với các đơn vị sử dụng DVMTR. Đây là nguồn lực vô cùng có ý nghĩa trong bối cảnh đầu tư của nhà nước cho ngành lâm nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Quản chặt chuyển đổi đất rừng
Thời gian qua, dư luận xã hội hết sức bức xúc về một số vụ việc chuyển đổi đất lâm nghiệp sang các dự án, thậm chí xây biệt thự nhà vườn... Luật Lâm nghiệp 2017 cũng vừa cho phép UBND cấp huyện được phép quyết định thu hồi rừng. Nhiều ý kiến ái ngại, tình trạng chuyển đổi đất rừng sẽ ngày càng phức tạp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Một trong những quan điểm cơ bản của ngành Lâm nghiệp hiện nay, đó là phải bằng mọi giá giữ chặt được những diện tích rừng tự nhiên hiện có. Không để tình trạng các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng xâm phạm vào đất rừng tự nhiên. Hiện nay, đang có tới 46 địa phương đề xuất lên Bộ NN-PTNT xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, với con số lên tới 2.817 dự án và diện tích xin chuyển đổi trên 131 nghìn ha.
Đây là con số rất lớn, và quan điểm của Bộ là sẽ phải xem xét kỹ, chi tiết tới từng dự án một. Chỉ những dự án thực sự cần thiết như mục đích quốc phòng an ninh, công trình công cộng hay dự án kinh tế thực sự cấp thiết cho địa phương mới cho phép chuyển đổi...
Đối với Luật Lâm nghiệp, có trao cho cấp huyện được phép thu hồi chuyển đổi đất rừng ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, Luật cũng đã quy định rất rõ chính quyền nào, địa phương nào để xẩy ra mất rừng, phá rừng thì chủ tịch UBND cấp đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Hiện nay, với định hướng một Chính phủ kiến tạo, tôi cho rằng không nhất thiết cái gì cũng đưa lên Trung ương, nên việc phân cấp để dễ quản lí hơn là điều hợp lí, chứ không phải tạo điều kiện dễ dãi hơn, bởi ai làm sai thì còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Lâm nghiệp đang khẳng định vị thế của một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước |
Một trong những mục tiêu quan trọng của ngành lâm nghiệp là làm sao người làm nghề rừng phải sống được nhờ rừng. Tuy nhiên, người làm nghề rừng hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn. Những giải pháp nào trong giai đoạn tới để cải thiện sinh kế cho họ?
Cùng với các giải pháp tổng thể nhằm tạo thêm sinh kế về lâm sản ngoài gỗ, nâng cao giá trị gia tăng cho trên 3 triệu ha rừng SX để tăng thu nhập cho người lầm nghề rừng, thì nguồn thu từ các giá trị khác mà rừng mang lại, nhất là các DVMTR đang còn rất nhiều dư địa và sẽ là nguồn lực quan trọng.
Hiện nay, nguồn thu từ DVMTR mới chỉ chủ yếu từ thủy điện. Tới đây, ngành lâm nghiệp trước hết sẽ khai thác nguồn thu từ nhiều nguồn khác, trước mắt là từ các Khu công nghiệp, các NM, các cơ sở nuôi trồng thủy sản, các DN cung ứng nước sạch đô thị, các cơ sở kinh doanh du lịch... Ngay cả đối với nguồn thu từ thủy điện, mặc dù thời gian qua mức chi trả DVMTR đã được tăng lên tới 36 đồng/KWh điện, nhưng giá trị đóng góp thực tế cho thủy điện từ rừng còn cao hơn nhiều nên tới đây, sẽ phải tiếp tục nghiên cứu, đề nghị tiếp tục tăng lên... Bên cạnh đó, việc triển khai bán chứng chỉ cac-bon mặc dù là vấn đề dài hơi, nhưng đây cũng là nguồn thu hết sức lớn mà ngành lâm nghiệp đang hướng tới.
Xin cảm ơn ông và chúc cho ngành lâm nghiệp ngày càng gặt hái thêm nhiều thành quả!
Lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ở các tỉnh miền núi, nhất là Trung du MNPB trong những năm gần đây không khỏi khiến dư luận cho rằng nguyên nhân do chất lượng rừng suy giảm, thưa ông? Tôi không cho rằng chất lượng rừng và công tác QLBVR ở các tỉnh miền núi không có tiến bộ trong thời gian qua. Năm 2016, cả nước phát hiện khoảng 19 vụ vi phạm, làm mất trên 4.300 ha rừng.Năm nay thì chỉ còn khoảng 15 nghìn vụ vi phạm, với khoảng 1.400 ha rừng bị mất. Nếu so với giai đoạn trước thì diện tích rừng thiệt hại đã giảm khoảng 70%, số vụ vi phạm giảm trên 22%. Ở đâu đó vẫn còn những vụ phá rừng, tuy nhiên đã đều đã được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lí nghiêm, nhất là năm 2017 đã có rất nhiều vụ vi phạm bị đưa ra khởi tố. Tôi cho rằng, công tác bảo vệ phát triển rừng hiện nay đã gần tiệm cận với yêu cầu của thực tiễn. Hiện nay, cùng với Đề án 886 năm 2017 của Chính phủ về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, ngành lâm nghiệp đang đặt trọng tâm thực hiện quyết liệt, hiệu quả các đề án khác về công tác bảo vệ phát triển rừng như Đề án bảo vệ rừng ven biển, Đề án bảo vệ rừng Tây Bắc và đang xây dựng Đề án bảo vệ rừng Tây Nguyên. Với những công tác trọng tâm này, độ che phủ và chất lượng rừng ở những khu vực xung yếu sẽ ngày càng được cải thiện hơn nữa trong thời gian tới. |