Tổng quan về thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với gỗ và đồ gỗ từ Việt Nam
Theo thông báo của Nhà Trắng ngày 2/4/2025 về chính sách thuế đối ứng toàn cầu, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh áp dụng thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại. Chính sách này nằm trong khuôn khổ chiến lược thương mại nhằm bảo vệ ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ và giảm thâm hụt thương mại.

Ngành gỗ Việt Nam gặp khó sau khi Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới (Ảnh minh họa).
Theo báo cáo của USTR “2025 National Trade Estimate Report on Foreign Trade Barriers” (31/03/2025) trong đó liệt kê các rào cản thương mại và chính sách thuế áp dụng cho Việt Nam; thông báo của DOC “Notice of Imposition of Countervailing Tariffs on Vietnamese Timber Products” (03/04/2025) và thông báo khởi xướng điều tra Mục 232; theo đó, các sản phẩm gỗ và đồ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam kịch bản áp thuế cơ bản với hai nhóm chính:
- Nhóm 1: Gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ sơ chế (mức thuế cơ bản 10% có thể áp dụng từ 09/4/2025; hoặc có thể áp dụng tối đa mức 46% tùy mã HS do Hoa kỳ sẽ công bố). Mã HS (Hệ thống Hài hòa) từ 4401 đến 4413. Danh mục chi tiết:
▪ Gỗ nhiên liệu (HS 4401): Dăm gỗ, viên nén gỗ, mùn cưa, than củi.
▪ Gỗ tròn (HS 4403): Gỗ chưa qua chế biến (log).
▪ Gỗ xẻ (HS 4407): Gỗ đã xẻ thành tấm, thanh hoặc ván mỏng.
▪ Ván gỗ (HS 4410-4413): Ván dăm (particle board), ván sợi (fiberboard), ván ép (plywood), veneer.
Theo thông báo của DOC ngày 03/04/2025, “Notice of Imposition of Countervailing Tariffs on Vietnamese Timber Products,” xác nhận mức thuế 46% áp dụng ngay lập tức nhằm hạn chế nhập khẩu gỗ giá rẻ từ Việt Nam, vốn cạnh tranh với ngành khai thác gỗ nội địa Hoa Kỳ.
Gỗ nguyên liệu (HS 4401-4413): nếu bị áp mức thuế tối đa 46%, chi phí xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng thêm khoảng 184 triệu USD/năm (theo đánh giá của Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm), sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của ván ép Việt Nam so với hầu hết các nước, như Malaysia (thuế tối đa 24%), Thái Lan (thuế tối đa 37%), và Indonesia (thuế tối đa 32%).
- Nhóm 2: Sản phẩm gỗ chế biến có Mã HS từ 4414 đến 4421 và đồ nội thất thuộc Chương 94 chưa xác định mức thuế đối ứng (chờ điều tra an ninh quốc gia), mức thuế này phụ thuộc vào kết quả điều tra theo Mục 232, dự kiến hoàn tất điều tra vào tháng 12/2025 (sau 270 ngày từ 02/04/2025); nhưng cũng có thể chịu mức thuế cơ bản 10% từ 09/4/2025. Danh mục chi tiết:
- Đồ nội thất (Chương 94): Bàn, ghế, giường, tủ, kệ gỗ (nội thất gia đình, văn phòng, ngoài trời).
- Sản phẩm gỗ xây dựng (HS 4418): Cửa gỗ, khung cửa, sàn gỗ, ván ốp tường/trần.
- Sản phẩm gỗ khác (HS 4414-4421): Khung tranh, hộp gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ từ gỗ.
Quy định điều tra Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại 1962 cho phép Tổng thống áp thuế nếu DOC kết luận hàng nhập khẩu đe dọa an ninh quốc gia. DOC đã khởi xướng điều tra Mục 232 ngày 02/04/2025 đối với sản phẩm gỗ chế biến. USTR dự kiến mở phiên điều trần công khai vào ngày 15/04/2025 để lấy ý kiến từ các bên liên quan (dự kiến thông báo trên Federal Register ngày 05/04/2025).
Kết quả điều tra sẽ công bố trước ngày 28/12/2025; sau đó chính quyền Trump sẽ quyết định mức thuế cuối cùng (theo báo cáo USTR ngày 31/03/2025, nếu kết luận có đe dọa an ninh quốc gia từ nhập khẩu gỗ chế biến, mức thuế dự kiến từ 46% trở lên và được áp dụng từ đầu năm 2026).
Sản phẩm gỗ chế biến (HS 4414-4421, và Chương 94): giá trị xuất khẩu trên 4 tỷ USD trong 3 tháng đầu 2025, chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm đáng kể.
Giải pháp thích ứng của Việt Nam trong ngắn hạn
Tuyên bố áp dụng thuế đối ứng của Tổng thống Trump không chỉ đơn thuần là quyết sách kinh tế, liệu pháp thương mại cân bằng, mà còn là giải pháp động lực nhằm hướng tới thực hiện quyết tâm chính trị “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Các doanh nghiệp gỗ Việt đang tiếp tục chờ diễn biến tình hình cho đến khi có quyết định thuế quan cuối cùng, chủ động và tự cường thích ứng linh hoạt (Ảnh minh họa).
Nhìn từ phương diện khoa học kinh tế, có vẻ như chính sách này thường thay đổi bất ngờ như khi nó được công bố, tùy thuộc vào sự hiệp thương của các đối tác và ý chí của chính quyền ông Trump. Với kinh nghiệm của Việt Nam trong nhiều thập niên hội nhập thị trường quốc tế, tôi cho rằng chúng ta có nhiều điều kiện để ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ với hợp tác nguyên tắc Win - Win, trong đó thể hiện ở một số điểm nhấn sau:
Một là, Việt Nam phải tích cực đàm phán với Mỹ về thuế quan bằng tổng hợp các động thái kinh tế và ngoại giao tích cực, thể hiện thông điệp rõ ràng về sự linh hoạt trong chính sách của quốc gia, thể hiện sự hiểu biết và tầm nhìn chiến lược, hợp tác lâu dài, giải tỏa bất đồng với tư cách là đối tác của Mỹ, nhưng cũng nên cân nhắc một số thỏa thuận và điều chỉnh để tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ và cải thiện cơ chế đầu tư, thương mại hướng tới thương mại cân bằng.
Ngoài ra, theo báo cáo USTR ngày 31/03/2025 khuyến nghị Việt Nam cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ (Timber Legality Assurance System) để tránh lo ngại về gỗ bất hợp pháp nhập vào Việt Nam, nhất là từ các quốc gia láng giềng và tái xuất sang Mỹ.
Hai là, doanh nghiệp chủ động, vững vàng thích ứng với các diễn biến bất thường.
Các doanh nghiệp đang tiếp tục chờ diễn biến tình hình cho đến khi có quyết định thuế quan cuối cùng, chủ động và tự cường thích ứng linh hoạt. Hiện nay, có lẽ ngay cả các doanh nghiệp FDI cũng chưa bàn đến sự chuyển dịch đầu tư khỏi Việt Nam. Doanh nghiệp xuất khẩu giá trị lớn cần trực tiếp hoặc thông qua các hiệp hội ngành để giải trình, thúc đẩy miễn trừ, tăng cường chia sẻ thông tin, hợp tác với các đối tác, khách hàng để tham vấn và vận động chính sách.
Các sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hầu hết không được sản xuất tại Mỹ và tương lai do ngành này vẫn yêu cầu nhiều lao động, nên khó có khả năng tái phát triển tại Mỹ. Do vậy, Mỹ vẫn nhập khẩu sản phẩm gỗ và đồ gỗ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để giảm chi phí chuỗi cung, giữ được lợi thế cạnh tranh với các nước khác đang xuất khẩu các mặt hàng này vào Mỹ.
Ba là, Việt Nam đã có hệ thống doanh nghiệp với cơ sở hạ tầng và quản trị chuỗi tiếp cận trình độ và thông lệ quốc tế, kỹ năng của lao động chuyên nghiệp trong ngành gỗ; cùng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đang có dư địa chuyển hướng sang thị trường thay thế thị trường Mỹ, như mở rộng thị trường Nhật Bản, Canada, Úc, Trung Đông, các nước ASEAN,... nơi có mức thuế thấp hoặc không có thuế quan.
Bốn là, đẩy nhanh nỗ lực khai thác thị trường tiêu dùng nội địa với trên 100 triệu dân, tốc độ xây dựng các cơ sở hạ tầng, dịch vụ đang phát triển nhanh của Việt Nam, nhu cầu sản phẩm gỗ đang tăng lên về số lượng, yêu cầu cao hơn về chất lượng, nên giá trị hàng hóa tăng nhanh và ngày càng chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu thị trường của ngành hàng này, cần có cơ chế khuyến khích “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.