| Hotline: 0983.970.780

Lộc biển đầu năm

Thứ Năm 10/02/2011 , 09:40 (GMT+7)

Vì mưu sinh, không năm nào họ được ăn Tết cổ truyền dưới mái ấm gia đình, bên những người thân. Tết của họ ở trên biển, giữa muôn trùng sóng nước.

Vì mưu sinh, không năm nào họ được ăn Tết cổ truyền dưới mái ấm gia đình, bên những người thân. Tết của họ ở trên biển, giữa muôn trùng sóng nước. Tết của họ là những đêm thả câu dính được nhiều cá để khi cập bờ tàu nào cũng khẳm be, đầy ắp niềm vui đầu năm. Đó là nét đặc thù của những ngư dân câu cá ngừ đại dương.

Nụ cười của biển

Bình Định hiện có trên 8.000 tàu thuyền hành nghề đánh bắt hải sản trên biển, non nửa trong đó là tàu đánh bắt xa bờ, chủ yếu là nghề câu cá ngừ đại dương. Mùa câu cá ngừ đại dương kéo dài từ tháng mười năm trước đến tháng tư (ÂL) năm sau. Với ngư dân hành nghề này, “1 ngày làm 1 tháng ăn, 1 tháng làm 1 năm ăn” nên đến vụ là họ bám biển, kể cả những ngày Tết cổ truyền. Năm nay là năm thứ 2 nghề câu cá ngừ đại dương ở Bình Định ăn được “lộc biển”, câu đâu dính đó.

Thường thì mỗi chuyến biển của những chiếc tàu chuyên câu cá ngừ đại dương kéo dài cả tháng trời, thế nhưng năm nay mới chỉ 20 ngày là tàu đã khẳm be, phải cập bờ để bán cá. Đã được mùa, năm nay cá ngừ đại dương được cả giá. Vào thời điểm này năm ngoái, giá cá ngừ đại dương chỉ đứng giá từ 80.000đ đến 130.000đ/kg mà ngư dân đã phấn khởi, năm nay giá tăng đến 180.000đ/kg, niềm phấn khởi của ngư dân được nhân đôi.

Chị Dự, chủ cơ sở thu mua cá ngừ đại dương Minh Duyên ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho biết: “Năm nay hầu hết các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương là bạn hàng của cơ sở đều bội thu, có tàu thu nhập 400- 500 triệu đồng/chuyến”. Anh Trương Cường ở thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), chủ chiếc tàu BĐ 95721 TS vừa cập vào cảng cá Tam Quan ngày mùng bốn Tết Tân Mão phấn khởi cho biết thêm: “Chuyến biển cuối năm Canh Dần tàu chúng tôi cập bờ vào giữa tháng Chạp, câu được 2 tấn cá, bán được 180.000đ/kg. Sau khi trừ phí tổn, mỗi người được chia 15 triệu đồng. Không kịp nghỉ ngơi, bán cá xong là vợ tôi tất bật chạy chợ sắm  sửa để tàu tiếp tục ra khơi kịp cập bến vào những ngày đầu năm mới. Nhờ “lộc biển”, chuyến này tàu chúng tôi câu được nhiều cá chẳng kém gì chuyến trước”.

Mùng sáu Tết Tân Mão, khi không khí Tết cổ truyền đã bắt đầu phai nhạt ở những địa phương khác thì tại cảng cá Tam Quan (Hoài Nhơn), Tết mới thực sự đến với những chiếc tàu vừa từ khơi xa trở về, tàu nào tàu nấy đều khẳm be với những con cá ngừ đại dương to tướng.

Tết trên muôn trùng sóng nước

Ngư dân Lê Văn Hà vừa rút tời kéo cá từ hầm lên boong tàu vừa vui vẻ kể chuyện ăn Tết trên biển: “Chẳng mấy khi cá ngừ đại dương được mùa được giá như năm nay nên chuyến biển cuối năm cập bờ đã cận Tết Nguyên đán nhưng chúng tôi không thể nấn ná ở nhà ăn Tết với gia đình mà phải ra khơi ngay, có mặt trên biển được ngày nào hay ngày ấy chứ mùa vụ câu cá ngừ đại dương chỉ có 6 tháng. Trước khi ra khơi chuyến cuối năm, tranh thủ những ngày nghỉ ngắn ngủi, cánh đàn ông làng chài cúng ông bà xong đưa vợ đi sắm Tết, thanh niên chưa vợ thì dắt người yêu đi chơi, sắm quà tặng. Để anh em đi bạn cũng được vui Tết như người trong bờ, trong chuyến biển vừa rồi ngoài lương thực, những chủ tàu còn mua thêm bia cùng đầy đủ bánh mức, trà, hoa quả và thuốc lá. Dù ở vùng biển nào, đến ngày 30 tháng Chạp và ngày mùng một tháng Giêng là chúng tôi ngưng hoạt động, tổ chức vui chơi trong suốt 2 ngày, đến ngày mùng hai chúng tôi mới tiếp tục bủa câu”.

Ông Nguyễn Hữu Hào- PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định phấn khởi cho biết: “Thời điểm này năm ngoái cá ngừ đại dương cũng được mùa nhưng lại mất giá, từ 130.000đ/kg nhanh chóng tuột xuống còn 80.000đ/kg. Thế nhưng năm nay, dù cá được mùa những giá vẫn ổn định cao, đây là tín hiệu vui đầu năm cho ngư dân hành nghề câu cá ngừ đại dương ở Bình Định”.
Trên những con sóng dập dềnh, đêm giao thừa, các nhóm, tổ tàu đánh cá trong cùng vùng biển bấm định vị để tìm đến nhau, cho tàu tập trung lại 1 điểm trên biển. Nếu biển êm, những chiếc tàu “bao Tết” (cách gọi của dân biển khi tàu không vào bờ ăn Tết) này cập mạn vào nhau, buộc dây chụm lại để ngư dân vui Tết “có xóm, có giềng”. Có tàu còn mang theo cả một chậu hoa mai để lấy sắc xuân. Đêm giao thừa và ngày mùng một Tết, hầu hết các tàu đều buông neo. Họ cũng “xông đất”, bước qua tàu láng giềng để trao bao lì xì, chúc nhau năm mới được mùa. Những chuyến biển thường ngày ít ai đem theo tiền bởi không có hoạt động mua bán gì trên biển, nhưng trong chuyến biển “bao Tết”, họ đều đem theo tiền để lì xì chúc Tết.

Đặc biệt trong dịp này, các chủ tàu thường thưởng “nóng” cho những người đi bạn để khuyến khích thành quả lao động của họ. Sau những lời chúc, họ quây quần lại với những ly rượu đầu năm. Họ vui vầy, ca hát vang biển trời rồi kéo nhau “dạo Tết” trên những tàu láng giềng. Nếu sóng lớn, những con tàu không cập mạn được, họ chúc Tết qua bộ đàm: “Chúc mừng năm mới!”. Tàu nào cũng bật máy nghe, rồi thi nhau hát mỗi tàu một bài. Họ ăn Tết trên muôn trùng sóng nước, giữa biển trời mênh mông. Dù không được sum vầy trong mái ấm gia đình nhưng cái tình gắn bó của những người “ăn đằng sóng, nói đằng gió” cũng đủ làm ấm lòng những ngư dân nơi khơi xa.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm