| Hotline: 0983.970.780

Lợi thế vùng ven trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Ba 27/12/2016 , 08:15 (GMT+7)

Châu Thành là huyện vùng ven, cửa ngõ vào TP Rạch Giá, trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Kiên Giang. Huyện có vị trí thuận lợi tạo động lực đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM.

16-18-54_1-voi-loi-the-vung-ven-chu-thnh-thu-hut-du-tu-cong-nghiep-gii-quyet-viec-lm-tng-thu-nhp-to-dong-luc-de-huyen-dy-nhnh-qu-trinh-xy-dung-ntm
Với lợi thế vùng ven, Châu Thành thu hút đầu tư công nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực để huyện đẩy nhanh xây dựng NTM
 

Châu Thành là huyện vùng ven, cửa ngõ vào TP Rạch Giá, trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Kiên Giang. Huyện có vị trí thuận lợi về giao thông, giao thương hàng hóa, phát triển công nghiệp chế biến, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM.
 

Vị trí đắc địa

Huyện Châu Thành chỉ cách trung tâm TP Rạch Giá hơn chục km, thuận lợi về giao thương nên nhiều doanh nghiệp quyết định chọn nơi đây để đầu tư. Hiện trên địa bàn huyện có 2 khu công nghiệp lớn là Cảng cá Tắc Cậu và Khu công nghiệp Thạnh Lộc.

Cảng cá Tắc Cậu gồm dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến thủy sản xuất khẩu với gần 30 nhà máy. Khu công nghiệp Thạnh Lộc với nhiều nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương giải quyết tốt tiêu chí việc làm và tăng thu nhập trong xây dựng NTM.

Đưa nhà máy công nghiệp về nông thôn, sẽ giúp cho hàng chục ngàn lao động ở địa phương và các vùng lân cận có việc làm, thu nhập ổn định. Và quan trọng hơn là họ không phải xa nhà, rời bỏ làng quê. Sáng đi làm công nhân, chiều tan ca về nhà vẫn có thể chăm sóc ruộng, vườn.

Anh Trần Thanh Mẫn, từng đi Bình Dương làm công nhân nay về quê làm việc trong Khu công nghiệp Thạnh Lộc tâm sự: “Nhà đông anh em nhưng chỉ có mấy công ruộng nên cuộc sống khó khăn, tôi xin đi làm công nhân ở Bình Dương để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Nhưng chi phí ở đô thị cái gì cũng đắt đỏ nên tiền lương dư ra chẳng còn bao nhiêu.

Vì vậy, khi nghe ở quê có nhà máy tôi liền xin về làm việc, được ở nhà, ăn uống cùng với cha mẹ nên tích lũy được nhiều tiền hơn. Ở nông thôn mà mỗi tháng được lãnh lương 4-5 triệu đồng thì còn gì bằng, tiêu pha thoải mái”.

Ông Danh Thuận, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc cho biết, nhờ có khu công nghiệp mà lao động địa phương được giải quyết việc làm khá nhiều. Trước đây, trung bình mỗi năm có khoảng 200 lao động lên xã xin xác nhận hồ sơ đi làm việc xa nhà. Từ khi các nhà máy đi vào hoạt động, chỉ hơn nửa năm mà xã đã xác nhận trên 400 hồ sơ xin việc.

Theo ông Thuận, xã ông được chọn để xây dựng khu công nghiệp, là cơ hội tốt để người dân có việc làm, tăng thu nhập, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã mới chỉ đạt 16 triệu đồng/người.

Nhưng chắc chắn năm nay sẽ tăng cao vì nhiều thanh niên được tuyển dụng vào làm công nhân, có thu nhập ổn định cao hơn hẳn làm ruộng. Mỗi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, giúp họ có thu nhập tốt theo đúng chủ trương của Chính phủ là “ly nông bất ly hương”, tạo điều kiện xây dựng NTM.
 

Tăng tốc về đích

Kết thúc giai đoạn 2015-2016, huyện Châu Thành có 1 xã đạt chuẩn NTM là xã Mong Thọ A, 3 xã đạt 16 tiêu chí, 5 xã còn lại đạt từ 10-14 tiêu chí, còn bình quân đạt 14,5 tiêu chí/xã, cao hơn so với mức bình quân chung của tỉnh.

16-18-54_2-nh-my-gn-nh-nguoi-lo-dong-ly-nong-bt-ly-huong-sng-lm-cong-nhn-chieu-ve-chm-soc-ruong-vuon-gop-phn-xy-dung-ntm
Nhà máy gần nhà, người lao động “ly nông bất ly hương”, sáng làm công nhân, chiều về chăm sóc ruộng vườn, góp phần xây dựng NTM
 

Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã tăng nhiều nhất là 11 tiêu chí, xã thấp nhất là 5 tiêu chí. Ông Lê Quốc Việt, Trưởng phòng NN-PTNT Châu Thành cho biết, năm 2016 thêm xã Mong Thọ hoàn thành 19 tiêu chí, đang chờ hội đồng thẩm định của tỉnh xét duyệt, thông qua.

Về kế hoạch xây dựng huyện NTM, ông Việt cho biết, phải sau năm 2020 huyện mới có thể hoàn thành. Vì theo dự kiến, mỗi năm huyện có ít nhất 1 xã đạt chuẩn NTM, thì đến cuối giai đoạn 2 mới có 6/9 xã hoàn thành, các xã còn lại phấn đấu đạt từ 17 tiêu chí trở lên.

Trong giai đoạn 2, huyện tập trung hoàn thiện các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống dân cư nông thôn như giao thông, điện, nước, trường học, kiên cố hóa kênh mương, trạm bơm điện… Từ đó, tạo điều kiện cho các xã hoàn thành chương trình xây dựng NTM theo phân kỳ từng năm.

Cụ thể như sau: Mong Thọ (năm 2016), Mong Thọ B và Giục Tượng (2017), Vĩnh Hòa Hiệp (2019), Vĩnh Hòa Phú (2019), Minh Hòa (2020). Sau năm 2020 là An Bình và Thạnh Lộc, 100% xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, khi đó huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM.

Mục tiêu mà Châu Thành phấn đấu là đến năm 2020 sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn với mức thu nhập đạt 60 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 2 lần 2015), tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5-2%/năm theo chuẩn hộ nghèo mới (đa chiều), tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 85%, giải quyết việc làm từ 2.000 – 2.500 lao động/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, ...

Để đảm bảo đạt mục tiêu đề ra, Châu Thành có kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 với khoảng 592 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương trực tiếp và lồng ghép 99,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương 237,7 tỷ đồng, vốn tín dụng 175 tỷ đồng, huy động trong dân 60 tỷ đồng (gồm tiền mặt, ngày công và hiến đất) và vốn xã hội hóa 20 tỷ đồng.

Bí thư Huyện ủy Châu Thành Nguyễn Văn Sạch chỉ đạo: “Cả hệ thống chính trị của huyện, xã phải vào cuộc, quyết tâm phấn đấu hoàn thành Chương trình MTQG xây dựng NTM theo kế hoạch đã đề ra.

Tuy nhiên cách làm của Châu Thành là không nóng vội, không chạy theo thành tích, không huy động quá sức dân, không để nợ đọng ngoài kế hoạch; kết hợp hài hòa giữa ưu tiên chỉ đạo điểm theo từng năm và đẩy mạnh triển khai trên diện rộng. Tập trung thực hiện chương trình theo từng tiêu chí, từng nội dung cụ thể phù hợp với điều kiện của từng địa phương”.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.