Xây nhà cao cửa rộng nhờ trồng quất cảnh
Gần 100 năm về trước, vùng đất Hợp Lý, Hợp Tiến (Triệu Sơn, Thanh Hóa) là nơi di cư đến của nhiều người dân Hà Nam, Nam Định. Họ mang theo nghề truyền thống trồng cây cảnh của ông cha để lập nghiệp trên miền đất hứa. Cũng từ dạo ấy đến nay, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nghề trồng cây cảnh đã và đang giúp sức cho nhiều nông dân bản địa làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
10 năm trở lại đây, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, làng cây cảnh Hợp Lý lại tưng bừng như mở hội. Người người thức xuyên đêm trên những cánh đồng trắng ánh điện để bốc hàng, bán cho thương lái. Người thì tự tìm cách chở cây cảnh lên phố, để kịp phiên chợ sớm.
Nhận thấy nhu cầu chơi cây cảnh dịp Tết ngày càng tăng, cách đây hơn 10 năm anh Lê Đăng Duân (thôn 3, xã Hợp Tiến) đã mạnh dạn thuê thầu đất của một số hộ dân trong xã, cải tạo và làm vùng trồng quất cảnh trên diện tích 1,7 héc ta.

Nghề trồng quất giúp gia đình anh Duân xây cất được căn nhà kiên cố, khang trang. Ảnh: Quốc Toản.
Ban đầu, việc trồng quất cảnh với anh Duân không hề dễ dàng. Chủ vườn quất phải tiêu tốn khá nhiều thời gian, tiền bạc để học nghề và tìm hiểu thực tế tại các nhà vườn. Theo anh Duân, làm nghề trồng quất cảnh không chỉ cần có sức khỏe tốt mà đòi hỏi nông dân phải am hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc, để sản phẩm khi bán ra thị trường phải có dáng đẹp, quả chín vàng đều, tán lá xanh tươi, nhiều lộc.
“Việc chăm sóc thường kéo dài suốt từ đầu năm, đến cuối năm, nhưng quan trọng nhất là giai đoạn bắt hoa, tạo quả. Do đặc trưng khí hậu tại Thanh Hóa bị ảnh hưởng bởi gió Lào nên nền nhiệt thường cao hơn so với một số tỉnh phía Bắc. Do đó, nhà vườn phải lưu ý thời tiết, khí hậu để chăm bón cây ra hoa, đậu quả đúng dịp Tết”, anh Duân cho biết.
Theo anh Duân năm nay giá quất cao hơn từ 10-20% so với năm ngoái do nhu cầu thị trường tăng cao. Dịp Tết Ất Tỵ 2025, vườn quất của gia đình anh Duân tiêu thụ hơn 1.200 cây. Sau khi trừ chi phí, anh Duân thu lãi khoảng 700-800 triệu đồng. Hiện nay, quất Hợp Tiến đã xuất bán nhiều tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng và một số tỉnh phía Bắc.

Nghề trồng quất đã và đang tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người dân tại huyện Triệu Sơn. Ảnh: Hà Anh.
Nhờ thu nhập cao từ việc trồng quất, chỉ sau 2 vụ lãi lớn, gia đình anh Duân đã xây cất được căn nhà trị giá 1,6 tỷ đồng với nhiều nội thất tiện nghi sang trọng.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách, những năm gần đây, ngoài việc trồng quất trực tiếp trên đất, anh Duân và nhiều hộ dân khác trong xã còn cải tiến và sáng tạo nên những cây quất thế được trồng trong chậu, quất bonsai…

Vườn cây cảnh của gia đình ông Lộc trị giá cả tỷ đồng. Ảnh: Quốc Toản.
Cũng nhờ phát huy tốt nghề truyền thống trồng của cha ông, vườn cây cảnh rộng hơn 2 héc ta với hơn 3.000 gốc của ông Đào Duy Lộc (thôn Nội Sơn, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) mỗi năm mang lại cho gia đình thu nhập từ 400-500 triệu đồng.
Vườn cây cảnh bonsai của ông Lộc thuộc diện nổi tiếng trong giới chơi cây cảnh Thanh Hóa nhờ sở hữu nhiều loại cây với dáng, thế đẹp và thuộc hàng cổ thụ như sanh, tùng la hán, lộc vừng, vạn tuế...
Theo ông Lộc: "Những năm trước, người dân trong xã phải nhập các giống cây cảnh từ Nam Định, Thái Bình, nhưng nay do tích lũy được kinh nghiệm, nông dân đã tự nhân được giống cây cảnh để cung cấp cho các địa phương khác. Trồng cây cảnh không sợ ế hàng bởi giá trị của cây thường được đo bằng thời gian. Thu nhập bình quân của các hộ trồng cây cảnh khá cao, hộ đầu tư vốn ít, thu nhập thấp nhất cũng được vài chục triệu đồng mỗi năm, còn đối với những hộ có vốn đầu tư cao thì mỗi năm có thể cho thu nhập vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng”.
Để có vườn cây cảnh trị giá cả chục tỷ đồng, hơn 40 năm qua, người đàn ông này đã miệt mài chăm bón, kỳ công tạo tán, dáng thế độc lạ cho cây. Mỗi cây đều có dáng vẻ, tuổi đời và nét thẩm mỹ hấp dẫn khác nhau, do đó giá trị cũng khác nhau. Cây cảnh bonsai trong vườn ông Lộc có giá từ chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
Phát triển vùng chuyên canh cây cảnh lớn nhất tỉnh
Cán bộ Hà Văn Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến (Triệu Sơn, Thanh Hóa) là người địa phương nên hiểu khá rõ tập quán sản xuất của cư dân bản địa. Ông Ánh nhớ lại quá khứ "đáng quên" của xã vùng trũng huyện Triệu Sơn trước khi cây quất và cây cảnh du nhập vào địa phương: “Mười mấy năm trước, người dân địa phương ngoài làm lúa, trồng hoa màu thì không có nghề nào khác để tăng thu nhập. Bởi vậy, xã Hợp Tiến luôn nằm ở tốp xã nghèo nhất huyện”, ông Ánh chia sẻ.
Theo cán bộ Ánh, dù địa phương có diện tích đất nông nghiệp khá lớn thế nhưng suốt nhiều năm về trước, thu nhập của người dân vẫn phụ thuộc vào vài sào ruộng và hoa màu. Dù chính quyền và người dân xã đã đưa nhiều loại cây về địa phương để trồng thử nghiệm (bưởi, cam…) nhưng vì thổ nhưỡng không phù hợp, thị trường tiêu thụ bấp bênh nên hiệu quả không như kỳ vọng.
Cũng theo ông Ánh, từ khi quy hoạch và xây dựng vùng trồng cây quất cảnh song song với việc thành lập làng nghề, nghề truyền thống không chỉ giúp nhiều người dân trồng quất ở Hợp Tiến “đổi đời” mà còn góp phần cải thiện sinh kế thời vụ đối với hàng trăm lao động địa phương với các công việc như đúc chậu, chăm sóc quất và vận chuyển quất thuê…
“Hiện tại, xã Hợp Tiến có diện tích hơn 25 héc ta trồng quất và cây cảnh, trong đó diện tích trồng quất tập trung đạt 14,2 héc ta với khoảng 200 hộ tham gia trồng quất cảnh. Trước khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang nghề trồng quất, cây cảnh, thu nhập bình quân đầu người tại địa phương chỉ đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm, đến nay, con số này đã tăng lên gần 67 triệu đồng/người/năm.
Cùng với việc trồng quất, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn thử nghiệm mở dịch vụ tham quan trải nghiệm tại các vườn quất”, ông Ánh chia sẻ.

Nhiều hộ dân tại huyện Triệu Sơn giàu lên nhờ nghề trồng cây cảnh. Ảnh: Quốc Toản.
Ông Lê Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn khẳng định, việc phát triển vùng chuyên canh cây cảnh nói chung đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương. Để nhân rộng mô hình trồng cây cảnh trong thời tới, bên cạnh việc thực hiện tốt chính sách tích tụ đất đai, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí cho các chủ thể... huyện Triệu Sơn tiếp tục đẩy mạnh quảng bá hình ảnh vùng trồng truyền thống thông qua các hoạt động kết nối cung cầu (tổ chức hội chợ hoa đào; triển lãm sinh vật cảnh; số hóa thông tin làng nghề hoa cây cảnh; lập sàn giao dịch mua bán cây cảnh...) nhằm quảng bá hình ảnh đất và người cùng nét đẹp văn hóa, tiềm năng phát triển của huyện Triệu Sơn tới nhân dân và du khách
Cần phải nói thêm rằng, một trong những yếu tố góp phần tạo nên hiệu quả kinh tế và thương hiệu cây cảnh Triệu Sơn trong đến từ việc địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết của tỉnh Thanh Hóa về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.