20/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Hậu covid 19, từ năm 2021 đến nay phải khẳng định nền kinh tế cả nước và Hà Tĩnh gặp quá nhiều khó khăn, thách thức. Tác động rõ nét nhất thể hiện ở việc khối “đầu kéo” doanh nghiệp đóng cửa, phá sản, hoạt động “cầm hơi” tăng dần theo từng năm.
![ka7-094434_537.jpg Một góc huyện NTM Kỳ Anh nhìn từ trên cao. Ảnh: T.Nga.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/15/ka7-094434_537-155615.jpg)
Một góc huyện NTM Kỳ Anh nhìn từ trên cao. Ảnh: T.Nga.
Đối với huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, đặc thù “sinh sau đẻ muộn”, đời sống người dân có đến 7, 8 phần là nông dân nên việc bứt tốc và huy động sức dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành của ban lãnh đạo huyện vừa linh hoạt vừa chủ động, kết hợp tinh thần đoàn kết, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân nên 20/21 chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra trong năm hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra.
“Mặc dù không được thiên nhiên ưu đãi, điểm xuất phát thấp nhưng chúng tôi đã biến khó khăn thành động lực, được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, các nhiệm vụ liên quan đến các dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh như: Đền bù GPMB dự án cao tốc Bắc – Nam; dự án điện 500KV mạch 3; thành lập Thị trấn Kỳ Đồng; rà soát, phê duyệt bổ sung chính sách hỗ trợ, đền bù dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng… đều được thực hiện đảm bảo tiến độ, không xảy ra khiếu nại, khiếu kiện”, ông Nguyễn Quang Linh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh phấn khởi thông tin.
Theo ông, khối doanh nghiệp, HTX luôn được huyện xác định là “đầu kéo”, tuy có những đơn vị hoạt động cầm chừng nhưng cũng rất nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Trên tinh thần “có vào, có ra”, trong năm, toàn huyện thành lập mới được 45 doanh nghiệp, chi nhánh đại diện và 3 hợp tác xã; góp phần đưa tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 212 tỷ đồng, đạt 109,5% kế hoạch huyện giao và bằng 115,5% kế hoạch tỉnh giao.
![ka8-094632_307.jpg Nông nghiệp đóng vai trò đảm bảo sinh kế cho người dân toàn huyện. Ảnh: T.Nga.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/15/ka8-094632_307-155615.jpg)
Nông nghiệp đóng vai trò đảm bảo sinh kế cho người dân toàn huyện. Ảnh: T.Nga.
Đối với phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tổng giá trị ước đạt hơn 2.711 tỷ đồng, tăng 7,04% so với cùng kỳ, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người lên 55 triệu đồng/người/năm, tăng 11% so với năm 2023.
Lúc càng khó khăn, nông nghiệp càng đóng vai trò đảm bảo an sinh xã hội hiệu quả. Thông qua việc xây dựng nhiều giải pháp, sáng tạo trong cách làm, “cuộc cách mạng” tích tụ, chuyển đổi ruộng đất tiếp tục gặt hái thành công, với 5 vùng của 4 xã, tổng diện tích hơn 293 ha. Luỹ kế đến nay toàn huyện đã thực hiện tích tụ được trên 1.150 ha; trong đó 857 ha tích tụ năm 2022 và năm 2023, tổ chức lại sản xuất, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống chất lượng, cơ giới hóa, góp phần tăng năng suất đạt từ 58-60 tạ/ha, cao hơn 7-12% so với đại trà.
Ghi nhận tại cánh đồng hơn 60 ha ở thôn Phú Trung, xã Kỳ Phú cho thấy, hiệu quả công cuộc chuyển đổi ruộng đất này là cần thiết và rất đúng đắn. Từ 1.349 thửa, 200 hộ sản xuất, hậu tích tụ giảm xuống còn 108 thửa. Kết quả thu hoạch vụ xuân năm 2024 không chỉ tăng năng suất lên đạt hơn 60 tạ/sào mà còn giảm thời gian thu hoạch xuống 7-10 ngày so với sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, điều này giảm áp lực cho sản xuất vụ hè thu chạy lụt.
![ka3-093234_165.jpg Công cuộc tích tụ ruộng đất được triển khai hết sức mạnh mẽ. Ảnh: T.Nga.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/15/ka3-093234_165-155616.jpg)
Công cuộc tích tụ ruộng đất được triển khai hết sức mạnh mẽ. Ảnh: T.Nga.
Lãnh đạo xã Kỳ Phú đánh giá, việc phá bờ vùng, bờ thửa, hình thành các cánh đồng lớn đã tạo ra các thửa ruộng lớn bằng phẳng, đồng nhất; tạo vùng chuyên canh sản xuất tập trung, thuận lợi trong canh tác, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh; giúp giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người nông dân. Đồng thời, từng bước thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ, liên kết sản xuất với các hộ nông dân, THT, HTX, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, gắn với xây dựng NTM bền vững.
Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người 58,5 triệu đồng/năm
Bước sang năm 2025, năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, nhiệm vụ đặt ra khá nặng nề. Trong khi tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước, cả hệ thống chính trị tập trung thời gian thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, do đó, việc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra cần sự hỗ trợ chỉ đạo, tạo điều kiện từ các cấp Trung ương, tỉnh và nỗ lực, đồng hành của cấp xã, thôn và người dân.
![ka6-094415_784.jpg Góp phần tạo nên những cánh đồng lớn đồng nhất một giống, một quy trình sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: T.Nga.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/15/ka6-094415_784-155616.jpg)
Góp phần tạo nên những cánh đồng lớn đồng nhất một giống, một quy trình sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: T.Nga.
Cụ thể, năm nay, huyện Kỳ Anh phấn đấu đưa tổng giá trị sản phẩm theo giá hiện hành đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 100 triệu đồng/ha; thành lập mới 40 doanh nghiệp; thu ngân sách hơn 191 tỷ; thu nhập bình quân đầu người tăn lên đạt hơn 58,5 triệu đồng/người/năm.
Có ít nhất 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 5 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Giải pháp để hoàn thành các mục tiêu trên, trước hết tiếp tục ưu tiên thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất; tổ chức lại sản xuất lúa các vùng cánh đồng lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (máy cấy, gieo sạ, phun thuốc bằng máy bay), sản xuất cùng “1 giống, 1 thời vụ, 1 quy trình” gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu chứng nhận lúa gạo Kỳ Anh. Nhân rộng sản xuất lúa hữu cơ ở các xã Kỳ Khang, Kỳ Phú, Kỳ Phong, Kỳ Giang; dưa hấu tại xã Kỳ Tân. Đồng thời, nhân rộng một các mô hình sản xuất rau củ quả, cây dược liệu, dưa hấu, ổi, cam, chè hữu cơ,.. liên kết với Tập đoàn Quế Lâm; mở rộng diện tích trồng dứa liên kết với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Lĩnh vực chăn nuôi, sẽ trợ tháo gỡ khó khăn cho các dự án, trang trại, gia trại đầu tư mở rộng quy mô và hiện đại hóa công nghệ sản xuất; tiếp tục chương trình tuyển chọn đàn nái nền, phối giống bò chất lượng cao; nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn, mô hình chăn nuôi bò, mô hình nuôi gà hữu cơ.
Riêng thủy sản, “mạnh tay” xử lý các trường hợp vi phạm quy định IUU. Rà soát các vùng, hồ đập nuôi nước ngọt, hỗ trợ chuyển đổi phương thức nuôi quảng canh, bán thâm canh sang thâm canh các đối tượng có giá trị kinh tế cao gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư hạ tầng và tổ chức lại các vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ tập trung tại các xã Kỳ Thư, Kỳ Thọ, Kỳ Hải theo hướng nuôi thâm canh.
![ka4-093234_349.jpg Năm 2025, huyện Kỳ Anh tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất dứa. Cây trồng này hứa hẹn sẽ là cây chủ lực cho vùng thượng huyện. Ảnh: T.Nga.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/15/ka4-093234_349-155616.jpg)
Năm 2025, huyện Kỳ Anh tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất dứa. Cây trồng này hứa hẹn sẽ là cây chủ lực cho vùng thượng huyện. Ảnh: T.Nga.
Nội dung tiếp theo không kém phần quan trọng là xây dựng thị trấn Kỳ Đồng đạt chuẩn đô thị văn minh.
Ngoài ra, tiếp tục kêu gọi, thu hút xã hội hóa đầu tư, phát triển hạ tầng công nghiệp và thương mại đúng định hướng quy hoạch, theo hướng hiện đại. Trong đó tập trung hoàn thành các thủ tục, triển khai đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển thương mại tại đô thị Kỳ Đồng, khu du lịch biển Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang…
Sau cây lúa, năm 2024, từ định hướng của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh xúc tiến, kêu gọi Công ty Đồng Giao vào liên kết sản xuất, liên kết trồng được 92,5 ha dứa. Trong đó, 85,5 ha tại khu vực Ba Lầy, Cơ Tria, xã Kỳ Tây và 9 ha tại thôn Minh Châu, xã Lâm Hợp. Bước đầu, cây dứa sinh trưởng phát triển tốt, hứa hẹn sẽ là cây trồng chủ lực cho các xã vùng thượng huyện trong tương lai.