| Hotline: 0983.970.780

Lúa khát!

Thứ Năm 06/03/2014 , 10:41 (GMT+7)

Chưa bước vào cao điểm nắng gắt nhưng hàng trăm ha ruộng lúa ở Phú Yên đang chết khát vì thiếu nước tưới.

Hạn hán đến sớm khiến đời sống người dân trồng lúa khốn khó.

RUỘNG KHÔ, LÚA HÉO

Ruộng lúa ở xứ đồng Hốc Minh, đồng Giăng, Giếng Ao của xã An Nghiệp (huyện Tuy An, Phú Yên) đang thiếu nước trầm trọng, nhiều nông dân trần mình giữa nắng nóng tìm kiếm nguồn nước tưới lúa. Ông Trần Văn Thân, một người dân ở đây cho biết: “Gia đình có 2 sào lúa, cả tháng nay trời không mưa, lúa thì đang vào giai đoạn làm đòng, trổ bông có nguy cơ quên trổ vì thiếu nước. Những ngày qua, gia đình thay phiên nhau ra chặn suối bơm nước. Bơm riết suối khô nên vét giếng dưới suối bơm cũng không đủ nước. Còn nước trong ao cũng đã sạch, giờ không còn giọt nào”.

Tại cánh đồng Phần Muồn, Cây Khê, Cửa Vạn cũng của xã An Nghiệp, nông dân bỏ tiền khoan 27 giếng, thế nhưng vẫn không đủ nước tưới. Bà Mai Thị Hơn than thở: “Lúa ở đây bây giờ không có nước tưới. Thuê công khoan giếng thì giếng bơm không được một ngày là khô vì nước ngầm đứt mạch. Bây giờ cầu có nước bơm tráng qua chân ruộng để có độ ẩm. Mấy năm trước lúa hè thu hạn đã đành, còn năm nay lúa đông xuân sắp đến cũng bị háp do khi trổ thiếu nước”.

Trên cánh đồng Ông Tấn thuộc xã An Định (Tuy An) hiện một số hộ có ruộng gần khu dân cư thì mua ống nhựa để nối tải nước từ các giếng trong nhà ra đồng cứu lúa. Số diện tích ở xa nước không đến, bà con mua “đầu bơm tống” (lực đẩy mạnh) mới đưa được nước đến ruộng. Một số bà con ra sức nạo vét ao, đào giếng vớt vát được phần nào hay phần nấy.

“Mấy năm trước tháng giêng (âm lịch) còn có vài cơn mưa. Năm nay, tiết Lập Xuân mùng 5 Tết (4/2) trời không có hột mưa nào, lúa bây giờ có đám đã héo, nắng kéo dài nửa tháng nữa coi như thả tay chấp nhận mất trắng”, nông dân Nguyễn Văn Tiến than thở.

Lúa ở xã An Xuân (Tuy An) có nguy cơ bị chết cháy vì thiếu nước tưới trầm trọng, nông dân trông mưa từng ngày. Bà Trương Thị Bích ở xã An Xuân nhìn đám lúa gần 70 ngày tuổi ngậm ngùi: “Trồng lúa ở đây hoàn toàn dựa vào nước trời nhưng từ Tết đến nay trời không mưa, lúa đang tròn mình không có nước tử đòng hết. Không phải riêng tôi mà cả cánh đồng này không có đám nào mà không bị khô hạn”.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, hiện có trên 150 ha lúa đông xuân bị khô hạn và 418 ha lúa có nguy cơ khô hạn, tập trung ở các xã An Nghiệp, An Định, An Chấn, An Mỹ, An Hiệp. Trước tình trạng nắng hạn kéo dài, ngành nông nghiệp kiến nghị UBND huyện Tuy An hỗ trợ 57 triệu đồng để mua nhiên liệu, khoan giếng, lắp đặt hệ thống điện phục vụ công việc bơm tưới, tuy nhiên lo ngại nhất là thiếu nguồn nước.

09-36-36_img_0078
Đoàn kiểm tra của Sở NN-PTNT kiểm tra tình hình khô hạn ở xã Xuân Lãnh

Theo ông Trần Sáu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An, trước hết các địa phương phải tiết kiệm nước, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống ao, giếng đào, giếng khoan, đập dâng và kênh dẫn để sử dụng nước hợp lý. Thành lập ban chỉ đạo chống hạn ở xã, HTX phối hợp với các đơn vị quản lý thủy nông để điều phối nước.

GẶT LÚA CHO BÒ ĂN

Hạn hán đến sớm cũng làm cho 90 ha lúa ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) bị khô cháy. Đang cắt đám lúa gánh về cho bò ăn, ông Trần Giáp ở thôn Lãnh Cao ngậm ngùi: “Nhà tôi chỉ có đám lúa rộng 2 sào này thôi, nắng hạn khô cháy hết đành phải cắt về cho bò ăn”.

Cầm trên tay bó lúa le que vài gié ngắn ngủn, ông Nguyễn Văn Sang ở thôn Lãnh Vân than vãn: “Làm ruộng ở đây chỉ cầu trời chờ mưa, năm nay mùa khô đến sớm quá nên lúa mất trắng. Năm trước đám ruộng gần 3 sào của tôi gặt gần cả tấn, nay không quá 3 bao lúa lửng (không chắc hạt)”.

Trên cánh đồng thôn Lãnh Vân, đám lúa của ông Bạch Dư “đẹp” nhất đồng, chiều cao cây vượt trội, lá to; thế nhưng dưới chân ruộng khô trắng. Ông buồn bã: Làm lúa ở đây kiếm hột ăn, tôi đầu tư giống mới, phân bón chăm sóc lúa tốt, khi lúa gần trổ đòng trong ruộng không còn nước, nay mai nai lưng cắt về cho bò ăn thôi.

Ông Nguyễn Văn Tri, Phó phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho hay: Ở đây nông dân sản xuất 2 vụ lúa/năm. Vụ hè thu là vụ chính, còn vụ đông xuân sớm là vụ phụ (nông dân tự gieo trồng không nằm trong lịch thời vụ), thế nhưng thường vụ đông xuân này là được mùa hơn. Năm nay nắng hạn sớm đến bất ngờ, sông Hà Nhao cạn nước. Trong khi đó, địa hình đồi dốc phức tạp không có đập dâng cũng không có công trình thủy lợi tìm ra nguồn nước để chống hạn.

Bà Đặng Thị Lành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết: “Năm nay thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn kéo dài, ruộng lúa lại nằm trên vùng cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng cho phù hợp chân đất để tránh thiệt hại về kinh tế”.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm