Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) khẳng định, bệnh dại trên động vật và trên người hoàn toàn có thể phòng được nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là phải quản lý được đàn chó, mèo nuôi. Cụ thể khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng phải kiểm soát, không để chó, mèo cắn người, gây thương tích, cũng như có khả năng gây truyền bệnh sang con người.
Thứ hai, phải tiêm vacxin phòng bệnh dại trên động vật. Để làm được điều này cần phải truyền thông để chủ nuôi chó, mèo cũng như cộng đồng hiểu được sự nguy hiểm của bệnh dại, từ đó tham gia tích cực vào công tác quản lý đàn chó, mèo nuôi.
Thứ ba, phải tăng cường áp dụng các chế tài xử phạt trong việc vi phạm các quy định về quản lý chó, mèo nuôi, tiêm vacxin phòng bệnh dại…
“TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đang thực hiện tốt các giải pháp này, theo đó số ca bệnh dại hầu như không xuất hiện trên người, thậm chí cả trên động vật cũng không có”, ông Minh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Minh, để phòng chống dịch bệnh động vật nói chung, bệnh dại nói riêng hiệu quả, cần phải tăng cường chia sẻ thông tin, có phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành thú y các cấp, kể cả Trung ương cũng như địa phương.
Ông Minh cho hay, hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang có sự phối hợp rất nhịp nhàng giữa cơ quan y tế và cơ quan thú y. Bất cứ khi nào có trường hợp người bị chó cắn, chưa xác định là chó dại hay không nhưng đi điều trị dự phòng thì cơ quan y tế ngay lập tức sẽ thông báo cho cơ quan thú y tương ứng để tiến hành theo dõi cũng như cách ly những con chó cắn người như vậy.
Khi chó có biểu hiện mắc bệnh dại thì lấy mẫu để xét nghiệm và khuyến cáo ngược lại đối với những khu vực này cũng như các khu vực xung quanh là phải tiêm phòng cho chó và tiêm phòng cho cả người không may bị chó cắn.
“Tuy nhiên, giải pháp bao trùm tất cả vẫn là phải tuyên truyền, truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là những người nuôi chó, mèo để họ nhận thức rõ được sự nguy hiểm của bệnh dại, từ đó tham gia tích cực vào công tác phòng chống bệnh dại trên cả động vật và trên người”, ông Minh nhấn mạnh.
Hà Nội hiện có tổng đàn chó, mèo lớn nhất cả nước, trên 426.000 con, nhưng địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp để phòng chống bệnh dại hiệu quả. Kết quả phòng chống bệnh dại của Hà Nội đã được Cục Thú y đánh giá rất tốt.
Ông Ngô Đình Loát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội (Sở NN-PTNT) cho hay, thực hiện Quyết định số 2151/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030”, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 4/4/2022 về việc thực hiện “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030”.
Theo đó, Hà Nội cũng đã đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Quản lý được trên 90% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2023. Duy trì tỷ lệ tiêm vacxin dại trên 90% tổng đàn chó, mèo nuôi hàng năm trong cả giai đoạn 2022 - 2030. Phấn đấu xây dựng 100% vùng an toàn dịch bệnh dại cấp quận…
“Tính đến hết năm 2023, Hà Nội đã xây dựng được 10 quận an toàn bệnh dại, trong năm 2024 sẽ tiếp tục xây dựng thêm 2 quận. Theo đó, Hà Nội sẽ hoàn thành chỉ tiêu do thành phố đặt ra và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030 và các năm tiếp theo”, ông Loát cho biết.
Chia sẻ về thành công của Hà Nội trong việc xây dựng 10 quận an toàn bệnh dại, ông Loát cho hay, thực hiện Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT Quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật, để được công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật phải thực hiện 12 nhóm tiêu chí. Hà Nội hiện nay chuẩn bị hoàn thành 12 quận chứng nhận an toàn bệnh dại cấp quận.
Ông Loát nói: “Để được công nhận một vùng an toàn bệnh dại cấp quận, Hà Nội phải chuẩn bị cả năm. Chúng tôi xác định việc xây dựng đã khó nhưng duy trì và giữ vững còn khó hơn. Chỉ cần một trường hợp trên động vật hoặc trên nguời mắc bệnh dại đương nhiên sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận”.
“Vì thế, Hà Nội xác định rằng, một trong những yếu tố để duy trì được vùng an toàn bệnh dại là phải thực hiện rất tốt 12 nhóm tiêu chí nêu trên, trong đó có xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh dại, kế hoạch an toàn sinh học, kế hoạch ứng phó khi dịch xảy ra… Đây là những nội dung phải triển khai xây dựng rất chi tiết”, ông Loát chia sẻ.