| Hotline: 0983.970.780

Mất kiểm soát thu hái cà phê xanh: Nông dân "tố" DN thờ ơ!

Thứ Năm 17/11/2011 , 10:40 (GMT+7)

Ngay khi VN bắt đầu bước vào niên vụ cà phê 2011 – 2012 (từ đầu tháng 11/2011), tình trạng thu hái cà phê xanh đã diễn ra phổ biến và có nguy cơ không kiểm soát được.

Nông dân khẳng định có tới 40 – 50% cà phê của họ bị hái xanh, chỉ vì DN phớt lờ đến chuyện giá cả, chất lượng!

Ngay khi VN bắt đầu bước vào niên vụ cà phê 2011 – 2012 (từ đầu tháng 11/2011), tình trạng thu hái cà phê xanh đã diễn ra phổ biến và có nguy cơ không kiểm soát được. Điều đáng nói, khi DN ra sức đổi lỗi cho nông dân thì nông dân lại “tố” rằng, chính thái độ thờ ơ với chất lượng của DN kinh doanh, XK cà phê đã khiến nông dân có thói quen xấu này.

DO DÂN HAY DO DN?

Tình trạng thu hái cà phê xanh khiến chất lượng cà phê VN không chỉ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà quan trọng hơn, sản phẩm cà phê Robusta VN (đứng số 1 thế giới về sản lượng) luôn đứng ở “chiếu dưới” với giá bán thấp hơn từ 10 – 20% so với cà phê của nhiều nước như Brazin, Colombia, Indonexia… Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, mỗi năm ngành cà phê VN bị thất thoát tới gần 1/3 sản lượng (gần 300.000 tấn cà phê), tức mất trên nửa tỷ USD chỉ vì chuyện thu hái cà phê xanh.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa) cho rằng, buồn nhất là dù các tỉnh có cà phê năm nào cũng đưa ra công văn yêu cầu lãnh đạo các huyện, xã quản lý và đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức bằng việc đưa ra hẳn một chương trình nhắc nông dân thu hái cà phê chín. Tuy nhiên, do việc thực hiện và giám sát của các địa phương chưa tốt nên tình hình không những không được cải thiện, mà thậm chí có chiều hướng mất kiểm soát.

Còn theo ông Nguyễn Nam Hải, Tổng Giám đốc Cty Cafecontrol thì, có hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này: Thứ nhất, do giá cà phê tăng cao khiến người dân luôn lo sợ mất trộm, cùng với đó là chi phí thu hái tăng khiến họ tranh thủ hái nhanh cả xanh lẫn chín. Thứ hai, các DN thu mua cà phê không phân biệt rõ về giá giữa cà phê chín và cà phê xanh nên không khuyến khích được người dân thay đổi thói quen tệ hại này.

Trong khi đó, nhiều nông dân trồng cà phê tại Tây Nguyên khi được hỏi đều khẳng định, nguyên nhân chính vẫn là do DN không quan tâm đến chuyện giá cả giữa cà phê xanh hay chín. Nông dân Hoàng Anh Dũng (đường Nguyễn Văn Cừ, xã Lộc Thanh, huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng) có hơn 2 ha cà phê cho biết: “Đúng là nhiều năm nay, có tới 40 – 50% cà phê của tôi thu hái xanh. Chuyện mất trộm tôi cũng “dính” nhiều rồi, có lúc chúng vào tận sân phơi để rình lấy cắp, nhưng nguyên nhân chính là nếu hái chín thì chúng tôi phải tăng thêm tiền nhân công, phải mất thêm thời gian chăm sóc và phát sinh nhiều chi phí. Vậy ai sẽ bù cho những khoản tiền này? Nếu DN có chủ trương, chính sách thu mua hợp lý, phân biệt rõ giá cả giữa cà phê xanh và chín thì chuyện trộm cắp ắt chúng tôi sẽ đầu tư giải quyết được”.

Tương tự, nông dân Trần Văn Đức (thôn Thanh Xuân 1, xã Lộc Thanh, huyện Bảo Lộc) cho rằng, với giá cà phê hiện tại chỉ còn 38.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với giữa năm, trong khi DN không phân biệt giá giữa cà phê xanh hay chín, thì chuyện bà con cứ hái tuốt tuột từ trên xuống dưới, bất chấp quả non hay đỏ, to hay nhỏ, đạt hay không đạt chuẩn tất yếu phải xảy ra.

PHẢI CÓ GIÁ RIÊNG CHO CÀ PHÊ CHÍN

Theo ông Nguyễn Nam Hải, TGĐ Cty Cafecontrol, cùng với cà phê Robusta, ngay cả cà phê chất lượng cao Arabica khi chế biến (cả ướt và khô) đều lẫn tỉ lệ cà phê xanh non cao, gây ảnh hưởng đến chất lượng thử nếm. Chính vì thế mới xảy ra chuyện khách hàng nước ngoài kêu ca chất lượng cà phê VN niên vụ 2010 – 2011 vừa qua thua hẳn niên vụ 2009 – 2010 chỉ vì chuyện nông dân thu hái cà phê xanh.

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP tập đoàn Cà phê Thái Hòa khẳng định, chỉ cần các DN có chính sách khuyến khích nông dân bằng việc xây dựng bảng giá riêng cho cà phê chín thì chuyện thu hái cà phê xanh, thiệt hại mỗi năm trên nửa tỷ USD sẽ giải quyết được. Bản thân Cty Thái Hòa do nhiều năm chú trọng đến chất lượng, được khách hàng nước ngoài tin tưởng đặt mua cà phê với giá cao nên Cty đã thu mua cà phê chín của dân với giá tăng thêm vài chục phần trăm so với cà phê xanh.

Ông An cũng cho biết, sắp tới Cty sẽ làm việc với lãnh đạo các tỉnh trồng cà phê như Đăk Lăk, Lâm Đồng để phối hợp khuyến khích người dân nâng cao chất lượng và giá trị cà phê bằng thu hái chín. “Cà phê muốn ngon thì yếu tố đầu tiên là nguyên liệu phải chuẩn. Vì thế, nếu DN biết kích thích thu mua đúng và nông dân có ý thức thay đổi, tất yếu phải có sự chuyển biến về chất lượng cà phê VN”.

 

Tỉnh Đăk Lăk – thủ phủ cà phê của VN, vừa có chỉ thị yêu cầu các sở ban ngành, các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp thu hái, kinh doanh cà phê xanh, cà phê non.

UBND tỉnh này cũng yêu cầu lực lượng công an phối hợp với các đơn vị triển khai các biện pháp bảo vệ các vườn cà phê chống trộm cắp. Sở Công thương có trách nhiệm khuyến cáo nông dân bán cà phê cho các đại lý, DN kinh doanh cà phê có uy tín, kiên quyết xử lý các đối tượng tự tổ chức sàn giao dịch cà phê trung gian trái phép, các đại lý thu mua cà phê “trá hình” gây thiệt hại cho nông dân và DN.

Ông Nguyễn Văn An đề nghị cần có chế tài xử lý nghiêm các DN cố tình làm ăn gian dối, cụ thể một số DN thu mua tràn lan cà phê xanh chín lẫn lộn, tranh mua tranh bán, sau đó trộn cà phê Lâm Đồng, Buôn Ma Thuột với cà phê thu mua ở các tỉnh như Phú Yên, Bình Thuận để bán được giá cao. Thậm chí, có DN còn gian lận tăng trọng cà phê bằng cách đổ cà phê xanh, chín mới hái vào bể chứa nước ngâm nửa ngày để gia tăng trọng lượng thêm 14 – 15%.

Trong khi đó ông Lương Văn Tự cũng cho rằng, ngoài các biện pháp hành chính như chính quyền các địa phương cần tăng cường quản lý không để xảy ra tình trạng hái trộm cà phê khiến nông dân lo lắng, thì quan trọng là DN phải có chính sách về giá thu mua cà phê chín cho nông dân. Cùng với chính sách này, các DN cần đầu tư cùng nông dân thiết lập ra quy trình sản xuất, chăm sóc, thu hái cà phê chín; nếu có điều kiện thậm chí đầu tư cả vào khâu công nghệ sau thu hoạch (phơi, sấy, sơ chế) thì mới sớm nâng cao chất lượng và giá bán cà phê VN trên thị trường thế giới.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm