| Hotline: 0983.970.780

Méo mặt vì rau

Thứ Hai 17/02/2014 , 10:01 (GMT+7)

300 đồng 1 kg bắp cải, 1.000 đồng 3 củ su hào, 1 mớ cải cúc cũng chỉ 1.000 đồng… Nhiều hộ trồng rau ở Hải Dương đang lao đao.

300 đồng 1 kg bắp cải, 1.000 đồng 3 củ su hào, 1 mớ cải cúc cũng chỉ 1.000 đồng… Nhiều hộ trồng rau ở Hải Dương đang lao đao vì rau rớt chóng mặt. Có hộ phải thuê người nhổ rau về cho cá, gà ăn. Thậm chí thuê máy xúc “phay” nát cả vài ha bắp cải vì bán được cũng vẫn lỗ.


Ruộng bắp cải nhà chị Luyến.

Chúng tôi về huyện Gia Lộc, một vựa rau của tỉnh Hải Dương. Trên cánh đồng của HTXNN Gia Xuyên, Thống Nhất, đâu cũng là một màu xanh của rau cỏ. Những luống bắp cải xanh mơn mởn nằm phơi mình trong cái lạnh 10 độ C. Đang phun dở bình thuốc sâu, thấy chúng tôi hỏi chuyện, bà Vũ Thị Tỉnh (đội 2, xã Gia Xuyên) dừng tay, nói như mếu: “Nhà tôi đã trồng rau từ 20 năm nay, đã có năm nào mất giá thế này đâu. Khổ lắm”.

Gia đình bà Tỉnh trồng 2,3 mẫu, chủ yếu là bắp cải cùng một ít hành, tỏi. Vụ đông 2012, nhà bà lãi được trên 140 triệu đồng từ rau. Nhưng năm nay, giá bắp cải giảm còn 300 đ/kg, nhà bà lỗ khoảng 4 triệu đ/sào. “Chú xem đấy, giá rẻ không lỡ bán, mà để thì cũng hỏng. Cả Tết trời ấm, rau bị sâu nhiều lắm. Cứ 2 luống rau tôi phun hết 1 bình thuốc sâu. Cách 4 - 5 ngày lại phải phun đợt nữa”, bà Tỉnh kể lể. Nếu bán toàn bộ ruộng bắp cải, may ra bà Tỉnh đủ tiền vốn mua giống, còn lại phân bón, thuốc BVTV, công chăm sóc là mất trắng.

5 sào bắp cải nhà ông Lê Văn Canh (đội 2, xã Gia Xuyên) đã đến kì thu hoạch nhưng ông nhất quyết không bán vì giá quá rẻ. Nhiều cây bắp quá ngày thu hoạch bị nứt toác, trồi cả hoa, thối nhũn.... “Bao giờ giá rau tăng tôi mới bán. Giờ có bán cũng không đủ tiền bù lại giống má, phân bón đâu”, ông Canh ngao ngán.

Thảm hại nhất có lẽ là mô hình trồng rau “khủng” nhất xã Gia Xuyên của hộ gia đình chị Hồ Thị Luyến (thôn Tranh Đấu). Vụ đông 2013, chị Luyến thuê 1,7 ha để trồng bắp cải và ươm đào bán dịp Tết. Đào bán được 200 triệu, bắp cải mới thu hoạch được khoảng 6 sào, thu về 60 triệu. Giờ thì rau bán không ai mua, mà để thì không có đất ươm đào. Chị Luyến đành cắn răng thuê máy xúc “phay” nát cả ha bắp cải rồi vun thành luống cao.

“Mỗi sào thuê máy xúc mất 1 triệu. Riêng tiền phay tôi đã mất vài chục triệu rồi”, chị Luyến thở dài. Trên cả ha ruộng của chị Luyến, bắp cải bị phay nát nằm ngổn ngang, nhìn mà buốt ruột. Tiền giống, phân bón, thuốc BVTV cho mỗi sào triệu đồng, chị Luyến nhẩm tính, vụ này mất toi 150 triệu đồng. “Vẫn còn may năm nay nhà tôi bán được 200 triệu tiền đào, không thì phá sản”, chị Luyến chia sẻ.

Tại khu chợ làng Vo, xã Thống Nhất (huyện Gia Lộc), rau cỏ được bày bán ê hề dọc đường. Bà Đoàn Thị O cho biết, nhà bà trồng 2 thước cà chua, nửa sào mùi, 12 thước cải canh, 5 thước cải bắp, 12 thước hành… Theo bà O, trước Tết mỗi cân bắp còn bán được với giá 4.000 đồng, nhưng giờ thì chỉ còn 1.000 đồng. “1.000 đồng là bán tại chợ cho người ăn. Thương lái vào ruộng mua chỉ trả 300 đồng thôi”, bà O giải thích. Nhà bà O mới thu hoạch được khoảng 50% diện tích. Bà O bảo, nếu giá rau còn rẻ sẽ cuốc luôn ruộng lấy đất trồng cây khác cho kịp ngày.

Còn bà Hà Thị Lan (cùng thôn Vo) bảo, giờ ai cần thì vào ruộng sẵn sàng cho luôn. “Năm ngoái được giá, nhà tôi lãi được 14 - 15 triệu. Năm nay cùng lắm là được 2 - 3 triệu, đủ tiền bù vào giống má thôi. Bán không hết, tôi cũng nhổ bỏ để trồng đỗ tương, đỗ đen…”’, bà Lan nói.

Chúng tôi đã đi khảo sát một vòng tại các khu chợ đầu mối của TP. Hải Dương như Hải Tân, Thanh Bình, Đông Ngô Quyền… Các tiểu thương tại đây cho biết, giá rau có nhích dần lên và tương đối ổn định. Tại chợ Thanh Bình, bắp cải có giá 5.000 - 6.000 đ/kg, cải cúc 4.000 đồng/bó, rau cần 5.000 đ/bó, su hào 2.000 - 3.000 đ/củ. So với giá bán tại ruộng, giá rau bán tại các chợ đầu mối gấp từ 4 - 5 lần, thậm chí cả chục lần như su hào…

Tuy nhiên, so với cùng thời điểm năm ngoái, giá rau xanh đã giảm nhiều. Theo đánh giá của một số thương lái, giá rau năm nay rẻ là do SX quá nhiều, không thể thu mua hết với giá như năm ngoái. Đồng thời, trước, trong và sau Tết, thời tiết ấm, một số loại rau ngắn ngày phát triển tốt đã "ép giá" rau vụ đông sụt giảm mạnh.

Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Đỗ Văn Sáng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Gia Lộc cho biết, việc rau rớt giá là có. Tuy nhiên, vì đã cuối vụ, một số diện tích thương lái đã "mua non" nên nói về thiệt hại là không nhiều.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm