| Hotline: 0983.970.780

Mô hình HTX tại Nhật Bản

Thứ Năm 19/12/2013 , 10:03 (GMT+7)

Tại Nhật Bản chỉ có một mô hình HTX gọi là “Liên minh HTXNN Nhật Bản” (JA), được thừa nhận và hoạt động theo Luật HTX nông nghiệp.

Tại Nhật Bản chỉ có một mô hình HTX gọi là “Liên minh HTXNN Nhật Bản” (JA), được thừa nhận và hoạt động theo Luật HTX nông nghiệp.

Trước đây, việc tham gia HTX là bắt buộc đối với nông dân, nhưng hiện nay có những nông dân bỏ không tham gia HTX, đa số họ là những người có kỹ thuật cao mà HTX chỉ là đại diện cho lớp nông dân trung bình.

Đoàn cán bộ Viện Di truyền Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) vừa có chuyến công tác tại Nhật Bản tham quan mô hình HTX và tìm hiểu phương thức buôn bán, trao đổi sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của xứ sở mặt trời mọc thông qua các sàn đấu giá.  Để có thêm tư liệu về mô hình HTX của các nước trong khu vực, chúng tôi có cuộc trao đổi với cán bộ, lãnh đạo Viện Di truyền Nông nghiệp để hiểu rõ hơn mô hình HTX tại Nhật Bản.

Được biết, hoạt động của HTX được qui định trong luật. Mục đích chính là nhằm tăng năng suất, nâng cao địa vị, hiểu biết xã hội và cải thiện kinh tế cho người nông dân. Về hệ thống cấu trúc của HTXNN Nhật Bản, hầu hết người nông dân đều thuộc các HTX địa phương, các HTX địa phương thuộc HTX cấp tỉnh, thành phố và các HTX cấp tỉnh, thành phố trực thuộc HTX Trung ương. Qua đó, tạo thành một hệ thống cấu trúc hình cây lớn.

Người nông dân mang sản phẩm nông nghiệp đến các HTX địa phương ký gửi bán hộ. Ngay sau khi sản phẩm được bán, HTX sẽ thanh toán tiền cho nông dân thông qua chuyển khoản hoặc tiền mặt. Sau đó, người nông dân phải trả tiền % hoa hồng cho các HTX.


Một kho lạnh sơ chế hoa của HTX tại Nhật Bản

Đổi lại, nông dân được hưởng các dịch vụ của HTX theo hệ thống từ phân loại, đánh giá chất lượng chung đến hệ thống vận chuyển, giao hàng, mua và sử dụng chung các hệ thống thiết bị, nông cụ, máy móc lớn, đắt tiền (như hệ thống xử lý sau thu hoạch,…) và thậm chí cả các dịch vụ tài chính liên quan đến các khoản tiền gửi và vay vốn do HTX quản lí hoặc đứng ra đại diện.

Thông thường, nông dân Nhật phải trả 2 - 5% giá trị nông sản cho dịch vụ bán hàng của HTX (HTX trừ luôn khi thanh toán cho người trồng).

Như đã đề cập ở trên, HTX tại Nhật là một thực thể pháp lý, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nhưng không phải là một tổ chức Nhà nước. HTX tự tổ chức hoạt động và không được bao cấp của Chính phủ, song Chính phủ thường thông qua HTX khi muốn trợ cấp hoặc hỗ trợ cho người nông dân.

Trong trường hợp có chính sách hỗ trợ nông dân, Nhà nước thường trợ cấp thông qua hệ thống HTX. Tất nhiên, những nông dân không tham gia HTX cũng có thể nộp đơn xin trợ cấp, nhưng khó khăn hơn nhiều.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ở Nhật Bản, lịch sử của HTXNN bắt đầu từ giữa thế kỷ 19. Đó là một HTX tự nguyện giữa những người nông dân để hỗ trợ các hoạt động canh tác lẫn nhau. Sau Thế chiến II, ở Nhật xảy ra tình trạng khan hiếm nghiêm trọng lương thực, thực phẩm và hệ thống phân phối hỗn loạn trên thị trường.

Vì vậy, Chính phủ Nhật quyết định kiểm soát việc phân phối và SX của nông dân bằng cách kiểm soát HTXNN. Tất cả nông dân bị buộc phải tham gia HTX tại thời điểm đó. Tuy nhiên, do yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, hiện nay HTX của Nhật trở thành mô hình hoạt động độc lập như một DN tư vấn, chuyển giao, kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Theo TS Lê Đức Thảo, Trưởng Bộ môn Đột biến và Ưu thế lai (Viện Di truyền nông nghiệp), tại Nhật Bản, chủ nhiệm các HTX và thành viên Hội đồng quản trị của HTX địa phương được lựa chọn từ các nông dân và được trả lương. Nhưng trên thực tế, tiền lương không đủ bù đắp so với công sức và các hoạt động của họ, nhưng chủ nhiệm và các thành viên Hội đồng quản trị thường được bầu từ những nông dân giàu có hoặc có chức sắc ở địa phương và họ chấp nhận không đòi hỏi với mức lương cao hơn.

Họ rất bận rộn, bởi với tư cách đại diện của HTX, họ phải lên các kế hoạch và thúc đẩy các hoạt động chung cho các xã viên như kế hoạch đầu tư cho hệ thống SX, vật tư, đầu ra, thị trường… sao cho hiệu quả. Tổ chức hội thảo, kỹ thuật cho người trồng và giao dịch với HTX cấp tỉnh, thành phố.


Sàn đấu giá nông sản, nơi các sản phẩm nông nghiệp của nông dân được giao dịch thông qua HTX

“Mô hình HTXNN tại Nhật cũng tồn tại một số nhược điểm do trở thành một tổ chức quá lớn, có sức mạnh và dẫn tới việc độc quyền. Do đó, hệ thống có hiện tượng thiếu sự cải cách để hoàn thiện hơn. Đặc biệt, khi vào HTX, người nông dân có xu hướng trở thành hộ “nông dân trung bình”, TS Lê Đức Thảo.

Nông dân Nhật Bản thường có diện tích đất canh tác rất nhỏ. Họ không có đủ tiền để đầu tư vào hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại và đắt tiền, nhưng khi tham gia HTX họ có thể chia sẻ, dùng chung thông qua HTX nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu tư.

Cũng bởi vì quy mô nhỏ, nông dân không có khả năng thương lượng với người mua, kể cả khi thị trường đấu giá ra đời và hoạt động nên việc tham gia HTX luôn được nhiều hơn là mất. Bởi để tham gia hiệu quả vào thị trường hàng hóa, đòi hỏi sản phẩm phải có số lượng lớn và chất lượng ổn định (theo hệ thống tiêu chuẩn đánh giá cố định). Do đó, ở Nhật Bản, khi tham gia bán đấu giá, thường sản phẩm được đăng ký theo lô, mã chung của HTX.

Với mô hình quản lí, vận hành HTX tại Nhật, mặc dù Chính phủ không trực tiếp quản lý HTX, nhưng vẫn có thể điều tiết SX thông qua các hoạt động trợ cấp. Chính phủ có thể dễ dàng xử lý các vấn đề như an toàn thực phẩm bằng việc thúc đẩy người nông dân làm theo định hướng để giải quyết vấn đề qua việc trợ cấp, khuyến khích SX có định hướng thông qua HTX.

Với mô hình hoạt động đó, hệ thống HTX trở thành một tổ chức xã hội lớn, đóng một vai trò quan trọng trong xã hội. Tổ chức HTX có thể tổ chức các cuộc đàm phán với các chính trị gia, vận động điều chỉnh chính sách và từ đó giúp làm giảm khoảng cách thu nhập giữa người dân thành thị và người dân nông thôn.

“Qua HTXNN, nông dân Nhật được phổ biến về tiến bộ KHKT, được biết nhu cầu thị trường. Nhờ HTX lên kế hoạch SX và điều tiết nên tình trạng nông dân ồ ạt đua nhau trồng một loại cây trồng khi có giá cao không xảy ra.

Thay vào đó, nông dân có sự đánh giá thị trường rất chắc chắn qua số liệu từ các tổ chức có uy tín trong nước được HTX tổng hợp, tư vấn. Từ quy trình công nghệ chung do HTX ban hành, các hộ nông dân tự phân công nhau lên kế hoạch nên trồng mặt hàng nào và trồng với số lượng bao nhiêu cho vừa đủ”, ông Nobuo Isomura - Giám đốc Cty Bán đấu giá hoa Ota (Cty đấu giá hoa lớn nhất Nhật Bản) chia sẻ về mô hình HTX tại nước mình.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất