| Hotline: 0983.970.780

'Ngả mũ' thán phục chàng 'Thạc sỹ Thắng Dế', thu 1,4 tỷ đồng/năm

Thứ Ba 13/02/2018 , 07:15 (GMT+7)

Năm 2008, anh Nguyễn Thế Thắng (xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu, Nghệ An) gây “sốc” khi bỏ nghề giáo viên để nuôi… dế. Thế nhưng, sau 10 năm khởi nghiệp, người đàn ông này đã khiến mọi người phải “ngả mũ” thán phục với lựa chọn độc, lạ của mình.

Từ tình yêu côn trùng

Anh Thắng tâm sự, tình cờ trong một lần xem tivi nói về mô hình nuôi dế của một trang trại ở miền Nam, không hiểu vì sao anh bị “hút hồn”. Thắng lên mạng internet tìm hiểu thêm về kỹ thuật nuôi dế rồi nằng nặc bỏ nghề giáo đi nuôi… dế. Quyết định của anh khiến bạn bè, người thân không thể hiểu nổi.

08-49-32_thng_de_chi_huy_de_sinh_sn
“Thắng Dế” “chỉ huy” dế sinh sản

Đến nay, khi việc nuôi dế đã thành công, những người quanh anh vẫn thường nói đùa: Có lẽ Thắng nhìn thấy một tương lai của vật nuôi độc, lạ này ở thế kỷ XXI, thế kỷ mà con người ngoài việc đã sung túc về lương thực, thực phẩm sẽ hướng tới những thực phẩm sạch, bổ dưỡng…

“Nguồn thức ăn nuôi dế mèn tương đối đơn giản, chỉ từ cám và rau; thùng nuôi dễ tìm, có thể tận dụng các thùng xốp hoặc kỳ công hơn nữa là đóng thùng gỗ; chu kỳ nuôi nhanh, chỉ nuôi 30 ngày đã có thể xuất bán; ít dịch bệnh.

Đặc biệt, chất thải từ côn trùng không đáng kể, không gây mùi hôi thối, có thể nuôi được trong nhà, nông thôn hay thành thị đều nuôi được. Nuôi dế mất ít thời gian, nghề tay trái nhưng cho thu nhập chính bởi đầu ra rộng, được giá… Mặc mọi người cố sức ngăn cản, tôi nhất quyết đi theo tiếng gọi của… côn trùng”, anh Thắng cười giòn.

Lúc khởi nghiệp, với số tiền 300 nghìn đồng trong tay, anh Thắng đặt mua 6 bọc trứng dế gửi qua đường bưu điện. Có được trứng dế anh vừa dạy học vừa mày mò về cách nuôi. Thời gian đầu tỷ lệ hao hụt cao nhưng những lứa tiếp theo, khi đã đúc rút được kinh nghiệm, vật nuôi phát triển tốt. Lúc này anh chia sẻ câu chuyện của mình cho mọi người, đến tận nơi hướng dẫn cách nuôi cho những người có cùng đam mê, sở thích. Khi số lượng người theo nuôi ngày càng đông, anh tổ chức thu mua như đã cam kết.

Tuy nhiên, đầu ra cho con dế mèn thời gian đầu gặp khó khiến anh lao đao khi thu mua nhưng không thể bán được. Anh lại có quyết định khiến mọi người “ngã ngửa” khi bỏ dạy học, vay tiền, rồng rắn dắt díu vợ con vào thành phố Vinh thuê nhà để thỏa ước đam mê nuôi dế. Nhưng con dế vẫn chưa thể nuôi sống được gia đình, anh làm gia sư, thậm chí buôn bắp cải, buôn xoài, cau… ở chợ kiếm sống. Dư dật được đồng nào anh lại “đổ” vào nuôi dế.

Ngoài dế, anh còn nuôi thêm rắn mối và thu mua một số loại côn trùng khác đem đi nhập cho các nhà hàng, quán ăn đặc sản. Lúc này, anh hình thành được nhiều “vệ tinh” quanh mình, đủ số lượng sản phẩm để tìm đến các thị trường lớn trong Nam, ngoài Bắc.

08-49-32_thu_hoch_rn_moi
Thu hoạch rắn mối

Năm 2011, Nguyễn Thế Thắng thành lập Cơ sở côn trùng Thắng Lý, mở quán Dế Mèn tại TP Vinh. Quán còn có thêm các loại đặc sản khác như rắn mối, cào cào, bọ cạp, bọ vừng, bọ xít, ve ve, sâu măng, đuông dừa… Nhiều thực khách đã tìm đến tận nơi để thưởng thức các đặc sản do vợ chồng anh chế biến.

“Trước khi sơ chế tôi cho dế mèn ăn bột đậu xanh; nhịn ăn 3 ngày, rửa qua nước muối diệt khuẩn, đóng gói nhỏ cho vào kho đông lạnh để giữ được độ thơm ngon và tươi được lâu của mặt hàng. Côn trùng rất “kị” với các loại hóa chất nên nếu có hóa chất lẫn vào nó sẽ thâm đen và nhanh chóng bị hỏng. Vì thế, không còn cách nào khác là phải xử lý thủ công thật kỹ lưỡng để bảo quản được lâu”, anh Thắng nói về bí quyết của mình.

Do nhu cầu côn trùng trên thị trường ngày càng lớn, không bao lâu sau Nguyễn Thế Thắng mở Trại dế Lan Hương, xây dựng các mô hình nuôi côn trùng như dế, rắn mối, tắc kè cho bà con đến tham quan học hỏi… anh làm thêm dịch vụ thu mua cào cào, sâu măng, bọ xít… của bà con miền Tây Nghệ An về làm đa dạng đặc sản các món ăn về côn trùng, đồng thời góp phần làm giảm sâu bọ ảnh hưởng đến mùa màng.
 

Đến biệt danh "Thạc sỹ Thắng Dế"

Theo anh Nguyễn Thế Thắng, nuôi dế tỉ mỉ giống như chăm trẻ con, nếu không có tình yêu đặc biệt với chúng và thiếu kiên trì rất khó thành công. Nhưng khi đã “vào guồng” rồi sẽ cho thu nhập cao vì chi phí đầu vào không đáng kể. Nuôi dế chỉ sử dụng cám ngô kèm với rau muống hoặc rau khoai, lá sắn, bèo tây… làm thức ăn. Đây đều là những thức ăn rất phổ biến và chi phí thấp.

08-49-32_bo_co_mo_hinh_nuoi_de
Báo cáo mô hình nuôi dế

Ông Trần Quốc Trưởng, một hội viên nuôi dế tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết: “Ban đầu tôi cũng nghĩ mình đi dự tập huấn chỉ để hiểu biết thêm về một loài vật nuôi mới. Tuy nhiên, khi nghe anh Thắng nói về con dế và các loại côn trùng với lòng say mê và có tính thực tiễn cao, tôi mới nuôi thử một ít.

Quả thật, dế sinh trưởng, phát triển nhanh và cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Giờ thì tôi đã nuôi được 2 năm, và đã có 12 thùng dế, kích thước 70x180x50 cm/thùng. Mỗi thùng cho ra trên dưới 15kg dế thương phẩm/lần nuôi. Dù mặt hàng tôi nuôi không có sản phẩm liên tục nhưng tính ra, bình quân mỗi tháng cũng được 6 triệu đồng.”

Cơ sở Thắng Lý ký hợp đồng thu mua côn trùng cho hội viên theo từng năm. Riêng năm 2017 giá cố định ký hợp đồng bao tiêu là 110.000 đồng/kg dế sống. Tại mỗi tỉnh, anh Thắng đều xây dựng hội viên đại diện để làm đầu mối trong việc thu mua và phát triển mô hình. Theo anh, nếu thị trường thuận lợi thì việc nuôi con dế và các loại côn trùng khác như rắn mối, tắc kè, bọ cạp trong cùng một cơ sở sẽ tạo thành mô hình khép kín vì dế là thức ăn của chúng.

Nhận thấy cần phải phát triển một cách bền vững ra thị trường trong nước và nước ngoài, trong lúc đang còn yếu và thiếu về kiến thức kinh doanh, năm 2014, anh Thắng quyết định theo học Thạc sỹ quản lý kinh tế. Anh lựa chọn đối tượng để nghiên cứu và làm luận văn chính là con dế.

08-49-32_kiem_tr_thung_nuoi_de_cu_hoi_vien
Kiểm tra thùng nuôi dế của hội viên

Tháng 5/2016, anh bảo vệ thành công đề tài "Hoạch định chiến lược phát triển dế mèn". Vì thế, từ lâu nông dân Nghệ An đã quen gọi anh với biệt danh "Thạc sỹ Thắng Dế".

Nhờ được trang bị thêm các kiến thức quản lý, kinh doanh, từ Nghệ An, cơ sở của anh đã phát triển ra 23 tỉnh thành trong cả nước từ Hà Nội, Quảng Ninh, Vũng Tàu, TP.HCM, Gia Lai, Long An… và các nước châu Âu, Lào, Campuchia. Số lượng hội viên tham gia nuôi dế đã lên đến 520 cơ sở; tất cả đều được anh ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trong đó có các tổ chức hội, Lữ đoàn 414 thuộc Quân khu 4... nuôi với số lượng lớn. Một số hộ dân tham gia hội viên có mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.

Có nguồn hàng ổn định, anh Thắng sơ chế và nhập các loại côn trùng dế, rắn mối, cào cào… cho 430 đại lí, nhà hàng, khách sạn… trong và ngoài nước; cung cấp con giống, chuyển giao kỹ thuật nuôi côn trùng cho bà con nông dân. Các hội viên tham gia nuôi côn trùng đều cảm thấy yên tâm khi anh ký hợp đồng, giữ lời hứa và thu mua hết sản phẩm đạt chất lượng.

Riêng năm 2017, cơ sở côn trùng Thắng Lý thu mua trên 8 tấn dế và côn trùng khác cho bà con nông dân. Từ nuôi dế và kinh doanh, cơ sở Thắng Lý đạt doanh thu 1,4 tỷ đồng và lãi ròng trên 600 triệu đồng/năm.

 

Xem thêm
Kiểm soát tốt dịch bệnh, ngành thú y giúp chăn nuôi tăng trưởng vượt 5%

Năm 2024, ngành thú y kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, giảm 23,8% ổ dịch cúm gia cầm, giúp chăn nuôi tăng trưởng 5,5%, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, thúc đẩy xuất khẩu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.