| Hotline: 0983.970.780

Ngắc ngoải mô hình "mỗi làng một sản phẩm"

Thứ Sáu 07/10/2011 , 11:54 (GMT+7)

TPHCM đã tiên phong học tập kinh nghiệm và triển khai xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm”. Kết quả, các làng nghề vẫn trong tình trạng èo uột, công nghệ sản xuất lạc hậu và mang tính tự phát…

Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông đang ngắc ngoải để tồn tại

Trong 5 năm qua, xuất phát từ mô hình ở Nhật Bản và Thái Lan, TPHCM đã tiên phong học tập kinh nghiệm và triển khai xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm”. Kết quả, các làng nghề vẫn trong tình trạng èo uột, công nghệ sản xuất lạc hậu và mang tính tự phát…

Từ hiệu quả của phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” tại một số nước, đặc biệt là Nhật Bản, Thái Lan, ngay từ năm 2006, ngành nông nghiệp TPHCM đã triển khai một số hoạt động nhằm đẩy mạnh phong trào “mỗi làng một nghề”, “mỗi làng một sản phẩm” trên địa bàn ngoại thành, trong đó tập trung mạnh nhất tại 4 làng nghề đan lát, bánh tráng, nuôi - chế biến cá sấu và làm muối. Sau 5 năm thực hiện, chỉ duy nhất có làng nghề nuôi và chế biến cá sấu còn có thuận lợi do đây là sản phẩm “quá độc”, 3 làng nghề còn lại vẫn cơ bản “giậm chân tại chỗ”, chưa có biến chuyển đáng kể, thậm chí có làng nghề còn thua lỗ, đứng trước nguy cơ giải thể.

Đơn cử như làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi đã có hơn 100 năm qua. Năm 2003, khi “lọt” vào danh sách rót vốn xây dựng mô hình mẫu,  lãnh đạo xã này sốt sắng lập đề án phát triển làng nghề bánh tráng rất bài bản và hoành tráng. Nhiều tỷ đồng cũng đã được đổ về đây để mở các lớp tập huấn, cho vay hỗ trợ lãi suất, tham quan mô hình, cải thiện đường, điện… nhằm làm cho ra mô hình mẫu “Mỗi làng một sản phẩm”.

Những tưởng nhận được sự quan tâm và đầu tư lớn của thành phố, làng bánh tráng Phú Hòa Đông sẽ ăn nên làm ra, phát triển vững mạnh như các làng bạn tại Nhật Bản, Thái Lan. Vậy nhưng thực tế lại quá khắc nghiệt, hiện làng nghề đã phải thu hẹp quy mô sản xuất, đặc biệt từ năm 2009 đến nay, hàng loạt hợp đồng của làng nghề bị “cắt đứt” khiến nhiều hộ ngưng sản xuất, rơi vào cảnh thua lỗ, hàng trăm công nhân chịu cảnh thất nghiệp.

Tương tự, làng nghề đan lát Thái Mỹ và làng nghề làm muối Lý Nhơn cũng chẳng khá hơn 5 năm trước: câu chuyện đầu ra thiếu, giá bán trồi sụt, thu hẹp sản xuất và nhiều hộ rơi cảnh thua lỗ, phá sản cũng xảy ra. Đặc biệt làng muối Lý Nhơn, suốt 5 năm qua chưa năm nào diêm dân không kêu trời về chuyện giá muối bị ép xuống đáy, có lúc còn 300 – 400 đồng/kg mà vẫn chất đầy đồng, đầy kho khiến câu chuyện về xây dựng mô hình điểm càng thêm nan giải.

Tại sao lại có nghịch lý này? Theo bà Lê Hồng Hoanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do phát triển ngành nghề phi nông nghiệp nông thôn vẫn mang tính tự phát ở từng địa phương, sử dụng những công nghệ, thiết bị lạc hậu. Trên 80% cơ sở không đủ vốn đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất khiến hoạt động thiếu ổn định, thường xuyên thiếu nguyên liệu trầm trọng. Đặc biệt, sự liên kết giữa các làng nghề, nghệ nhân, thợ thủ công và các DN còn rất hạn chế; chưa khai tốt thị trường trong nước và XK. Việc giữ gìn, tôn vinh, truyền nghề và tuyên truyền bản sắc văn hóa dân tộc trong sản phẩm chưa được coi trọng.

“Ngay cả bản thân chính quyền địa phương cũng chưa quan tâm đến công tác công nhận làng nghề, chưa quan tâm đến vấn đề quy hoạch, chương trình phát triển ngành nghề - làng nghề đã làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện của chương trình này” – bà Hoanh nhận định. Ngoài các điểm yếu nêu trên cần khắc phục, bà Hoanh cho rằng: Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để các làng nghề đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đầu tư kỹ thuật, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tạo chuỗi liên kết trong hoạt động sản xuất gắn kết với thị trường tiêu thụ.

Theo bà Hoanh, Bộ NN-PTNT cần tham mưu cho Chính phủ quy định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước các ngành nghề nông thôn nhằm có sự quản lý thống nhất. Khi có sự quản lý thống nhất thì mới biết ai có công đưa làng nghề đi lên, hay ai thiếu trách nhiệm trong việc đẩy làng nghề xuống dốc!

NHẬT BẢN VÀ THÁI LAN LÀM THẾ NÀO?

Từ năm 1979, ở tỉnh Oi-Ta (Nhật Bản) đã hình thành và phát triển phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP). Các hoạt động làng nghề của mỗi địa phương đều hướng đến mục tiêu phát triển chung của cả nước, chất lượng sản phẩm được nâng cao phù hợp với thị hiếu và tiêu chuẩn trong và ngoài nước khiến thị trường được giữ vững và mở rộng, kinh tế của mỗi xã, mỗi làng của Nhật Bản ngày càng lớn mạnh.

Còn tại Thái Lan, để kích thích phát triển làng nghề, năm 1999 Chính phủ đã phát động phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”, hỗ trợ cho mỗi làng nghề làm ra một sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, có chất lượng cao và cũng đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Nhiều sản phẩm làng nghề đã tham gia XK vào các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, Châu Âu đem lại giá trị cao.

Theo bà Hoanh, bài học rút ra từ kinh nghiệm của Nhật Bản và Thái Lan là: Những sản phẩm làng nghề của họ luôn đổi mới, luôn được nâng cao chất lượng, được quảng bá qua các gian hàng hấp dẫn tại nhiều nơi. Bên cạnh việc tập trung đào tạo kiến thức về nghề, họ tập trung đào tạo kiến thức về thị trường, gắn liền với DN để phát triển. Đặc biệt, Chính phủ các nước này đều có chính sách rất hiệu quả nhằm giúp các địa phương quyết tâm thực hiện chương trình, từ đó thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân làng nghề.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm