| Hotline: 0983.970.780

Ngẫm về vụ nổ súng thứ hai ở Tiên Lãng ít nhiều liên quan đến đất đai

Thứ Năm 18/01/2018 , 14:30 (GMT+7)

Đêm đó tôi ngủ lại nhà anh Đoàn Văn Vươn (Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng). Thao thức, trằn trọc mãi vì tiếng của Đoàn Văn Quý - người em trai cũng từng bị vào tù vì vụ nổ súng năm nào cứ lách cách hết pha sữa rồi lại vụng về hát dỗ cho con ăn.

Chạm vỏ mà chưa chạm lõi?

Sau khi trở về với đời thường, anh Quý có thêm một giọt máu nữa dù tuổi đời đã ngoài 50, âu cũng là một điềm an ủi. Bên ngoài kia, dù không thấy sóng bạc nhưng tôi vẫn cảm nhận rõ vị mặn mòi của biển đẩy đưa theo những cơn gió đông hanh hao. Còn những cơn sóng trong lòng người liệu đã nguôi ngoai theo cùng năm tháng?

13-54-14_dsc_0352
Một đầm nuôi thủy sản

Anh Vươn bảo bàn chuyện hạn điền hay không hạn điền, mở rộng thời hạn giao đất mới chỉ là bàn cái vỏ bên ngoài của những bất cập trong chính sách đất đai hiện nay mà chưa động đến cái lõi của nó là “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước là đại diện chủ sở hữu”. Chính khái niệm mơ hồ này khiến cho nông dân không thể, không được và không dám sáng tạo trên mảnh đất mà mình đang quản lý vì có gì bền vững đâu? Các phương án tích tụ như mua thêm của người khác hoặc hợp đồng thuê đất của nhà nước đều rất bấp bênh, không an toàn cho đồng vốn đầu tư. Không ít cảnh nông dân bị cuốn vào vòng lao lý đến tan cửa, nát nhà như anh em họ Đoàn từng phải gánh chịu.

Ngược lại đất đai dễ trở thành miếng mồi béo bở của một bộ phận cán bộ có chức có quyền thoái hóa, biến chất chiếm đoạt, trục lợi. Chính vì vậy Đoàn Văn Vươn đề nghị bỏ khái niệm đất đai sở hữu toàn dân, nhà nước là đại diện chủ sở hữu sang hình thức đa sở hữu với riêng đất nông nghiệp có đất công của nhà nước, có đất riêng của cá nhân được chia theo Nghị định 64 năm 1993... Sở hữu đúng nghĩa phải bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản.

Làm được như thế, nông dân nào không có năng lực hoặc không thích làm nông nữa sẽ bán được đất ruộng với giá cao, sát với giá thị trường. Nông dân khác hay doanh nghiệp muốn mua đất để tích tụ theo hướng sản xuất lớn, bền vững sẽ yên tâm đầu tư mà không sợ phải nắm đằng lưỡi của con dao như hiện nay, rất dễ bị đứt tay, chảy máu, thiệt thòi.

“Chỉ có nông hộ to, doanh nghiệp lớn mới có thể giải quyết được tất cả những vấn đề trên. Doanh nghiệp tích tụ nhiều sẽ tạo cơ hội cho một phần nông dân chuyển dịch từ nông nghiệp sang các ngành nghề dịch vụ khác. Nhà nước chỉ việc hỗ trợ chính sách, vốn vào để bộ máy cứ thế mà trơn tru, tuần tự vận hành”, anh Vươn nhận định.
 

Thế kẹt của những hội viên

Sau tiếng súng bảo vệ tài sản của Đoàn Văn Vươn mấy năm sau tại vùng biển Tiên Lãng lại xảy ra thêm một vụ nổ súng nữa nhưng lần này là bắn vào chính những người làm đầm, nghi là do các đối tượng xã hội đen được thuê mướn để trả thù. Cụ thể khoảng 21h30 ngày 5/8/2017 tại khu vực đầm thủy sản thuộc thôn Đông Trên, xã Vinh Quang do ông Đặng Văn Như đang sử dụng, khi 3 công nhân làm thuê ngồi trong lều trông coi thì có ba đối tượng không rõ mặt đi từ trên bờ đê xuống. Không nói không rằng chúng nổ ngay 3 phát súng hoa cải về phía họ rồi vội vàng bỏ trốn.

13-54-14_dsc_0371
13-54-14_dsc_0372
Vùng nuôi trồng thủy sản ở Tiên Lãng vẫn còn nghèo khó

Đầm này nằm trên phần diện tích nuôi trồng thủy sản của ông Nguyễn Văn Phao đã được chính quyền giao cho năm 1994, đến năm 2009 thì hết hạn sử dụng. Sau đó UBND huyện Tiên Lãng đã có quyết định thu hồi nhưng ông Phao chưa làm thủ tục bàn giao và đang phát sinh tranh chấp với ông Vũ Văn Luân vì theo ông Luân trước đó ông đã mua được 15ha rồi. Hiện trên phần đất chồng chéo này ông Phao cho ông Nguyễn Văn Du thuê còn ông Luân lại cho ông Đặng Văn Như thuê.

Tìm đến nhà ông Vũ Văn Luân ở xã Hùng Thắng tôi mới hay rằng đó cũng chính là người thư ký Liên Chi hội Nuôi trồng Thủy sản Nước lợ huyện Tiên Lãng năm nào từng đứng ra quyết liệt bảo vệ cho Đoàn Văn Vươn nhân vụ giải tỏa đầm. Về sau ông lại cùng bà con đứng ra kiến nghị cho những gì mà họ thấy còn chưa hợp lý cho sản xuất. Từ chuyện 18 hộ nuôi trồng thủy sản mòn mỏi chờ đợi tiền hỗ trợ thiệt hại trong cơn bão số 8 năm 2012 đến chuyện đất đai khai phá bao nhiêu năm có nguy cơ bị mất.

Trong đơn của họ có viết: “Tiên Lãng là một huyện nghèo của thành phố Hải Phòng chúng tôi không hiểu tại sao chúng tôi nghèo? Trong khi từ năm 1993 Nhà nước và Chính phủ đã có chính sách lớn ban hành Luật Đất đai, Nghị định số 64 để giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài… Xong từ đó đến nay, đã 3 lần nhà nước sửa đổi Luật Đất đai (năm 1993, 2003, 2013) người dân nuôi trồng thủy sản huyện Tiên Lãng chưa bao giờ có một ngày được thụ hưởng các chính sách này… Ở nơi nào có cán bộ tốt, áp dụng chính sách tốt và kịp thời thì nơi đó nhân dân mới đỡ nghèo, đỡ khổ còn nơi nào không có cán bộ tốt thì ngược lại”.

Những nông dân này đã đổ mồ hôi công sức và biết bao tiền của để khai hoang phục hóa đất bãi bồi ven sông, ven biển từ những năm 90 của thế kỷ trước hình thành nên hệ thống ao đầm nuôi trồng thủy sản rộng hàng ngàn ha tốt tươi. Nhà nước đã công nhận trên thực tế quyền của họ bằng các quyết định giao đất. Sau đó UBND huyện Tiên Lãng ban hành Kế hoạch 106 ngày 29/1/2013 nhằm vận động người dân được giao đất nuôi trồng thủy sản chuyển sang thuê đất. Chỉ có 23/74 hộ dân đồng ý chuyển sang thuê đất còn lại 51 hộ phản đối không bàn giao đầm, không ký hợp đồng thuê đất, vẫn tiếp tục khiếu nại.

13-54-14_ong-dng-hung-vo-v-ong-vu-vnlun
Ông Đặng Hùng Võ và ông Vũ Văn Luân

Theo người dân, cơ sở của việc họ khiếu nại là Thông tư số 2/2015 của Bộ TN-MT đã chỉ ra rằng hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tiếp tục sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất có mặt nước ven biển trong thời hạn giao đất còn lại đối với đất được giao theo phương án giao đất của địa phương khi thực hiện Nghị định số 64/CP năm 1993… Khi hết thời hạn giao đất, nếu người sử dụng đất có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo hình hình giao đất, không thu tiền sử dụng đất. Bởi thế họ đề nghị chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình ở hình thức giao đất nhằm chấm dứt khiếu kiện kéo dài 13 năm nay, từ 2004 tới giờ.

Một số lại yêu cầu nhà nước phải đền bù tài sản đã đầu tư trên đất trước khi chuyển sang thuê đất với thời gian thuê dài hạn 20 - 30 năm chứ không phải đến năm 2020 ngắn ngủi. Tuy nhiên điều mấu chốt nhất là các cấp chính quyền lại cho rằng đất của những người nuôi trồng thủy sản trên không được giao theo căn cứ của Nghị định số 64. Những trường hợp đã có quyết định thu hồi đất và chưa đủ hồ sơ cấp giấy theo quy định thì không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những trường hợp nào được giao đất đã hết hạn, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được xem xét để cho thuê đất.

Không gặp nhau được ở vấn đề mấu chốt đó nên mâu thuẫn đất đai vẫn như đám cháy ngầm vẫn âm ỉ bên dưới mà chỉ một cơn gió nhẹ cũng có thể bùng lên dữ dội. Một tương lai đầy thấp thỏm vẫn còn ở phía trước cửa biển Tiên Lãng.

Cứ như bây giờ thì doanh nghiệp không dám đầu tư vào tích tụ còn nông dân chán ruộng, bỏ ruộng vì có chống cuốc cả ngày trên đồng mà suy nghĩ cũng không biết trồng cây gì, nuôi con gì vì 1 ngày công bên ngoài còn hơn tiền lãi từ 1 sào ruộng của cả vụ đầu tắt mặt tối. Với diện tích đất vài sào đến 1 mẫu mỗi gia đình rất khó để có thể sản xuất thành hàng hóa cho ra tấm ra món chứ không nói đến những sản phẩm vừa đạt chất lượng lại vừa bền vững cho môi trường.

Đoàn Văn Vươn

 

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Bộ giống chất lượng là tiền đề đưa lâm nghiệp Nghệ An bay cao

Muốn vươn tầm thành thủ phủ lâm nghiệp của cả nước, bên cạnh công tác thu hút đầu tư, Nghệ An phải nâng cấp bộ giống cây lâm nghiệp đang trên đà suy thoái.