| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân Quảng Bình ào ạt ra khơi, chợ cá Đồng Hới nhộn nhịp trở lại

Thứ Năm 13/04/2017 , 08:26 (GMT+7)

Chị Nguyễn Thị Lan ở phường Bắc Lý (TP Đồng Hới - Quảng Bình), một tiểu thương buôn bán nhỏ ở chợ cá Đồng Hới tươi cười: "Hơn tuần nay mới thấy lại cảnh chợ cá tấp nập từ sáng đến chiều tối. Nhiều người mừng lắm...

Chị Nguyễn Thị Lan ở phường Bắc Lý (TP Đồng Hới - Quảng Bình), một tiểu thương buôn bán nhỏ ở chợ cá Đồng Hới tươi cười: "Hơn tuần nay mới thấy lại cảnh chợ cá tấp nập từ sáng đến chiều tối. Nhiều người mừng lắm. Nhưng gia đình tôi càng mừng hơn. Cả năm trời rồi, cả nhà bữa đói, bữa no vì không còn nguồn thu nhập nào cả. Chừ thì đỡ rồi".
 

Cá về người vui

Theo chị Lam, chợ cá Đồng Hới ngoài những chủ nậu mua bán lớn thì có gần trăm người buôn bán nhỏ, gọi là "buôn thúng bán mẹt". Nhỏ, nhưng đó là nguồn thu nhập chính của chừng đó gia đình. Nhà chị Lan có 5 người, hai con đi học, bà nội già cả chỉ còn sức trông chừng nhà cửa.

23-08-22_nnvn-1-nhon-nhup
Nhộn nhịp chợ cá Đồng Hới

Chồng chị đi phụ hồ, nhưng do sức khỏe không được tốt như người ta nên bữa đi bữa nghỉ. Năm người trông chờ chính vào chỗ ngồi bán tôm, cá của chị Lan ở góc chợ cá Đồng Hới. Xởi lởi với khách, nhưng mỗi ngày chị cũng kiếm hai trăm ngàn đồng lo cho cả nhà và cũng dành dụm được chút ít phòng khi trái gió.

Sau sự cố môi trường biển, chợ cá ngắc ngoải, "xóm" tiểu thương của chị Lan rã ra như bèo tấm gặp mưa dông. Cả năm trời chị cứ chạy vạy giật gấu vá vai nhưng thiếu thốn luôn ngồi chính giữa gian nhà. Có mấy bận theo chồng đi phụ hồ, nhưng do không quen việc nên lăn ra ốm. Được mấy đồng dành dụm lại chi ra cho thuốc men, cạn vốn.

Bí quá, chị vay tiền xoay qua buôn bán hoa quả tươi. Được dăm ba bữa, không quen hàng, không quen khách nên nhiều bữa bán không hết, hoa quả hư phân nửa. Cả nhà nhiều lần được ăn hoa quả, nhưng tiền lại lõm vào vốn.

Sau khi các ngành chức năng công bố sự an toàn của các loại cá tầng nổi và độ an toàn của biển miền Trung, thị trường hải sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã nhộn nhịp trở lại, lượng tiêu thụ hải sản bắt đầu gia tăng. Chợ Đồng Hới là trung tâm đầu mối mua bán các loại hải sản phục vụ du lịch và nhu cầu hàng ngày của người dân. Khu chợ có gần 100 gian hàng bày bán hải sản tươi sống.

Gần một năm nay, chợ hải sản luôn trong tình trạng vắng vẻ thì nay đã tấp nập trở lại. Chị Lan khéo léo làm sạch mớ cá nục chuối bỏ vào túi cho hai thanh niên đi mua đồ nhậu. Trước khi buộc túi, chị còn bỏ thêm mấy con nữa vào rồi cười: "Hôm ni được mùa, thêm cho mấy em chút để bữa sau nhớ ghé hàng chị".

23-08-22_nnvn-2-nguoi-tieu-dung
Người tiêu dùng đã lựa chọn đặc sản biển

Hàng mực tươi có lẽ đông khách nhất. Mua được ký mực cơm với giá 120 ngàn đồng/kg, chị Mai Thị Hoa (ở phường Đồng Sơn) nói vui: "Giá mực không rẻ chút nào. Nhưng lâu rồi, bữa nay mới đủ tin mua về cho chồng, con ăn kẻo thèm lắm rồi. Có lẽ phải mua thêm ký nữa đề tối anh nhà mời hàng xóm sang uống ly rượu".

Gian hàng bán hải sản của bà Hoàng Thị Ngọc, một tiểu thương đã có hàng chục năm buôn bán hải sản ở chợ Đồng Hới. Vài tháng trước, mỗi ngày bà Ngọc chỉ bán chừng được vài mớ cá, mực các loại. Nhưng nhiều ngày trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ hải sản của người dân và khách du lịch tăng cao, có ngày bà Ngọc bán được hàng tạ hải sản, và hơn thế, giá cả cũng ở mức khá cao.

Một tin vui được báo về từ ngư dân xã xã Quảng Lộc (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình), tàu cá vỏ thép số hiệu QB 98963 TS của ông Nguyễn Chiến Trường ở thôn Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc) vừa có chuyến biển đánh bắt thắng lớn. Sau 20 ngày bám biển đánh bắt hải sản bằng nghề lưới rê, tàu của ông Chiến với 9 ngư dân trở về đất liền mang theo 5 tấn cá, trong đó có 4 tấn cá thu, doanh thu đạt 600 triệu đồng, lãi hơn 400 triệu đồng.

Bà nói: "Giá cả cũng có tăng chút đỉnh. Ví dụ như cá ngừ đại dương bán mỗi ký là 120 ngàn đồng nhưng không có đủ để bán cho khách hàng".

Chen lấn trong nhộn nhịp khách hàng, chị Vũ Thanh Huế (khách du lịch ở Hà Nội), mua được con cá cam gần 3 ký với giá gần 500 ngàn đồng. Chị cười vui: "Lâu lắm rồi mới trở lại Đồng Hới và ghé chợ cá. Thấy mọi người an tâm mua hải sản nên cũng mua về làm quà. Nhìn thấy cá tươi là biết ngon và rẻ rồi".
 

Ngư dân trúng mùa

Cũng hơn tuần này, ngư dân các xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy) trúng mùa biển. Sau cả năm biển chết, bây giờ ngư dân mới như được cởi trói và ào ạt ra khơi.

Ông Ngô Văn Ngãi - Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung cho hay, toàn bộ gần 150 tàu thuyền ven bờ của ngư dân đều ra biển. Mùa này trúng mực và cá gáy. Ngư dân đi trong ngày về cũng được 2 - 10kg mực mỗi ngày.

"Giá tại bãi biển trung bình 100 ngàn đồng/kg mực. Thu nhập đi biển mỗi ngày từ 5 trăm ngàn đến 1 triệu đồng/người", anh Ngãi nói thêm.

23-08-22_nnvn-3-tu-x
Tàu cá vào cảng

Ngư dân Ngô Văn Bắc (xã Ngư Thủy Nam) vừa đi biển về. Ông cho hay, thuyền ông có ba lao động, đi câu cá gáy và mực. Chuyến này đi trong ngày về được chục ký mực và ngần đấy cá gáy. Bán tại bến được gần ba triệu đồng. "Chi phí đèn dầu còn lại chia nhau mỗi lao động được bảy trăm ngàn đồng. "Mực cá bán ngay tại bến. Chỉ tiếc là không có nhiều để bán. Không như trước đây có bán cũng không ai mua", ông Bắc nói.

Chúng tôi về xã biển Đức Trạch (huyện Bố Trạch). Ông Hồ Đăng Chiến - Chủ tịch UBND xã cho biết: Đức Trạch có đội tàu đánh bắt xa bờ gần 240 chiếc, trong đó phần lớn tàu có công suất 200 đến 800CV chiếm tỷ lệ áp đảo trong huyện. Nhiều hộ gia đình sở hữu đến 2 - 3 tàu. Trong đội tàu đánh cá xa bờ của địa phương đã có 4 tàu vỏ sắt mà trị giá mỗi tàu lên tới 22 tỷ đồng…

Vì vậy, mặc dù năm 2016 sự cố môi trường biển đã làm tê liệt khai thác vùng gần bờ nhưng xã vẫn vượt chỉ tiêu khai thác với hơn 86 nghìn tấn hải sản, đạt 106% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 35 triệu đồng/người/năm. Con cá, con mực cũng đã góp phần quan trọng hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Vào vụ cá nam năm nay, đội tàu xa bờ của xã đã thu được thành công lớn. Hầu hết các tàu ra khơi trở về đều có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

"Sau sự cố môi trường biển, vào vụ năm nay, cơ bản ngư dân trúng mùa. Ngoài tiêu thụ ở các tỉnh bạn thì tiêu thụ nội tỉnh cũng đã làm cho ngư dân hứng khởi ra khơi bám biển", ông Chiến nói như khẳng định.

Hầu hết thắng lớn trong chuyến biển đầu tháng 4

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Bình, hầu hết tàu cá xa bờ tại địa phương đều kết thúc chuyến biển đầu tháng 4 trong thắng lợi. Có chủ tàu trả lương cho ngư dân từ 15 - 20 triệu đồng/chuyến biển. Ông Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết: "Ngành đã chỉ đạo các địa phương tăng cường các tổ, đội đoàn kết trên biển để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám ngư trường, thu được nguồn lợi lớn".

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm