Bác Hồ đến thăm lớp mẫu giáo ở phố Hàng Than (Hà Nội)
Gia đình bá hộ giàu chữ địch quốc
Nhà văn Sơn Tùng thong thả nhấn từng tiếng ấm áp: “Bác Hồ mời cụ Hồ Đắc Điềm lên Phủ Chủ tịch làm việc. Bác nói: “Thưa cụ, cụ là thành viên của gia đình bá hộ giàu chữ địch quốc, xin cụ ra chia chữ cho dân”.
Nhận lời Hồ Chủ tịch, đang làm Phó Chủ tịch UBND kiêm Chánh án TAND thành phố Hà Nội, cụ Hồ Đắc Điềm chuyển sang làm Trưởng ban chỉ đạo xóa mù chữ Hà Nội (sau này là Trưởng ban lãnh đạo Bổ túc Văn hóa Hà Nội) cho đến khi nghỉ hưu.
Tám chữ "gia đình bá hộ giàu chữ địch quốc" ấy được nhà văn Sơn Tùng ân cần cắt nghĩa chi ly: Dòng họ Hồ Đắc ở làng An Truyền, kinh đô Huế. Cụ Khánh Mỹ quận công Hồ Đắc Trung, tước Thái tử Thiếu bảo Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Học kiêm Bộ Hộ rồi Bộ Lễ kiêm Bộ Công, Quốc trượng (bố vợ) của vua Khải Định có 6 người con trai thì đều là những ông nghè ta và ông nghè Tây sáng danh.
Con trai cả - ông nghè ta là Hồ Đắc Khải làm Thượng thư Bộ Hộ triều vua Bảo Đại. Còn lại 5 ông nghè Tây là: Tiến sĩ Luật khoa Hồ Đắc Điềm, Tiến sĩ Y khoa Hồ Đắc Di, Tiến sĩ Địa chất Hồ Đắc Liên, Tiến sĩ Dược khoa Hồ Đắc Ân và Tiến sĩ Điều khiển học Hồ Đắc Thứ.
Trong đó, Tiến sĩ Luật khoa Hồ Đắc Điềm từng làm đến Tổng đốc Hà Đông rồi đi theo kháng chiến.
Sinh thời, có hai người bạn vong niên được cụ Hồ Đắc Điềm thường xuyên quan tâm và thăm hỏi nhiều nhất là nhà thơ Tân Trà (tên thật là Lê Đình Hiên), Trưởng phòng Bổ túc Văn hóa đầu tiên của Sở GD- ĐT Hà Nội, theo cụ đó là người giỏi về lãnh đạo. Người còn lại là nhà văn Sơn Tùng, cụ Điềm đánh giá là can đảm và giàu nghị lực.
Hôm đó, nhà văn Sơn Tùng còn đọc nguyên một đoạn trong cuốn sách viết về cụ Hồ Đắc Điềm: “Năm tháng qua đi, lớp trẻ ngày nay khó có thể tưởng tượng được rằng, vào những tháng năm hào hùng nhưng cũng đầy khó khăn gian khổ của dân tộc thuở ấy, đã từng có một Tiến sĩ Luật, từng làm việc ở Paris, làm Chánh án Tòa Thượng thẩm, Cố vấn toàn cõi Đông Dương... thời Pháp thuộc; Chánh án TAND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn Luật gia Việt Nam... thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lại dám từ bỏ tất cả, đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết để làm một công việc hết sức bình thường, nhưng đầy chông gai (nếu muốn làm tốt) - trong 32 năm là: vận động Bình dân học vụ... Chỉ để hoàn thành một ước vọng giản dị là làm theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cụ là người giàu chữ, hãy san sẻ cho người còn thiếu chữ”.
Người gieo ánh sáng trí thức
Một chiều Hà Nội lãng đãng màn sương phủ mảnh trên mặt hồ Thiền Quang, bà Hồ Thị Thể Tần, người con gái lớn của cụ Hồ Đắc Điềm kể cho tôi nghe thêm nhiều chuyện cảm động về cha mình.
Luật sư Hồ Đắc Điềm (1899-1986)
Bên kia hồ, một doi đất nhỏ nhô ra, cụ Điềm đã hiến cho thành phố Hà Nội xây dựng Nhà văn hóa học sinh sinh viên, làm nơi hoạt động cho thanh niên thủ đô.
Nối tiếp công việc của nhạc phụ đang dang dở, khi làm Tổng đốc Hà Đông, cụ Hồ Đắc Điềm đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để chấn hưng nền kinh tế, xã hội của tỉnh. Những công trình văn hóa đưa văn minh phương Tây đến với người Việt Nam như nhà hát Hà Đông đều gắn bó với dấu ấn của cụ Hồ Đắc Điềm...
Cả một đời giành được những tấm bằng danh giá nhất trong nền học vấn phương Tây, nhưng cụ Hồ Đắc Điềm coi trọng nhất vẫn là công tác xóa mù chữ cho nhân dân Thủ đô.
Luật sư Hồ Đắc Điềm (9/9/1899-3/2/1986) đỗ Cử nhân Luật (1923), Tiến sĩ Luật (1925) tại Paris, Phó Chủ tịch UBHC Hà Nội (1954), Trưởng đoàn Luật gia Việt Nam (1955), Ủy viên UBHC Hà Nội (1957), Trưởng tiểu ban Bổ túc Văn hóa - HĐND Hà Nội (1971)... Huân chương Độc lập Hạng Nhì, Huân chương Lao động Hạng Ba... |
Cụ đã gieo ánh sáng tri thức đến những người dân dân Thủ đô hơn nửa thế kỷ trước chưa biết con chữ với bao nỗi nhọc nhằn. Học viên đủ mọi tầng lớp (công nhân, nông dân, thợ thủ công... ở cả nội thành lẫn ngoại thành), đủ các giới và đủ mọi lứa tuổi (thanh niên, phụ nữ, trung niên, người cao tuổi...), đủ các ngành, các cấp (Bí thư, Chủ tịch xã, người phụ trách các cơ quan đoàn thể...).
Thấy chị nông dân ngoại thành mừng vui vì giải được bài toán bổ túc cấp 1 cụ càng say sưa cống hiến. Trước đó ít lâu, chính chị vừa ngậm bút vừa ứa nước mắt van nài: “Nếu bác cho cháu cày hai ba mẫu ruộng thì cháu thấy có thể làm ngay và còn dễ dàng hơn làm bài toán nhỏ này”.
Bà Hồ Thị Thể Tần con gái cụ Hồ Đắc Điềm, xúc động nhớ lại: “Sự nghiệp cả đời cha tôi tâm huyết là Bổ túc văn hóa, xóa mù chữ”.
Trong kế hoạch Nhà nước ngày ấy, không có chỉ tiêu về xóa nạn mù chữ và Bổ túc văn hóa, vì thế không có tính chất pháp lệnh mà chỉ là những chỉ tiêu phấn đấu.
Sinh thời, cụ Hồ Đắc Điềm luôn căn dặn, công tác Bổ túc văn hóa phải được người cán bộ chuyên trách coi là một công tác cách mạng và phải được thực hiện bằng đường lối quần chúng, vận động mọi người thực hiện. Nếu coi đó là nhiệm vụ hành chính thì sẽ thất bại.
Không dùng mệnh lệnh hành chính, cụ dùng mệnh lệnh của trái tim với một tinh thần tự thúc đẩy mình, ngày đêm không quản mưa gió, lặn lội xuống từng lớp học.
Trong khi các cán bộ chuyên trách không muốn cụ tuổi cao mà phải lặn lội đêm hôm nên giấu không cho cụ biết những lớp học phải tiến hành vào những giờ giấc thất thường. Còn cụ Hồ Đắc Điềm lại muốn phải tự thân tới từng lớp, vừa để kiểm tra xem anh em có làm thật không, làm có tốt không, vừa để động viên cả người học lẫn người dạy.
Tuổi ngoài 80, “di sản” còn lại của những trận đòn Tây tra tấn khiến Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Chiên quên đi nhiều chuyện. Bỗng như một ánh chớp thiên khải vụt đến, bà Chiên nhớ lại một đêm trời mưa lạnh, trong lớp học của xóm chài ngoài bãi giữa sông Hồng những năm 1960-1970, khi cô giáo Nguyễn Thị Chiên đang dạy xóa mù chữ thì thấy cụ Hồ Đắc Điềm đến thăm lớp.
Cả lớp học căm căm trong giá rét mà bỗng ấm cúng hẳn lên. Tiếng chào hỏi xôn xao mặt nước bãi giữa. Năm 1980, hồi cố lại cho con gái nghe, cụ Hồ Đắc Điềm trầm tư: “Đối với tôi cuộc thăm lớp đó, trong đêm lạnh mà vẫn sưởi ấm lòng tôi đến tận bây giờ”.
Còn Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Chiên, kể lại cho người viết bài này, bà vẫn rưng rưng cảm động: “Tôi là người phụ nữ nông thôn, ít học, thấy người có học vị cao như cụ Hồ Đắc Điềm không ngại tuổi tác, đêm khuya vẫn xuống thăm lớp học xóa mù chữ thì tôi lại càng phải cố gắng dạy tốt hơn”.
Biết tôi đang tìm tư liệu để viết về cụ Hồ Đắc Điềm, ông Nguyễn An Chất, một trong những cộng sự của cụ đã cung cấp thêm cho tôi tư liệu về cụ.
Sinh thời, ý nguyện lý tưởng của cụ Hồ Đắc Điềm là làm cho mỗi người Việt Nam có trình độ để sống tốt hơn. Vì vậy, cụ say mê dành cả cuộc đời trợ giúp những người có chí mà thiếu điều kiện để theo học đến nơi đến chốn.
Từ ý nguyện của cụ, Quỹ Hồ Đắc Điềm ra đời. Quỹ Hồ Đắc Điềm có mục đích trợ giúp những người nghèo cần được học, những người có khó khăn trong việc theo đuổi chí hướng học hành.
Trong nhiều năm hoạt động, Quỹ Hồ Đắc Điềm đã mang đến cho nhiều người thêm một chút vốn là thêm nhiều động lực để tiếp tục vươn lên trên con đường học vấn. Điều ấy, chắc hẳn cụ Hồ Đắc Điềm cũng vui lòng mỉm cười.