| Hotline: 0983.970.780

Người trồng mía Khánh Hòa trắng tay sau bão

Thứ Năm 09/11/2017 , 13:35 (GMT+7)

Hàng ngàn ha mía ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) đổ rạp, gãy ngọn, bật gốc sau bão 12 đi qua. Một vụ mía trắng tay. 

Đã nhiều năm, người trồng mía Khánh Hòa mới chịu thiệt hại nặng nề đến như thế. Nhiều người thua lỗ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.
 

Đổ rạp, bật gốc toàn bộ

Là địa phương có diện tích mía lớn của tỉnh Khánh Hòa, khi cơn bão số 12 đi qua, hầu hết các cánh đồng mía ở TX Ninh Hòa đều bị hư hại. Thống kê sơ bộ, có 7.768ha mía chịu thiệt hại do bão. Trong đó, nhiều địa phương như Ninh Thượng, Ninh Tây, Ninh Sim... diện tích thiệt hại trên 1.000ha.

14-28-10_1
Sau bão, diện tích trồng mía trên địa bàn TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) chịu thiệt hại nặng nề

Ông Lê Thiện Nhất, Phó chủ tịch xã Ninh Sim, cho biết, trên địa bàn có khoảng 1.800ha mía gãy đổ, bật gốc. “Tùy từng cây ở độ tuổi nào mà chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau. Những cây lớn thường bị gãy ngọn, thân, còn  cây nhỏ thì đổ rạp, bật gốc. Nói chung là tỷ lệ diện tích thiệt hại lên đến 100%. Chắc chắn năng suất mía sẽ giảm khoảng 50%”, ông Nhất nói.

Được biết, vụ thu hoạch mía tại Ninh Hòa sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 cho đến tháng 5 năm sau. Qua quan sát, hầu như toàn bộ những cây mía lớn, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là thu hoạch đều bị gió bẻ gãy ngang thân, ngọn đứt lìa. “Năng suất sẽ giảm khoảng 50 - 70% vì cây đã gãy như thế thì không phát triển được nữa”, ông Cao Văn Cảnh (Ninh Sim) - một người dân trồng mía cho biết.

Vụ mía này, ông Cảnh canh tác diện tích 20ha. Tính tất cả chi phí đầu tư, phân bón, nhân công... ông đã bỏ ra khoảng 800 triệu đồng. Bình thường với diện tích này mỗi năm sẽ đem lại cho ông khoảng 200 - 300 triệu tiền lời thì năm nay, gia đình ông sẽ thua lỗ với con số tương tự.
 

Trắng tay sau bão

Cũng giống như ông Cảnh, do ảnh hưởng của bão, toàn bộ 57ha mía của gia đình ông Nguyễn Hữu Điền (Ninh Xuân, Ninh Hòa) cũng thiệt hại hoàn toàn. Ông Điền nghẹn ngào: “Còn gì đâu mà nhắc đến nữa. Tôi bỏ ra hơn 2 tỷ đồng đầu tư cho đồng mía giờ toàn bộ vốn liếng gần như đi sạch. Dù có vớt vát lại cũng phải lỗ gần cả tỷ đồng rồi. Số tiền lỗ còn có thể hơn nữa vì năm nay, mía đổ nghiêng ngả nên thu hoạch khó. Tiền công chặt năm ngoái trung bình 200.000 đồng mỗi tấn chứ năm nay có thể lên đến 300.000 đồng, càng thêm lỗ”.

14-28-10_2
Những cây mía sắp đến thời kỳ thu hoạch đều bị gió bão làm gãy ngọn

Đau xót không kém là trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Được (Ninh Tây). Mấy ngày nay, dù căn nhà của ông bị đổ sập, mọi thứ còn ngổn ngang chưa dọn dẹp nhưng vì quá buồn bã ông cứ đi loanh quanh khắp nơi cho khuây khỏa. Toàn bộ diện tích 45 ha mía của ông đều bị bão tàn phá hư hại.

“Mất sạch rồi chú à. Mấy ngày nay người trồng mía chúng tôi đã khóc cạn nước mắt. Trồng mía ở đây mấy chục năm chưa có năm nào cây mía bị tàn phá hoàn toàn như thế. Trong 6 tiếng đồng hồ, bao nhiêu tiền bạc, vốn liếng ra đi sạch”, ông Được nói.

Lặng lẽ đi vào ruộng mía, ông Được cho biết thêm, với cây mía đã ngã đổ thì người dân chỉ biết để vậy chứ không có cách nào khắc phục. Khi nào thu hoạch chặt được chừng nào hay chừng đó. “Mía chưa phát triển tối đa đã gãy đổ thì tỷ lệ chữ đường cũng thấp, giá bán thấp hơn. Những cây mía còn nhỏ, khoảng 6 - 7 tháng nữa mới thu hoạch giờ bị ngã như thế chỉ bỏ luôn chứ làm gì được. Tính ra năm nay nhà tôi thua lỗ gần 700 triệu đồng”, ông Được nói.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm