| Hotline: 0983.970.780

Người Trung Quốc trồng mắc ca

Thứ Năm 16/11/2017 , 10:28 (GMT+7)

Cuối tháng 10 vừa qua, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã cử một đoàn sang tham quan và học tập việc trồng mắc ca ở Trung Quốc. Đoàn do GS Hoàng Hòe - Phó Chủ tịch Hiệp hội dẫn đầu.

Ở ta, có lẽ GS Hoàng Hòe là người đầu tiên đưa cây mắc ca vào Việt Nam. Lúc đó, ông làm Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng và sau này làm Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật của Bộ Lâm nghiệp. Ông đã bàn với Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn để tiến hành khảo nghiệm loài cây mới này. Họ rất sốt sắng và đã đưa cây mắc ca về trồng thử nghiệm ở nhiều tỉnh ngay từ năm 1994. Có lẽ do cơ chế còn nặng bao cấp của thời đó cho nên các nghiên cứu khảo nghiệm ở các tỉnh còn nặng tính hình thức, thiếu nghiêm túc, thiếu trách nhiệm, số liệu rất sơ sài và thiếu chính xác. Vì vậy, mãi tới gần đây mắc ca mới được nhắc lại và nổi lên như một đối tượng cây trồng mới đầy triển vọng.

Rừng mắc ca tại Giang Thành, Vân Nam, Trung Quốc

GS Hoàng Hòe cho chúng tôi biết, ngay từ năm 2006, ông đã đưa Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn sang thăm các vùng trồng mắc ca ở Trung Quốc. Lúc đó, Trung Quốc cũng vướng vào những sai lầm trong giai đoạn đầu (giống như ở ta). Đó là việc chủ quan trong khâu tạo giống. Giống rởm, giống kém chất lượng do sản xuất tự phát đã phá hỏng hiệu quả của cây mắc ca. Họ đã sớm nhận ra việc này và đã tích cực khắc phục. Tới nay, công tác giống ở Trung Quốc đã được cải thiện nhiều. Họ đang có tham vọng đưa Trung Quốc thành nước trồng mắc ca nhiều nhất thế giới…

Năm 2013, ông đã đưa chúng tôi sang thăm các vùng đã trồng mắc ca ở tỉnh Quảng Tây và ở phía Bắc tỉnh Vân Nam. Có đi mới biết, uy tín của GS Hoàng Hòe rất lớn. Cũng vì vậy mà họ đã đón tiếp chúng tôi rất chí tình, chân thành và cởi mở. Chúng tôi học tập được ở phía bạn rất nhiều vấn đề.

Năm nay, GS lại đưa chúng tôi sang thăm vùng trồng mắc ca ở phía nam của tỉnh Vân Nam. Diện tích tỉnh Vân Nam lớn hơn diện tích của nước ta. Tỉnh có 129 quận huyện, trong đó có tới 40 huyện đủ điều kiện để trồng cây mắc ca. Bọn tôi tới thăm một nơi rất gần với Việt Nam, nó chỉ cách biên giới nước ta khoảng 50km. Đó là huyện Giang Thành. Chúng tôi được phía bạn cho đi thăm thực địa. Điều kiện tự nhiên ở đây giống hệt như ở Tây Bắc của chúng ta. Đúng là núi liền núi, sông liền sông.

Bạn cho chúng tôi tới thăm một cơ sở trồng mắc ca mà do bà con tự động đứng ra tổ chức. Lúc đầu, chỉ có vài chục hộ tham gia. Nhưng sau này, có tới hàng trăm hộ cùng trồng cây mắc ca. Nhà nước đã hỗ trợ giống, phân bón và đảm bảo tiêu thụ sản phẩm. Còn bà con thì lo góp đất và tổ chức sản xuất. Họ cùng nhau làm rất tốt. Có nhiều phần diện tích họ trồng xen mắc ca với cà phê và với chè. Nhưng họ cho biết, sẽ bỏ dần cà phê và chè vì chúng tốn nhiều công mà hiệu quả không được như mắc ca. Còn những nơi trồng thuần, họ đều làm đường đồng mức và đưa cây mắc ca lên tận tới đỉnh đồi. Từ trên cao, chúng tôi được ngắm cả một vùng bao la đồi núi trùng điệp mà đã được trồng kín mắc ca. Những cây 3 năm tuổi đã bắt đầu cho quả bói. Cả vùng này rồi sẽ giàu lên nhanh chóng nhờ vào những rừng mắc ca đó…

Chúng tôi đi tiếp xuống phía nam để đến thăm Cty TNHH Phát triển khoa học nông nghiệp Giang Thành. Đây là đơn vị trồng mắc ca với diện tích rất lớn. Họ đã trồng được hơn 1.600ha. Nơi này cách Việt Nam chỉ khoảng 50km. Điều đáng ghi nhận ở đây là việc chiếm lĩnh độ cao của bạn. Họ trồng mắc ca lên tới tận đỉnh núi, hết núi này sang núi khác, có chỗ dốc tới 40 - 50 độ. Ngày xưa, đây là vùng nuôi bò thả rông. Nay họ quy hoạch toàn bộ khu vực đó thành một vùng trồng mắc ca rộng lớn. Mắc ca được trồng theo đường đồng mức đều tăm tắp và lên xanh tốt. Đất đai nơi này giống hệt với các vùng đất ở Điện Biên và Lai Châu của ta. Họ có tham vọng sẽ tạo ra được những sản phẩm mắc ca có chất lượng vào loại ngon nhất thế giới. Nó sẽ nâng cao rõ rệt đời sống của bà con các dân tộc thiểu số ở đây.

Tại Trung Quốc, riêng tỉnh Vân Nam đã trồng được 170.000ha mắc ca. Tỉnh phấn đấu tới năm 2025 sẽ nâng diện tích mắc ca lên tới 270.000ha. Tuy nhiên, bạn cho biết, từng đó vẫn không đủ cung cấp ngay cho người dân Trung Quốc chứ chưa nói tới thị trường thế giới…

Chúng tôi được bạn trao đổi rất chân thành mọi vấn đề về kỹ thuật trồng trọt, thu hái và chế biến mắc ca. Khâu tổ chức sản xuất của bạn cũng rất khoa học. Bạn sử dụng triệt để tài nguyên đất đai dù đó là những vùng gò đồi, đất dốc và đã để hoang hóa lâu nay. Bạn đưa cơ giới vào phục vụ sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và sản xuất giống nghiêm túc.

Bạn mong muốn mở rộng các cơ hội hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là các vùng giáp ranh giữa hai nước. Họ rất muốn Hiệp hội Mắc ca Việt Nam thường xuyên giao lưu với Hiệp hội Mắc ca Vân Nam để trao đổi kinh nghiệm, trao đổi các giống tốt và cùng phát triển.

Trên đường trở lại Việt Nam, GS Hoàng Hòe nhận định: Giang Thành có điều kiện tự nhiên rất gần với vùng Tây Bắc của ta. Họ trồng được mắc ca tốt như vậy thì chúng ta cũng phải suy nghĩ để làm được như bạn. Trước mắt, những vùng đồi gò ở Điện Biên và Lai Châu cần xem xét để quy hoạch đưa mắc ca vào canh tác. Cần tổ chức cho các đồng chí lãnh đạo các tỉnh biên giới sang thăm cơ sở sản xuất của bạn ở Giang Thành để tin tưởng hơn và học tập bạn. Hy vọng, chính những rừng mắc ca trong tương lai sẽ là nguồn hạnh phúc cho bà con các dân tộc vùng xa xôi này của chúng ta…

Tôi nhớ tới ý định của ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank và Cty Him Lam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Ông dự định sẽ tổ chức một lễ hội hoa mắc ca tại Tây Bắc. Ông cho tôi biết, ông sẽ xây dựng một khu vực rộng lớn gọi là “thiên đường mắc ca” tại Lai Châu và tới năm 2018 sẽ tổ chức lễ hội này. Đó thật là một suy nghĩ tuyệt vời. Chắc chắn Tây Bắc sẽ đổi thay nhờ vào việc phát triển cây mắc ca. Xin các bạn hãy tin tưởng và chờ đợi.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.