| Hotline: 0983.970.780

Còn nhiều lầm tưởng về thị trường Trung Quốc

Thứ Sáu 28/03/2025 , 15:38 (GMT+7)

Thương mại qua biên giới đất liền Việt - Trung chỉ chiếm 20~25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước, yêu cầu về an toàn thực phẩm rất cao chứ không hề dễ tính.

Tại Hội nghị Tuyên truyền về Hội nhập kinh tế quốc tế sáng 28/3, bà Tạ Thị Bình An, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn chưa có cái nhìn đúng về thị trường tỷ dân.

"Hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc không chỉ đơn thuần là thương mại biên giới", bà An nói và chia sẻ, dù là đối tác thương mại biên giới lớn nhất của Trung Quốc song kim ngạch thương mại qua khu vực biên giới đất liền Việt - Trung chỉ chiếm 20~25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước.

Hội nghị được tổ chức tại tỉnh Hà Giang, với sự tham gia của đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan. Ảnh: Ngô Nam.

Hội nghị được tổ chức tại tỉnh Hà Giang, với sự tham gia của đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan. Ảnh: Ngô Nam.

Trên thực tế, Quảng Đông mới là tỉnh có hoạt động giao thương lớn nhất với Việt Nam (chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch), không phải 2 tỉnh có biên giới với Việt Nam là Quảng Tây hay Vân Nam.

Trung Quốc là nước có cơ cấu nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên đây không phải thị trường dễ tính. Quốc gia tỷ dân có đầy đủ quy định giám sát, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Thương mại với Trung Quốc là thương mại với thị trường gồm 31 địa phương. Khái niệm "xuất khẩu tiểu ngạch”, thực tế không tồn tại, mà thực chất là hình thức doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu theo cách trao đổi cư dân biên giới nhằm tận dụng ưu đãi về thuế nhập khẩu và thuế VAT. Với hình thức này, Trung Quốc miễn thuế trong định mức 8.000 tệ/người/ngày (gần 30 triệu đồng).

Công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch với hình thức này tương đối lỏng lẻo, thậm chí không có. Thanh toán đơn giản, nhanh gọn, dễ tham gia, dễ thực hiện, nhưng lại không có hoặc hợp đồng lỏng lẻo. Nhiều mặt hàng chưa được mở cửa vẫn có thể xuất khẩu được nhờ sự “linh hoạt” của chính quyền địa phương

Việc trao đổi của cư dân biên giới tiềm ẩn rủi ro ùn tắc hàng hóa vào các dịp cao điểm, hoặc Trung Quốc thay đổi, tăng cường biện pháp quản lý cửa khẩu. Từ đó, gây hiểu lầm cho doanh nghiệp và khó khăn cho công tác mở cửa thị trường của cơ quan quản lý nhà nước, có thể gây ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của hàng Việt Nam.

Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương Việt - Trung đạt hơn 205 tỷ USD, tăng 19,3% so với 2023. Riêng 2 tháng đầu năm 2025, kim ngạch 2 chiều đạt 31,2 tỷ USD, tăng 14,4%. Bà An nhấn mạnh, dư địa của đối tác thương mại lớn nhất với Việt Nam trong 20 năm qua là rất lớn.

Ông Ngô Xuân Nam: 'Trung Quốc không phải thị trường dễ tính'. Ảnh: SPS Vietnam.

Ông Ngô Xuân Nam: 'Trung Quốc không phải thị trường dễ tính'. Ảnh: SPS Vietnam.

Trong số các mặt hàng, sắn, cao su và rau quả là 3 loại Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, lần lượt là 91,7%; 71,4% và 64,8%.

Dù vậy, những nông sản này vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các thị trường lân cận khi Trung Quốc đưa vào vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao với Lào từ tháng 12/2021. Mỗi năm, tuyến đường dài 1.035km này vận chuyển khoảng 9 triệu lượt khách và 14 triệu tấn hàng hóa (gấp đôi so với khả năng của đường sắt nội địa Việt Nam).

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đồng tình và cho biết thêm, việc chuyên chở hàng hóa bằng đường sắt trong nước, nhất là với nông sản, thủy sản vẫn mang tính thời vụ, chưa phát huy hiệu quả tương xứng, chưa giảm tải được cho việc chuyên chở bằng đường bộ.

Với các tỉnh có biên giới với Trung Quốc, dù đã được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là khu vực cửa khẩu, nhưng dịch vụ logistics còn hạn chế. Việc triển khai thí điểm cửa khẩu thông minh còn gặp khó khăn. Một số tỉnh như Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên còn gặp thách thức về đường giao thông dẫn đến khó thu hút doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Tại Hà Giang, mạng lưới đường nối các huyện vùng cao, đường ra cửa khẩu chưa được phát triển đồng bộ. Dù các tuyến vận chuyển hàng hóa đường bộ quốc tế Việt - Trung đã được khai thông, nhưng hoạt động của cặp cửa khẩu Thanh Thủy - Thiên Bảo, Xín Mần - Đô Long, Săm Pun - Điền Bồng vẫn chưa triển khai vào sâu lãnh thổ hai bên.

"Thời gian tới, Bộ Công Thương cam kết tăng cường hợp tác, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa Việt - Trung, hỗ trợ khai thác và phát huy ưu thế của tuyến vận tải container đường sắt liên vận quốc tế để mở rộng quy mô vận tải hàng hóa qua biên giới", ông Hải bày tỏ.

Sầu riêng nằm trong số những nông sản được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Ảnh: China Daily.

Sầu riêng nằm trong số những nông sản được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Ảnh: China Daily.

TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, để phát triển hơn nữa hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc, doanh nghiệp cần lưu ý tới Hiệp định RCEP - một FTA thế hệ mới, được ký giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Nhiều ưu đãi về thuế quan được nêu rõ trong hiệp định này.

Ngoài ra, RCEP cũng quy định chặt chẽ các biện pháp kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm (SPS). Doanh nghiệp xuất khẩu cần nghiên cứu kỹ, đồng thời tham khảo thêm những quy định liên quan như Luật An toàn thực phẩm, Luật An toàn và chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc, và Quy định 248, 249.

Một số lưu ý chính được ông Nam đưa ra gồm: Doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc phải đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số sản phẩm, nhà máy; 18 nhóm hàng (thịt và sản phẩm thịt, thủy sản, sữa, yến và sản phẩm từ tổ yến, ruột động vật, ong, trứng...) phải đăng ký trực tuyến qua giới thiệu của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu.

Hiện Trung Quốc đã ký nghị định thư với 8 nhóm sản phẩm: măng cụt, sầu riêng, chuối, khoai lang, thạch đen, dưa hấu, dừa, sầu riêng đông lạnh. 6 sản phẩm khác đã có dự thảo và 2 sản phẩm đang được hướng dẫn xuất khẩu tạm thời. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho sản phẩm bưởi và dược liệu.

"Yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của Trung Quốc rất cao. Doanh nghiệp xuất khẩu phải có hệ thống quản lý tương đương với HACCP, đồng thời đáp ứng những yêu cầu về quy tắc xuất xứ, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch", TS Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.

Xem thêm
Bảo hiểm thất nghiệp: Điểm tựa an sinh, thúc đẩy thị trường lao động

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không chỉ giúp người lao động ổn định cuộc sống mà còn góp phần điều tiết, phát triển thị trường lao động bền vững.

Danko Riverside: Khu đô thị đẳng cấp châu Âu, điểm đến của cộng đồng chuyên gia

Danko Riverside - khu đô thị đẳng cấp châu Âu là điểm đến an cư lý tưởng, nơi hội tụ cộng đồng chuyên gia tinh hoa, chuẩn mực sống mới tại Bắc Giang.

Mong chính sách tín dụng linh hoạt hơn cho lĩnh vực nông nghiệp

Cần Thơ Các địa phương, doanh nghiệp kiến nghị giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy chính sách tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nhất là Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Bí kíp 'chốt đơn' 20 lô đất/tháng của nhà môi giới tại Hải Phòng

Bí kíp 'chốt đơn' và cơ duyên đến với nghề môi giới bất động sản của anh Nguyễn Văn Sen khá tình cờ và thú vị trong 'một lần mua đất bị hớ'.