| Hotline: 0983.970.780

Nhân chứng khắc họa lịch sử

Thứ Năm 19/06/2014 , 08:30 (GMT+7)

Nhắc đến những nhân vật nổi tiếng trong làng truyền thông Việt Nam, có lẽ không thể không kể tên Trần Mai Hạnh.

Cả cuộc đời Trần Mai Hạnh, vinh quang lẫn cay đắng, đều trở thành một phần của đời sống báo chí đương đại.

Vừa bước qua ngưỡng cửa “cổ lai ly”, nhà báo Trần Mai Hạnh cho ra mắt cuốn sách “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” - Nhà xuất bản Chính trị Quốc qia. Một nhân chứng khắc họa một thời khắc lịch sử, hứa hẹn điều gì thú vị chăng?

Dãy số “1-2-3-4.75” có nghĩa xác lập khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/1975. Lúc ấy, Trần Mai Hạnh làm gì? Ông đang là phóng viên Thông tấn xã VN được đặc phái tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, ông có cơ duyên có mặt tại Dinh Độc Lập đúng ngày 30/4/1975 và viết bài tường thuật đầu tiên trong giới báo chí nước ta về sự kiện trọng đại này.

Được chứng kiến thời khắc lịch sử, với một người có phẩm chất cầm bút như Trần Mai Hạnh thì chắc chắn ông không thể hài lòng bằng dăm bài báo ngăn ngắn mang tính thông tin đại chúng. Trần Mai Hạnh bỏ công bỏ sức nghiên cứu và sưu tầm nhiều nguồn tài liệu khác nhau về sự lụi tàn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nhằm truyền tải toàn bộ đầy đủ ý nghĩa to lớn của công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Hai cuốn sách “Sụp đổ và tự thú” và “Ngày tận thế” trước đây đã khai thác ít nhiều vốn liếng tích lũy của Trần Mai Hạnh về đề tài này. Tuy nhiên, với độ lùi năm tháng, Trần Mai Hạnh có thêm nhiều suy nghiệm sâu sắc hơn và ông quyết định viết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”.

Chữ nghĩa của một cử nhân văn chương và khả năng thẩm thấu của một nhà báo chuyên nghiệp, Trần Mai Hạnh không làm độc giả thất vọng khi cầm “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”. Cuốn sách dày hơn 450 trang, chia làm 19 chương khá mạch lạc.

Không gian tác phẩm bắt đầu từ Noel năm 1975 và kết thúc bằng sự an bài dành cho những tướng lĩnh và chính khách Việt Nam Cộng hòa cũng như sự bẽ bàng của những người Mỹ từng nhúng tay can thiệp vào chiến tranh Việt Nam. Chính những chi tiết ngồn ngộn và sinh động đã làm nên sức hấp dẫn của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”.

Gần chục năm nghiền ngẫm và chấp bút nên “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, nhà báo Trần Mai Hạnh tâm niệm: “Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Nhưng để hiểu hết chân giá trị của lịch sử, để hiểu đúng một con người lại cần có thời gian, nhiều khi không thể chỉ đánh giá một lần.

Lịch sử và cuộc sống luôn là một dòng chảy liên tục, bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá của quá khứ, đồng thời nó cũng chứa đựng mầm mống và sức sống mãnh liệt của tương lai”.

Bởi suy tư ấy, trong tác phẩm này, Trần Mai Hạnh gạt bỏ tất cả thành kiến cũng như không dùng lời lẽ cay độc đối với những người ngã ngựa bên kia chiến tuyến.

Đã có nhiều người viết về sự tan rã của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, nhưng chưa ai có được nguồn tư liệu dồi dào như Trần Mai Hạnh. Đọc “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, người đọc dễ dàng thấy được tác giả đã tập hợp được rất nhiều tài liệu có sức thuyết phục rất cao, gồm hồ sơ lưu trữ, biên bản lời khai và cả các bài phỏng vấn báo chí tiếng Việt lẫn báo chí tiếng Anh.

Ưu điểm nữa của Trần Mai Hạnh là ông biết cách đối chiếu, so sánh và phục dựng kho tư liệu của mình thành những diễn biến lôi cuốn. Do đó, nhiều gương mặt tương đối mờ nhòe trong giai đoạn lịch sử này được Trần Mai Hạnh sử dụng một cách khéo léo để kết nối các tuyến nhân vật uyển chuyển và chặt chẽ hơn, mà ví dụ cụ thể nhất là Mai Anh - vợ Nguyễn Văn Thiệu!

Rất có thể, vài chục năm nữa, chẳng ai còn nhớ nhà báo Trần Mai Hạnh từng làm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói VN và làm Tổng Thư ký Hội Nhà báo VN nhiều khóa, mà người ta chỉ nhắc nhà báo Trần Mai Hạnh cùng tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”. Cái hạnh phúc bình dị ấy đối với một nhà báo, rất đơn sơ mà cũng rất kỳ vĩ!

Do đó, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” dung hòa được hai yếu tố thông tin và thẩm mỹ!

Có một điều hơi băn khoăn về “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là thể loại của tác phẩm. Tác giả Trần Mai Hạnh tự ghi chú cuốn sách là “tiểu thuyết lịch sử”. Thế nhưng, trên cơ sở văn bản chắc chắn không ít người sẽ nhận định rõ ràng “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” như một “tiểu thuyết tư liệu”.

Vì sao? Vì “tiểu thuyết lịch sử” xác lập biên độ hư cấu tương đối rộng rãi, còn “tiểu thuyết tư liệu” hạn chế hư cấu đến mức tối đa. “Tiểu thuyết lịch sử” có thể đưa ra bằng chứng giả, còn “tiểu thuyết tư liệu” tránh mọi sự chông chênh gây hiểu nhầm là vu cáo hoặc bịa đặt.

Mặt khác, xét về cấu trúc tác phẩm, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” mang đầy đủ những đặc trưng của “tiểu thuyết tư liệu” từ chọn lựa sự kiện, tổng hợp thông tin đến phân tích dữ liệu và dàn dựng tình huống đều hướng đến đề xuất một luận chứng lịch sử!

sch-trn-mi-hnh143546322
Cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”

Ở đây không phải đôi co lý luận văn học, mà thiết nghĩ rất cần sòng phẳng nói rằng, nhà báo Trần Mai Hạnh là một nhân chứng lịch sử còn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là tác phẩm khắc họa một dấu son lịch sử.

“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” tuân thủ nghiêm ngặt tính xác thực, do đó tự thân cuốn sách đã tách khỏi phạm vi báo chí ghi chép và cũng tách khỏi phạm vi văn xuôi lịch sử, để trở thành một bộ phận văn học có ranh giới riêng. Phẩm chất “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” xứng danh một tiểu thuyết tư liệu với tiêu chí tính giải mật càng nhiều thì giá trị càng lớn!

Không phải ngẫu nhiên kết thúc “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là phần phụ lục in lại nguyên văn phát biểu của Nguyễn Văn Thiệu khi từ chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa vào ngày 21/4/1975!

Nhà báo Trần Mai Hạnh từng thành đạt với vị trí đỉnh cao nghề nghiệp và cũng đã từng chịu đựng không ít bẽ bàng khổ lụy. Bây giờ ở tuổi 71, mọi được mất đối với ông chỉ như bóng mây thoáng qua một kiếp người. Cái ông theo đuổi là trang viết và cái ông còn lại cũng là trang viết.

Dẫu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đúng như Trần Mai Hạnh thổ lộ “số phận cuốn sách không may gắn với cuộc đời làm báo nhiều sóng gió, thăng trầm của tác giả”, thì ông vẫn có thể hài lòng về con đường mà mình đã chọn, cũng như không làm thất vọng những người đã ủng hộ ông trong suốt hành trình làm báo nhiều tự hào lắm gian nan!

Sài Gòn, 6/2014

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

Thua tối thiểu U23 Iraq vì VAR, U23 Việt Nam chính thức dừng bước

Tình huống thổi phạt đền ở phút 69 là bước ngoặt khiến U23 Việt Nam để thua trước U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm