Thiếu tướng Hoàng Đan đã từng kinh qua nhiều cấp độ chỉ huy khác nhau trên chiến trường. Ông từng tham gia, chỉ huy những trận đánh phòng ngự nổi tiếng như trận Thành cổ Quảng Trị, trận Thượng Đức, trận Bình Độ 400, trận Vị Xuyên...
Có ý kiến đánh giá Thiếu tướng Hoàng Đan là vị tướng am tường hàng đầu về chiến tranh phòng ngự, phản công của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Như ở trận Thượng Đức, các sĩ quan cao cấp quân đội ta lúng túng khi đối mặt với sự tiến công của 2 sư đoàn tinh nhuệ thuộc Quân lực Việt Nam cộng hòa vì ít được trải nghiệm hay được huấn luyện về chiến tranh phòng ngự.
Chỉ tới khi ông đích thân vào tăng viện cùng với một Trung đoàn bộ binh và một lượng lớn đạn pháo thì tình huống mới được giải quyết.
“Kỳ Sơn” Thượng Đức
Được ví như Khổng Minh có tới mấy bận ra Kỳ Sơn, Thiếu tướng Hoàng Đan đã ba lần vào Thượng Đức.
Lần thứ nhất vào giúp làm kế hoạch tác chiến, "giã" thẳng Thượng Đức nhằm mở toang cánh cửa xuống đồng bằng, uy hiếp Đà Nẵng từ hướng tây - nam. Lần thứ hai, ông vào mang theo công binh, hỏa tiễn và đạn pháo để chiếm Thượng Đức. Đến đợt thứ ba, ông lại vào để “giữ vững” Thượng Đức.
Thượng Đức là một địa bàn miền núi cách thành phố Đà Nẵng khoảng 60 km, gần phía Lào. Quận lị và Chi khu quân sự Thượng Đức của quân đội Sài Gòn có 1 đồn chính, do Tiểu đoàn 79 đóng giữ.
Bên cạnh, là Quận lị hành chính, do 2 trung đội bảo an địa phương quân, một đại đội cảnh sát dã chiến bảo vệ. Vòng ngoài có các đồn nhỏ như Ba Khe, và cao điểm 52, do 1 trung đội viễn thám, và 16 trung đội nghĩa quân bảo vệ.
Lực lượng khá đông, trên dưới 2.000 người, tất cả đặt dưới sự chỉ huy của trung tá Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng. Cả khu vực này đã hình thành một cứ điểm được tổ chức khá liên hoàn, chặt chẽ, có 35 công sự kiên cố, lô cốt nửa nổi nửa chìm, có hệ thống hầm ngầm, giao thông hào liên hoàn, hỏa lực mạnh.
Nhiệm vụ của Sư đoàn 304 cùng các đơn vị của Quân khu 5 là đánh chiếm quận lị và Chi khu quân sự Thượng Đức, và đánh viện từ Đà Nẵng lên. Theo nhận định của trên, vì Thượng Đức rất quan trọng, nếu bị mất thì Đà Nẵng bị đe dọa, nên có khả năng quân đội Sài Gòn sẽ điều cỡ sư đoàn lên cứu Thượng Đức.
Thiếu tướng Hoàng Đan (1928-2003) quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 1 khi quân đoàn này được thành lập. Phó Giám đốc Học viện Quân sự cao cấp, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng quân khu 1, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự (nay là Cục Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Quốc phòng). Ông được phong Thiếu tướng năm 1977. Năm 2014, Thiếu tướng Hoàng Đan được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. |
Tướng Hoàng Đan đang làm Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, Bộ Tổng tham mưu ở Hà Nội lập kế hoạch đánh chiếm Thượng Đức, giao cho quân khu 5 thực hiện, và Sư đoàn 304 của Quân đoàn 2 tham gia làm lực lượng chính.
Sư đoàn 304 (do thượng tá Lê Công Phê làm Sư đoàn trưởng) sẽ đánh thử cỡ sư đoàn của quân đội Sài Gòn, để xem khả năng chiến đấu của cấp sư đoàn của 2 bên như thế nào.
Mọi việc chuẩn bị khó nhăn nhất đã xong, rất yên tâm, Phó Tư lệnh Quân đoàn Hoàng Đan để việc chỉ huy trận đánh Thượng Đức cho Sư trưởng Lê Công Phê, và Sư phó Nguyễn Ân, còn ông về Quân đoàn làm nhiệm vụ chỉ huy huấn luyện Quân đoàn 2 vừa mới được thành lập.
Nhưng diễn biến trận đánh Thượng Đức đã không được suôn sẻ như kế hoạch ban đầu. Tướng Hoàng Đan đang chỉ đạo huấn luyện Quân đoàn 2, thì nhận được điện cùng một lúc từ 3 nơi, Sư đoàn 304, Quân khu 5, và Bộ Quốc phòng từ Hà Nội điện vào, cho biết Sư đoàn 304 tấn công Thượng Đức không thành công.
Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 thảo luận chớp nhoáng, và thống nhất Phó Tư lệnh Quân đoàn Hoàng Đan phải vào Thượng Đức ngay, để nắm tình hình thực tế, và có chỉ đạo trực tiếp. Xuống ngay Sư đoàn 304, nghe báo cáo lại tình hình, rồi sau khi tìm hiểu kỹ càng, Phó Tư lệnh Quân đoàn Hoàng Đan rút ra kết luận như sau: Chủ quan khinh địch.
Rút ra bài học kinh nghiệm, phổ biến cho lãnh đạo Sư đoàn 304, tướng Hoàng Đan cùng lãnh đạo Sư đoàn chỉ đạo tấn công lại, thay đổi cách chỉ huy.
Đêm ngày mồng 6 tháng 8, ta bắt đầu pháo kích có trọng tâm các căn cứ hỏa lực của quân đội Sài Gòn. Chỉ sau hơn 4 tiếng đồng hồ, đến 9 giờ sáng ngày mồng 7 tháng 8, ta đã chiếm được Thượng Đức.
Để thương vong ít nhất
"Tướng Hoàng Đan là một tướng chiến trận. Nơi nào có cuộc chiến ác liệt nhất là có mặt tướng Hoàng Đan. Ông chiến đấu dũng cảm và chỉ huy có mưu trí. Ông đã tham gia, chỉ huy các trận đánh nổi tiếng." (Thượng tướng Hoàng Minh Thảo) |
Đại tướng Cao Văn Viên được sự chấp thuận của Tổng thống Thiệu, đã điều Sư đoàn dù vào Đà Nẵng để lấy lại Thượng Đức. Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng là Sư đoàn trưởng Sư đoàn nhảy dù, là lực lượng đội mũ nồi đỏ, rất thiện chiến tấn công chiếm lại Thượng Đức.
Cách tấn công của lính dù Sài Gòn cũng rất bài bản. Đầu tiên, họ bí mật tiến sát các vị trí của giải phóng quân. Sau đó, họ cho pháo bắn, máy bay ném bom vào các vị trí phòng ngự của quân giải phóng. Sau 3 tháng hao tổn mà không hạ được cứ điểm, sư đoàn dù nhanh chóng rút khỏi Thượng Đức.
Phát biểu trại lễ kỷ niệm về trận Thượng Đức sau này, Thiếu tướng Hoàng Đan xúc động nhắc: “Tự nhiên đến lúc này, chúng tôi nghĩ nhiều đến những anh em chiến sĩ ở các đơn vị, trải qua những giai đoạn ác liệt nhất và còn đến ngày nay, chúng tôi không muốn để hi sinh thêm một người nào nữa.
Tất nhiên, đó chỉ là mơ ước, vì còn đánh nhau thì còn thương vong. Nhưng hơn thời kỳ nào hết, lúc này chúng tôi phải suy nghĩ thật kỹ để thương vong ít nhất”.
Cùng với chiến thắng của tướng Hoàng Cầm ở Phước Long ngay sau đó, chiến thắng Thượng Đức dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Hoàng Đan đã tạo nên tiền đề cho các chiến dịch góp phần thống nhất Việt Nam trong mùa xuân năm 1975.
Khi những chiến sĩ Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 đưa xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập trưa 30/4/1975 và cắm lá cờ tại Phủ Tổng thống Việt Nam cộng hòa lại chính là những chiến sĩ Đoàn Vinh Quang đã từng tham chiến ở Thượng Đức trước đó chỉ mấy tháng.
Có mặt cùng binh đoàn giờ phút toàn thắng là nỗi mừng vui của Thiếu tướng Hoàng Đan.