Mưu sinh ra kế, thế đẻ ra thời
Chiến dịch Tây Nguyên mà mở màn là chiến thắng Buôn Ma Thuột đã mở ra “thời cơ chiến lược lớn” thừa thắng chuyển sang tổng tiến công và nổi dậy xuống đồng bằng ven biển miền Trung, tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với chiến dịch lịch sử này, luận điểm quân sự “mưu cao nhất là mưu lừa địch” của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã được chứng minh.
Năm 1966, Quân ủy Trung ương cử tướng Hoàng Minh Thảo vào chiến trường Tây Nguyên.
Trước ngày lên đường, ông đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời tới gặp và dặn: “Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược vô cùng quan trọng. Đối với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ở nước ta, Tây Nguyên không chỉ là căn cứ địa, mà sẽ là bàn đạp, là nơi phát động những chiến dịch tiến công lớn của các binh đoàn chủ lực để tạo ra những đột biến có tính chất bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược”.
5 năm trực tiếp gắn bó với chiến trường Tây Nguyên đã cho ông nhiều kinh nghiệm quý báu.
Chính cuốn sách “Tìm hiểu tổ tiên ta đánh giặc” viết năm 1971, tướng Hoàng Minh Thảo đã sớm nhận ra chỗ yếu và hiểm yếu của chiến trường Tây Nguyên. Điều đó càng được khẳng định trong chiến dịch Đắk Tô - Tân Cảnh diễn ra mùa khô năm 1972 do ông chỉ huy.
Đến năm 1973, khi ra miền Bắc họp, ông đã đề nghị với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc đánh Buôn Ma Thuột.
Hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Trong buổi làm việc, anh Hoàng Minh Thảo với nhãn quan một nhà nghiên cứu khoa học quân sự đã nêu ý kiến: Khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên thì trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi sơ hở nhất. Khó khăn phải vượt qua để tiến công trên hướng này là thiếu đường hành quân và thiếu nước. Tôi rất tán thành”.
Ý kiến đó của ông được Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đồng tình chấp nhận.
Từ nhãn quan một nhà nghiên cứu quân sự, ông đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên - nơi hiểm yếu là Buôn Ma Thuột và trực tiếp chỉ huy, đề ra nguyên lý: “Mưu sinh ra kế, thế đẻ ra thời. Đánh bằng mưu kế, thắng bằng thời thế”, đó là những tinh hoa của nghệ thuật quân sự Việt Nam mà Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã vận dụng.
Tây Nguyên rung chuyển
Chọn Tây Nguyên là nơi có dung lượng chiến trường lớn, vừa có rừng núi, vừa có cao nguyên, lại là nơi có đường Hồ Chí Minh chiến lược đi qua. Ở Tây Nguyên lại chọn Buôn Ma Thuột làm điểm đột phá là chính xác vì đây là nơi hiểm yếu.
Đòn trúng huyệt làm toàn bộ Tây Nguyên và các tỉnh miền Nam Trung Bộ rung chuyển.
+ Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (1921-2008) tên thật là Tạ Thái An, quê ở xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Trong kháng chiến chống Pháp ông là Khu trưởng Chiến khu 3, Tư lệnh Liên khu 4, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông được cử làm Giám đốc Học viện Quân sự, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Phó Tư lệnh Quân khu 5... + Sau 1975, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo làm Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng), Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự. Ông được phong danh hiệu Giáo sư (1980), Nhà giáo Nhân dân (1986), Giải thưởng Hồ Chí Minh (2005)... |
Để tạo thế phá vỡ Tây Nguyên, Bộ Tổng tư lệnh quyết định đưa Quân đoàn 4 vào phía bắc Đồng Nai, Quân đoàn 2 vào phía tây Huế. Quân lực Việt Nam cộng hòa buộc phải đưa Sư đoàn lính dù và Sư đoàn lính thủy đánh bộ ra giữ Sài Gòn và Huế.
Khi lực lượng tổng dự bị chiến lược này di chuyển, Tây Nguyên hở sườn. Đồng thời, ta bất ngờ tăng thêm cho Tây Nguyên 2 sư đoàn là Sư đoàn 968 và Sư đoàn 316.
Thực hiện kế nghi binh lừa địch, với lực lượng tại chỗ, ta đã đưa Sư đoàn 10 tiến về Đức Lập, phía Nam Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 320 đã tiến về Ea H’leo, Bắc Buôn Ma Thuột đánh chia cắt chiến lược và chia cắt chiến dịch ở Tây Nguyên chuẩn bị cho việc “trói địch lại mà diệt”.
Sư đoàn 316 bí mật xuất phát từ Nghệ An bằng cơ giới vào chiến trường phía nam Tây Nguyên. Sư đoàn 968 hành quân bộ vượt qua vùng rừng núi Việt - Lào tiến vào phía bắc Tây Nguyên thay thế Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 để hai sư đoàn này bí mật chuyển từ Kon Tum, Gia Lai về phía nam.
Với sức mạnh từ ba sư đoàn của các binh chủng hợp thành táo bạo và bất ngờ tiến công thẳng vào thị xã Buôn Ma Thuột.
Ngày 10/3/1975, khi những chiếc xe tăng của bộ đội ta đã cán xích trên đường phố Buôn Ma Thuột, lúc đó tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 kiêm Tư lệnh vùng 2 chiến thuật mới biết tin thì đã quá muộn vì ta đã làm chủ hoàn toàn Buôn Ma Thuột.
Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh: “Phải giữ Buôn Ma Thuột bằng bất cứ giá nào”.
Do đường 14 là đường bộ duy nhất nối liền Pleiku với Buôn Ma Thuột đã bị Sư đoàn 320 cắt đứt và chiếm giữ, nên Sư đoàn 23 muốn thực hiện phản kích chỉ còn cách đi bằng máy bay trực thăng, đổ quân vào nơi ta dự kiến.
Thế trận ta đã bày sẵn, Sư đoàn 10 và Trung đoàn 25 của ta liên tiếp đánh bại bốn trận phản kích của địch ở đường 21 phía đông Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 23, con “át chủ bài” của quân lực Việt Nam cộng hòa đã cơ bản bị xóa sổ, những cố gắng và hy vọng chiếm lại Buôn Ma Thuột của địch đã bị dập tắt.
Bằng nghệ thuật nghi binh, dẫn dụ địch đi từ sai lầm này tới sai lầm khác, để rồi bất ngờ đánh một đòn sấm sét, nhanh chóng giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, tạo ra cơn xung chấn đầu tiên khiến địch choáng váng, hoảng loạn, dẫn đến sai lầm có tính chiến lược.
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo thường nói: Kế hoạch tác chiến càng công phu kỹ lưỡng bao nhiêu, thì thắng lợi càng dễ bấy nhiêu; thế trận càng phức tạp thì tình huống càng diễn ra giản đơn.
Trong khi sĩ quan và binh lính đang “tử thủ”, “tái chiếm” thì Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã quyết định rút bỏ Tây Nguyên và ra lệnh: Tùy nghi di tản; cho quân rút về co cụm ở đồng bằng ven biển miền Trung để bảo toàn lực lượng. Đây chính là sai lầm chí mạng để quân ta truy kích và tiêu diệt hoàn toàn lực lượng tháo chạy.
Những chiến thắng trên chiến trường do Thượng tướng Hoàng Minh Thảo chỉ huy, đã được ông vận dụng một cách sáng tạo về nghệ thuật sử dụng mưu kế.
Đặc biệt là chiến thắng Tây Nguyên năm 1975, đòn then chốt quyết định mở đầu đã tạo thế cho chiến dịch Huế, chiến dịch Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.