| Hotline: 0983.970.780

Nỗi niềm dân làng chài Hà Long, đêm đêm mơ tiếng cá lội

Thứ Ba 23/01/2018 , 14:30 (GMT+7)

Đã 4 ngày nay, ông Lai về tay không. Sông Lam ngày càng nghèo kiệt, dân làng chài Hà Long chỉ kiếm được 30-40 nghìn đồng mỗi đêm.

Đêm mơ tiếng cá lội

Trông thấy một số thuyền nan dàn hàng ngang trên mặt sông, anh Trần Văn Lai, xóm chài Hà Long, xã Thanh Hà, Thanh Chương (Nghệ An) ngao ngán thở dài: "Đó là những thuyền dùng kích điện đánh cá, tuyệt diệt cá sông. Đa phần họ đến từ các xã khác…Mỗi bộ kích như thế cũng 3-4 triệu đồng, chúng tôi làm gì có tiền và cũng không dám sắm, chỉ dùng lưới then 1, then 2 đi thật xa bắt con tôm, con tép, kiếm ăn qua ngày".

16-28-53_mot-goc-lng-chi-h-long
Một góc làng chài Hà Long

Chiếc thuyền rách nát được che bằng tôn mỏng đã hoen rỉ, rộng chưa đến 10 m2 được gác một phần lên bờ là nơi trú ngụ của 4 con người trong gia đình anh Lai. Mùi cá tép tanh tưởi bốc lên lờm lợm từ dưới mạn thuyền. Thuyền hẹp nhưng anh Lai cũng phải ngăn ba, một đầu nấu ăn, một đầu chỉ đủ để cái bàn nhỏ cho đứa con học bài. Ngăn ở giữa là "giường" ngủ của vợ chồng, con cái, cũng là nơi đứa con thứ hai chưa đến 1 tuổi ngồi chơi. Khoảng không chừng 4 m2 đó được phân biệt với hai phần còn lại của chiếc thuyền bởi lưới đánh cá hư hỏng được vá víu lại.

16-28-53_tre-con-lng-chi-h-long-doi-mt-voi-nguy-co-mu-chu
Trẻ em làng chài Hà Long đối mặt với nguy cơ mù chữ

"Ai cũng phải làm thế để giữ những đứa trẻ khỏi bị rơi xuống sông. Khi chúng lớn hơn một chút thì phải dùng dây thừng để buộc một chân, đầu kia của dây néo vào mạn thuyền. Ở đây từng có một gia đình do sơ suất nên cả hai đứa con nhỏ đều rơi xuống nước chết đuối" – anh Lai nói.

Là thế hệ 8X, anh Lai còn nhớ như in những đêm trăng cá lội, nhất là vào tiết lập xuân. Chừng mươi, mười lăm năm trước, cá nhiều vô kể, tiền bán không được là bao nhưng những người phụ nữ sáng sáng đem cá vào làng đổi lấy gạo, rau, khoai, sắn.

Nước lấy ở sông, thức ăn đã có tôm cá. Nay cá tôm vắng ngắt, đi cả đêm ròng cũng chỉ được mớ tôm, mớ tép. Không ai đổi gạo nữa, bán không hết phải dùng chiếc dao nhỏ, moi ruột, nướng than, sáng sáng đứng ở đường lớn bán kiếm tiền mưu sinh.

16-28-53_phu-nu-lng-chi-h-long-dem-c-len-bo-bn
Phụ nữ làng chài Hà Long đem cá lên bờ bán
Tại huyện Thanh Chương còn có nhiều làng chài sống trong cảnh chật vật lênh đênh trên sông nước. Nghệ An đã xây dựng hai khu tái định cư (TĐC) cho dân làng chài là Triều Dương và Khe Mừ với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng. Thế nhưng, vì nhiều lý do, hai khu TĐC này đến nay vẫn chưa được bàn giao đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục dang dở và xuống cấp nghiêm trọng.

Cá ngày càng hiếm mới sinh ra chuyện người này chờ lúc người kia sơ hở liền trút hết cá tôm về nhà mình. Vì thế, chiếc thuyền nan lớn thường chỉ là nơi vợ con ngủ nghỉ còn anh Lai nằm ở chiếc thuyền nan bé tẹo để "canh cá".
 

Mơ tấc đất cắm dùi

Không có đất sản xuất đã đành, những doi đất ở bờ sông cũng đã được chia cho các hộ dân trên bờ sản xuất. Người dân làng chài Hà Long chỉ có thể phơi củi, trồng vài cây rau cải sát mép sông, hễ nước lên là mọi thứ trôi tuột.

Vợ chết cách đây mấy năm, nhà nuôi một bà chị tàn tật, không có người trông con để đi đánh cá, năm 2015, ông Nguyễn Đình Bình làm liều đi xin tôn cũ về lợp cái “nhà” ngay trên bến sông, cạnh tỉnh lộ 533 để ở tạm.

Biết làm như thế là sai nhưng không còn cách nào khác, ông vẫn phải sống và những đứa con vẫn phải được đến trường cho bằng bè bằng bạn.

Đã mấy đêm ròng, ông Bình dong thuyền hàng km để kiếm cá. Ông trở về tay không đồng nghĩa với việc những đứa con phải chịu cảnh đói rét.

16-28-53_nhieu-ho-dn-lm-lieu-dung-nh-tm-cnh-tinh-lo-533
Nhiều hộ dân làm liều dựng nhà tạm cạnh tỉnh lộ 533

"Ở xóm này, lũ trẻ được học đến nơi đến chốn hiếm hoi lắm. Ông bà, tổ tiên, cha mẹ, cô bác chúng mù chữ đã đành, những đứa trẻ thường cũng chỉ học hết lớp 2, lớp 3 là bỏ học đi đánh cá hoặc cửu vạn. Nhà tôi cũng thế, cả hai đứa con cũng sẽ phải bỏ học đi làm thôi. Tôi già rồi lại nuôi thêm bà chị bệnh tật nữa, tiền đâu mà lo cho chúng? Chúng tôi ước mơ có một ít đất để làm nhà tạm ở chứ cứ suốt ngày lo bị tháo dỡ thế này cũng khổ lắm" – ông Bình chua xót.

Cả làng chài có 63 hộ, 279 nhân khẩu. Trong đó có 11 hộ nghèo, 28 hộ cận nghèo. Nhưng theo bà Trần Thị Hồng, 85 tuổi, đáng lẽ tỷ lệ hộ nghèo còn phải cao hơn nữa mới đúng.

"Chúng tôi xin lắp điện lưới để con cháu được học hành đàng hoàng. Nhưng lắp điện rồi, hộ nào sử dụng điện hơi nhiều lại rơi vào diện phải ra khỏi hộ nghèo. Những lúc bão bùng, chẳng ai dám sử dụng điện vì sợ chập, cháy thuyền" – bà Hồng bộc bạch.

Nhưng đau xót nhất đối với bà Hồng có lẽ là việc không có nơi để treo tấm bằng khen do Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trao tặng cả hai vợ chồng vì có thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bà phải lột bỏ khung kính, cuốn chặt, cất kỹ lưỡng trong thuyền. Chúng đã nhăn nheo, cũ rích theo năm tháng.

16-28-53_b-hong-khong-co-noi-treo-bng-cu-chu-tich-ubnd-tinh-nghe-n-tro-tng
Bà Hồng không có nơi treo Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghê An tặng

Bà Hồng cũng không nhớ rõ bao nhiêu đời của gia đình bà và chồng bà đã sống nổi nênh trên nước. Bà và chồng gặp và thương nhau khi đang làm nhiệm vụ vận tải phục vụ kháng chiến. Khi chèo thuyền lên tận Tương Dương chở than; khi sang tận Hà Tĩnh chở dầu. Đứa con đầu lòng cũng phải theo ông bà đi trong bom đạn.

“Chúng tôi không có đất sản xuất, cuộc sống chỉ nhìn vào mớ tôm, con tép. Người nào lấy vợ, gả chồng lên bờ thì còn xin được đất làm ăn. Dân chài lấy nước sông Lam để sử dụng nhưng ngày càng ô nhiễm, vừa rồi nghe nói có dự án bể đựng nước mưa cấp cho các hộ dân làng chài này nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì” – ông Nguyễn Đình Tiên, xóm trưởng làng chài Hà Long cho biết.

 

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Hà Lan tiếp tục hỗ trợ quản lý nước, rủi ro về nước vùng ĐBSCL

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Meike van Ginneken, Đặc phái viên về nước của Hà Lan. 

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.